Tác động của covid - 19 đến chuỗi giá trị lúa gạo ở Việt Nam

Lúa gạo là ngành hàng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp và có vị trí quan trọng đối với sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Sự phát triển của ngành lúa gạo góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đóng góp một tỷ trọng lớn trong giá trị xuất khẩu hàng hoá nông sản. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo từ năm 1989 và đến nay luôn luôn duy trì là 1 trong 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới

Lúa gạo chiếm vị trí cao nhất trong ngành trồng trọt với diện tích trồng lúa chiếm trên 50% tổng diện tích gieo trồng các loại cây và là cây lương thực quan trọng nhất cho sinh kế của phần lớn người dân nông thôn Việt Nam.

lan-huong-1635671806.jpg
Tác giả bài viết TS Nguyễn Thị Lan Hương

Chuỗi giá trị (Value Chain) lần đầu tiên được đưa ra bởi Michael Porter vào năm 1985, trong cuốn sách nổi tiếng của ông “Competitive Advantage”. Chuỗi giá trị là một mô hình kinh doanh mô tả đầy đủ các hoạt động cần thiết để tạo ra một sản phẩm hoặc dịch vụ. Đối với các công ty sản xuất hàng hóa, chuỗi giá trị bao gồm các bước liên quan đến việc đưa một sản phẩm từ giai đoạn hình thành đến phân phối và mọi thứ ở giữa — chẳng hạn như mua nguyên liệu thô, chức năng sản xuất và hoạt động tiếp thị.

vna-potal-kon-tum-chuan-bi-cac-dieu-kien-cho-vu-san-xuat-dong-xuan-2021-a-2022-5741284-1635472922.jpg
Ngày mùa

Chuỗi giá trị là một phần tất yếu giúp doanh nghiệp phát triển. Một công ty tiến hành phân tích chuỗi giá trị bằng cách đánh giá các thủ tục chi tiết liên quan đến từng bước kinh doanh của mình. Một mô hình chuỗi giá trị sẽ giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả và khả năng sinh lời. Bằng việc phân tích, đánh giá chất lượng sản phẩm và hiệu quả của sản phẩm, tối ưu hóa chi phí giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh tốt hơn. Hay nói cách khác, mục đích của phân tích chuỗi giá trị là tăng hiệu quả sản xuất để một công ty có thể mang lại giá trị tối đa với chi phí thấp nhất có thể.

Đại dịch Covid - 19 xảy ra là cú sốc nặng nề đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Hoạt động sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp của đất nước và đại dịch gây ảnh hưởng không ít. Tác động rõ nét nhất của dịch Covid-19 đến nông nghiệp là làm suy giảm sản xuất, đứt đoạn các chuỗi cung ứng nông nghiệp. Ngành lúa gạo không nằm ngoài những tác động đó. Bên cạnh những thành công nhất định, đại dịch xảy ra đã tác động vô cùng nghiêm trọng đến chuỗi giá trị của ngành lúa gạo tại Việt Nam.

Tác động của Covid đến chuỗi giá trị lúa gạo

Về sản xuất:

          Tính trong giai đoạn 1995-2020, diện tích đất trồng lúa trên cả nước có gia tăng, mặc dù không đáng kể với tốc độ tăng bình quân hàng năm là 0,31%. Quan sát diễn biến cụ thể hàng năm có thể thấy diện tích đất trồng biến động lên xuống theo 4 thời kỳ. Thời kỳ 1995-2000, diện tích đất trồng lúa tăng với tốc độ bình quân hàng năm ở mức 2,54%/năm thời kỳ 1995-2000 giảm xuống còn 0,9%/năm thời kỳ 2001- 2007; và thời kỳ 2014-2020 diện tích đất trồng giảm với tốc độ bình quân 1,16%/năm. Năm 2020 diện tích đất trồng lúa của cả mước là 7,28 triệu ha và được dự tính tiếp tục giảm.

Lý giải cho sự sụt giảm mạnh diện tích đất trồng lúa trong những năm gần đây bao gồm cả yếu tố khách quan và chủ quan. Thứ nhất là do biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao không những gây ra ngập lụt mà còn làm mất đất trồng lúa ở các vựa lúa quan trọng như Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh duyên hải miền Trung. Bên cạnh đó, nước biển dâng còn gây ra sự nhiễm mặn, làm giảm hệ số sử dụng đất và ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng và chất lượng lúa. Thứ hai là đất trồng lúa ngày càng giảm do phải dành diện tích cho phát triển công nghiệp, kết cấu hạ tầng và đô thị hóa. Thứ ba là do sự chuyển đổi đất trồng khi một phần đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản và cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trong giai đoạn 1995-2020, sản lượng lúa của cả nước tăng với tốc độ bình quân hàng năm là 2,23%. Năm 2020 sản lượng lúa đạt mức 42,76 triệu tấn. Trong giai đoạn này năng suất lúa được ghi nhận tăng với tốc độ bình quân hàng năm ở mức 1,9%. Nhìn chung, tăng trưởng trong năng suất lúa đóng góp khoảng 86% và tăng trưởng trong diện tích đất trồng đóng góp khoảng 14% vào tăng trưởng trong sản lượng lúa trong giai đoạn này. Tuy nhiên, việc sản xuất trong các nhà máy có xu hướng hoạt động cầm chừng do chi phí sản xuất tăng như trả lương thêm cho công nhân,… khiến chi phí  sản xuất gạo gia tăng. Các tỉnh đều giảm quy mô sản xuất khi phải duy trì chống dịch.

Do ảnh hưởng của Dovid 19, nguyên liệu phục vụ sản xuất lúa gạo nhập khẩu giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất trong nước. Các sản phẩm Việt Nam phải nhập khẩu lớn từ Trung Quốc như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Giá trị nhập khẩu của thuốc trừ sâu và nguyên liệu, phân bón các loại từ Trung Quốc 2 tháng đầu năm 2021 giảm 40,7% so với cùng năm năm 2020.

Không chỉ vậy, thị trường nguyên liệu trong nước cũng có biến đổi. Giá phân bón tăng phi mã. Đầu năm 2021, giá phân bón trong nước tăng trung bình 50-73%. Giá phân bón tăng làm chi phí sản xuất tăng cao.

35134853-1616006243582-1635262086.jpeg
Thu hoạch lúa

Về tiêu thụ, vận chuyển:

Hiện sản lượng tiêu thụ lúa gạo đang sụt giảm do những khó khăn từ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Sản lượng thu mua sụt giảm 20-30%. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong những tháng đầu năm 2021, COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của nhiều nước đối tác của Việt Nam.

Khó khăn mà doanh nghiệp trong nước đang gặp phải là không đủ khả năng duy trì hoạt động sản xuất theo “3 tại chỗ” do tỷ lệ tiêm vacxin còn hạn chế; nhiều các cơ sở sấy và xay sát lúa phải dừng hoạt động do không đáp ứng việc test nhanh COVID-19. Ngoài ra, lượng hàng tồn kho trong doanh nghiệp cũng ảnh hưởng lớn đến tổ chức ký kết mới các hợp đồng thu mua lúa gạo cho nông dân.

Riêng về logistics, do covid 19 và việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã làm gián đoạn quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa, gây ách tắc hàng hoá tại các cảng, chi phí vận chuyển tăng do gánh thêm chi phí về test covid và làm các thủ tục vận chuyển. Việc bốc xếp, vận chuyển, lưu thông lúa hàng hóa bị đứt gãy chuỗi cung ứng từ ngoài đồng, đến nhà máy, giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng. Kênh phân phối nội địa cũng khó khăn giao hàng cả đường bộ, đường thủy. Nhà máy sản xuất xong thiếu hoặc không có ghe, sà lan giao lên cảng…. Bên cạnh đó, việc thiếu container rỗng và giá cước vận chuyển tăng cao cũng là trở ngại cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong giai đoạn này.

Về giá cả:

Nếu như năm 2020, giá gạo được hưởng những tác động tích cực bởi dịch Covid 19 thì khi đón nhận làn sóng dịch Covid lần tứ 4 năm 2021, giá gạo lại chịu ảnh hưởng kép. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam (VN) xuất khẩu giữ ở mức 390 USD/tấn trong tháng 8/2021 - mức thấp nhất kể từ tháng 2.2020. So cùng thời điểm này năm ngoái với mức giá trung bình 485 USD/tấn, gạo xuất khẩu hiện tại thấp hơn gần 100 USD/tấn. Đối với thị trường nội địa, giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 500-600 đồng/kg.

Giá lúa gạo có sự dao động và không ổn định. Cụ thể, giá lúa IR50404 dao động trong khoảng 4.400 đồng/kg, giảm so với cùng kỳ năm trước từ 900-1.300 đồng/kg. Giá lúa OM9577 và OM9582 trong khoảng 5.600-5.800 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước 1.000 đồng/kg… Theo ước tính của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng giảm bình quân 133 đồng/kg, hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg; giá lúa thường tại kho tăng nhẹ 40 đồng/kg. Do di chuyển thu mua giữa các địa phương khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đã ngừng mua lúa. Hiện các công ty đang cố gắng bao tiêu hết lúa đã ký kết ở Long An, các diện tích lúa đã bao tiêu ở những tỉnh khác chưa có hướng xử lý. Giá lúa gạo và nông sản nói chung giảm sâu không phải do quan hệ cung - cầu mà là do vấn đề ở khâu cung ứng. Năm 2020, khi dịch Covid xuất hiện thì các nước có nhu cầu tích trữ để đảm bảo an ninh lương thực nên nhu cầu gạo xuất khẩu tăng. Song đến năm 2021, khi các nước đã ổn định được nguồn lương thực dự trữ thì cầu về gạo không còn mạnh như trước, kết hợp với việc các thị trường cạnh tranh dần dần ổn định trở lại khiến giá gạo bị sụt giảm.

Nhìn chung, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến các thị trường tiêu thụ nông sản và sản xuất trong nước, tác động trực tiếp đến với hoạt động sản xuất gạo theo chuỗi giá trị tại đồng bằng sông Cửu Long, nhưng đây là vấn đề không thể tránh khỏi.

Kiến nghị và giải pháp

Tạo điều kiện đi lại trong thời gian giãn cách là điều cần thiết để giảm ách tắc trong lưu thông lúa gạo, duy trì xuất khẩu. Cùng với đó cần có chính sách hỗ trợ thuế, các khoản phí cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh. Ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng trong chuỗi cung ứng như: tài xế, tài công ghe, xà lan vận chuyển, công nhân tại các nhà máy, bốc xếp tại cảng, nhân sự giao nhận xuất nhập khẩu của các Công ty xuất khẩu phải giao dịch chứng từ ở nhiều nơi là cảng, hải quan, văn phòng cấp C/O, kiểm dịch…

Duy trì mối quan hệ đối tác với các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, các nước Đông Nam Á, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam, tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA đưa lại để tăng cường xuất khẩu.

 Tăng cường phối hợp giữa Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung - cầu lúa gạo, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu. Nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiềm năng nhằm hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường. Đẩy mạnh truyền thông quảng bá giới thiệu sản phẩm, địa chỉ bán nông sản an toàn, nhất là theo phương thức bán hàng online.

Chính phủ ban hành và áp dung các chính sách hỗ trợ tích cực cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp vượt qua đại dịch như: hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi (hoặc cho nợ lãi); miễn, giảm lãi, phí ngân hàng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ; hay gia hạn thời gian nộp thuế…

Ngành lúa gạo là một trong những ngành hàng đầu của cả nước nói chung. Vấn đề dịch bệnh cũng là vấn đề nan giải đối với cả nước và đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp. Hiện nay, cùng với những giải pháp trước mắt của Đảng và nhà nước để khắc phục những khó khăn đang diễn ra, cần đổi mới quan điểm về xuất khẩu gạo và thực hiện đồng bộ tổng thể các giải pháp liên quan đến sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo. Để các giải pháp phát huy tác dụng đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ và khoa học giữa các chính sách, giữa nhà nước với nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông./.

TS. Nguyễn Thị Lan Hương - Phó chủ tịch Hiệp Hội đầu tư xây dựng dịch vụ Nông lâm nghiệp Việt Nam