Theo kế hoạch, tại 11 xã, thị trấn tại huyện Quảng Điền, lực lượng chức năng lên kế hoạch di dời 818 hộ với 1.926 khẩu đến nơi an toàn. Trong đó, sơ tán đến nhà hàng xóm kiên cố 757 hội với 1.722 khẩu và sơ tán đến các khu vực tập trung 61 hộ với 204 khẩu. Các xã phải di dời trên 100 hộ có Quảng An, Quảng Lợi, Quảng Vinh, thị trấn Sịa.
Mưa lớn đã làm các tuyến tỉnh lộ, đường liên xã, đường thôn các xã Quảng Thọ, Quảng Phước, Quảng Thành, Quảng An, Quảng Phú, Quảng Vinh, thị trấn Sịa ngập sâu 50 - 100 cm, giao thông bị chia cắt, tuyến tỉnh lộ 11A qua xã Quảng Vinh ngập sâu 40 - 60 cm.
Mưa lũ làm 299 nhà dân tại các xã Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành và thị trấn Sịa bị ngập từ 10 - 50 cm. Làm hư hỏng khoảng 120 ha rau màu vụ Đông. Kè dọc sông Bồ đoạn qua khu dịch vụ Hạ Lang, xã Quảng Phú sạt lở 3 điểm dài 20 m, đoạn qua gần Nhà văn hoá thôn Phú Lễ sạt lở 100 m.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Lê Ngọc Bảo yêu cầu các cấp, các ngành rà soát, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực dễ sạt lở, trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy hải sản, khu vực có nguy cơ ngập lụt sâu, nước chảy mạnh . Ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu…; triển khai phương án ứng phó mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.
Chỉ đạo, kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an toàn trong thiên tai. Chỉ đạo lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt; cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ lụt; quản lý chặt chẽ các ghe, thuyền bãi ngang ven biển, đầm phá và trên các sông; nghiêm cấm người dân đi đánh cá, vớt củi khi có mưa lũ.
Tuyên truyền, vận động Nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, xăng dầu và các nhu yếu phẩm khác đảm bảo đủ dùng trong vòng 7 - 10 ngày để đề phòng lũ ngập sâu, kéo dài.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
Hiện, huyện Quảng Điền đã bố trí lực lượng phương tiện và 110 người sẵn sàng ứng phó tại các địa bàn xung yếu, hỗ trợ giúp dân. Đồng thời, dự trữ 60 tấn gạo, 10.000 gói mì ăn liền; xăng, dầu… phục vụ chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; UBND các xã, thị trấn đã dự trữ mỗi đơn vị 1 tấn gạo, 5.000 gói mì ăn liền và các vật tư, thiết bị cần thiết khác.