Nói đến tên hai cụ CCB Nguyễn Đình Nghi lão thành cách mạng và cụ Trần Thị Ngà tổ trưởng dân phố nhiều năm, không chỉ hội viên CCB mà nhiều người dân phường Yên Phụ đều biết đến. Hai cụ có một cuộc đời thăng trầm, đầy gian nan, vất vả nhưng lại hạnh phúc đến hôm nay phải kể từ đám cưới đêm 30 Tết cách đây 70 năm.
Cụ bà kể: Tết Nguyên đán 1952 tại Cẩm Khê (Phú Thọ), có một đám cưới độc nhất vô nhị, cô dâu là tôi, chú rể là anh bộ đội Cụ Hồ. Lễ cưới được tổ chức đúng sáng 30 Tết, rất đơn giản nhưng ấm cũng vô cùng. Nói đúng ra chỉ có mấy gói kẹo vừng đền Hùng, nước chè xanh Nghĩa Lĩnh, bưởi Đoan Hùng và mấy gói thuốc lào Tiên Lãng.
Khách dự là một trung đội, các vị đại diện cho Đảng uỷ, chính quyền xã, bên nhà trai là đơn vị, bên nhà gái là gia đình tôi. Sau lời tuyên bố của chủ hôn là Trung đội trưởng, và những tràng vỗ tay, chúng tôi đã thành vợ chồng.
Tôi vốn là con gái Hà Thành, lại là con út nên thường được cha mẹ chiều chuộng. Năm 1946, tôi theo mẹ gồng gành, bồng bế nhau đi tản cư theo kháng chiến. Năm 18 tuổi, tôi khá xinh xắn, thường ngồi bán hàng xén với mẹ bên đường phố huyện. Một hôm có anh bộ đội đi qua ghé vào mua hàng. Hai người nhìn nhau như đã quen từ lâu. Anh người huyện Lập Thạch - Vĩnh Phúc, đẹp trai, vui tính.
Sau lần đó, mỗi khi được đơn vị cho tranh thủ nghỉ ngơi đi chơi phố, anh thường ghé thăm tôi. Biết anh có tình ý, tôi cũng tỏ lòng mến mộ và nhận lời kết nghĩa, làm quen, dần dà tôi cũng thấy nhớ anh mỗi khi xa. Một lần anh ghé thăm và ngỏ ý muốn lấy tôi làm vợ, ban đầu tôi e thẹn, nhưng rồi cũng ưng thuận. Tuy nhiên mẹ tôi rất lo vì mỗi đứa một quê, nhà đều nghèo, tiền không có.
Thấu hiểu nỗi lòng hai em, anh trai tôi lúc đó là Trung đội trưởng chỉ huy đơn vị người tôi yêu đã thay mặt gia đình, xin phép đứng ra làm chủ hôn. Được sự đồng ý của đơn vị, chúng tôi tổ chức lễ cưới đúng vào sáng 30 Tết, ngay dưới rừng cọ um tùm, mát rượi. Hôm ấy rừng Trung du dường như sôi động hơn, xoá đi cái tĩnh lặng của đêm trước mưa rơi tí tách trên những các tàu lá cọ.
Trời vừa sáng, làn sương mỏng tang còn vương vất xung quanh, đơn vị đã kê bàn ghế, căng lều bạt và dù chiến lợi phẩm lên thành rạp. Hai hàng bàn, ghế bằng cây rừng ghép lại. Trên bàn, hoa Hải đường cắm vào những khúc chuối, tươi màu, rung rinh.
Lễ kết hôn được tổ chức đầy đủ lễ nghi, tuyên bố lý do, hai bên gia đình đứng lên công nhận cô dâu chú rể. Sau những tràng vỗ tay, mọi người vui vẻ ăn kẹo, uống nước chè xanh. Hôm ấy chủ rể mặc bộ quân phục trông oai phong, còn tôi mặc chiếc áo gụ với chiếc quần láng đen mới tinh đưa từ Hà Nội ra. Đó là buổi sáng đáng nhớ nhất trong đời tôi.
Và nhớ hơn cả ấy là chúng tôi đón giao thừa quấn quýt bên nhau, trong niềm hạnh phúc dâng trào. Sáng mồng hai Tết, anh lại khoác ba lô trở về đơn vị tiếp tục đi chiến đấu. Những ngày xa nhau, tôi đau đáu chờ tin anh thắng trận trở về. Nóng lòng muốn gặp anh nơi chiến dịch, tôi xung phong đi dân công hoả tuyến. Tôi đi dân công suốt chiến dịch Quang Trung cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ mà chẳng được gặp mặt chồng.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, tôi trở về với mẹ bên phố huyện, chờ tin chồng. Năm 1955, hoà bình lập lại trên miền Bắc, trong lúc cả gia đình đang định trở về Hà Nội thì anh trở về. Anh kể, sau khi đánh xong Điện Biên Phủ, anh được lệnh cùng đơn vị về tiếp quản Thủ đô. Trở về Hà Nội yên ổn nơi công tác, mới xin phép đơn vị quay ra vùng Trung du tìm và đưa mẹ con tôi về Hà Nội.
Dù muộn mằn đường con cái, nhưng rồi tôi cũng sinh cho ông có nếp, có tẻ nên gia đình rất hạnh phúc. Khi nghỉ hưu, ông tham gia Hội CCB, Người cao tuổi, tôi tham gia công tác dân phố, phụ nữ…
Thấm thoắt đã gần 75 năm, nghĩ lại tôi thấy cuộc đời mình thế mà lắm điều thú vị, và tình yêu của chúng tôi mãi mãi vẹn tròn. Cứ đến Tết Nguyên đán, lòng tôi lại bồi hồi nhớ về ngày cưới của mình. Ngày cưới không có bánh chưng xanh, câu đối đỏ, tiệc rượu linh đình mà vẫn thuỷ chung cho đến tận bây giờ./.