Lào Cai tập trung phát triển chuỗi giá trị sản phẩm cây quế với định hướng bền vững

Tỉnh Lào Cai đề ra chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định hình tập trung phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; từng bước vươn ra thị trường thế giới và trở thành mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu chính; gắn phát triển vùng nguyên liệu quy mô tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn...

Mới đây, tỉnh Lào Cai đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 30% sản phẩm quế được công nhận hữu cơ. Trong năm 2023, sẽ kêu gọi các tổ chức nước ngoài, thu hút các doanh nghiệp phấn đấu xây dựng mới cấp chứng chỉ hữu cơ 7.500 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế phục vụ xuất khẩu.

Quế là 1 trong 5 cây trồng chủ lực của tỉnh, hiện nay, tỉnh Lào Cai có hơn 53.000ha quế, được trồng tại 100 xã, phường, thị trấn của tỉnh, trong đó vùng trọng điểm quế tại các huyện vùng thấp là: Bảo Yên, Bắc Hà, Văn Bàn và Bảo Thắng, với hơn 48.000ha; trong đó có 3.671ha được công nhận vùng quế hữu cơ. Hằng năm, Lào Cai sản xuất khoảng 5.100 tấn vỏ khô, 51.000 tấn cành lá để chế biến tinh dầu quế, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, châu Âu và Mỹ, ngoài ra còn thu gỗ, hạt giống...; tổng giá trị đạt khoảng 760 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 nhà máy, 1 hợp tác xã chế biến tinh dầu quế và 1 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã thu mua vỏ quế chế biến thành các sản phẩm quế thanh, quế ống điếu, bột quế, quế ống sáo... Hàm lượng và chất lượng tinh dầu quế Lào Cai đứng thứ ba trong cả nước. Thị trường tiêu thụ vỏ quế chủ yếu là Ấn Độ, Trung Quốc...

Đối với tinh dầu quế, 85% sản lượng tinh dầu quế của tỉnh được xuất bán ra thị Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản... Một phần nhỏ khoảng 15% tấn tinh dầu quế được tiêu dùng trong nước. Công suất thiết kế của các cơ sở chế biến dao động từ 60 -120 tấn tinh dầu quế/năm/1 nhà máy. Sản lượng tinh dầu quế của tỉnh hàng năm đạt 350 - 400 tấn tinh dầu/năm...

Tuy nhiên, năng suất quế của Lào Cai còn thấp, do người dân mới chỉ trồng quế theo kiến thức bản địa, chưa áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm quế; chuỗi cung ứng chưa được tổ chức chặt chẽ, năng lực tiếp thị và hiểu biết thị trường yếu.

Việc tiếp cận thị trường xuất khẩu quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn; thị phần thị trường giá trị cao còn hạn chế. Diện tích quế hữu cơ bắt đầu phát triển nhưng còn rất ít, dưới 7% tổng diện tích, sản phẩm chưa đa dạng. Chuỗi cung ứng chưa được tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đặc biệt là việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để kết nối với các doanh nghiệp.

Việc chế biến chủ yếu là chiết xuất tinh dầu quế từ cành lá, trong khi đó giá trị lớn nhất của sản phẩm quế là từ vỏ quế (chiếm 70%) chưa được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư. Các danh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm quế hiện nay chủ yếu là chiết xuất tinh dầu quế từ cành lá, trong khi đó giá trị lớn nhất của sản phẩm quế là từ vỏ quế (chiếm 70%) chưa được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư...

que-lao-cai-1-2-16391904913562073739708-1664091221.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định hình thành vùng trồng quế tập trung, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tập trung phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; từng bước vươn ra thị trường thế giới và trở thành mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu chính; gắn phát triển vùng nguyên liệu quy mô tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn...

Tập chung xây dựng thương hiệu quế Lào Cai, đến năm 2025 có 30% sản phẩm quế được công nhận hữu cơ. Đến năm 2050, có trên 50% sản phẩm quế đạt chứng nhận hữu cơ và được quản lý trên hệ thống xác thực số (QRS).

Để ngành hàng quế phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng cần xác định thị trường sản phẩm, sản xuất ra các sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Có cơ chế chính sách phù hợp và làm tốt công tác truyền thông để thay đổi nhận thức của người dân. Có sự tham gia của doanh nghiệp làm cầu nối giữa hợp tác xã và thị trường xuất khẩu.

Đẩy mạnh hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để thúc đẩy liên kết giữa các hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu và tạo sự liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ. Có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư.

Đặc biệt, tỉnh Lào Cai cần xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vùng quế hữu cơ của các địa phương; thành lập hiệp hội trồng quế, sản xuất và chế biến quế, đồng thời nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với các cơ sở chế biến tinh dầu, tránh sự phát triển ồ ạt dẫn đến việc cạnh tranh thu mua sản phẩm không lành mạnh.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần quản lý chặt chẽ nguồn giống quế, tổ chức các lớp chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quế, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, trừ dịch bệnh trên cây quế.

Thi Nguyên (t/h)