Làng nghề cần có những thay đổi để thích ứng - Từ ứng dụng công nghệ tới liên kết mở rộng thị trường

Các làng nghề truyền thống đã góp phần quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, nhất là xu hướng chuyển đổi Số và phát triển bền vững, đòi hỏi các làng nghề cần có những thay đổi để thích ứng.
lang-nghe-ha-noi-1-1723003986.jpg
Mây tre đan - Nghề truyền thống của làng Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). (Ảnh minh họa)

Sản phẩm của các làng nghề đa dạng nhưng thiếu chiến lược phát triển dài hạn

Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó, có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được thành phố công nhận. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội đạt hơn 24.000 tỷ đồng.

Sản phẩm của các làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, có sức hấp dẫn du khách, khách hàng trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những nghệ nhân, thợ lành nghề qua từng sản phẩm đặc trưng như: sản phẩm mây tre đan Phú Vinh, Chương Mỹ; nón Chuông, Thanh Oai, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động, Thường Tín; hoa Tây Tựu, Bắc Từ Liêm; lụa Vạn Phúc, Hà Đông; gốm sứ Bát Tràng, Gia Lâm; tò he Xuân La, Phú Xuyên; cốm Mễ Trì, Nam Từ Liêm...

Nhờ đó, các làng nghề đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, chuỗi liên kết giá trị của nhiều làng nghề còn hạn chế, cơ sở hạ tầng và công nghệ chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nhỏ lẻ hoạt động tại các làng nghề còn gặp nhiều khó khăn. Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ làng nghề, nhưng còn nhỏ lẻ, lồng ghép, thiếu chiến lược phát triển tổng thể dài hạn, ít nhất là chiến lược phát triển trong 10 năm tới...

lang-nghe-ha-noi-03-1723004114.jpg
Sản xuất các sản phẩm gốm sứ ở làng nghề gốm sứ Bát Tràng. (Ảnh: TTXVN)

Nói về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mỹ nghệ Thăng Long (thôn Thiết Bình, xã Vân Hà, huyện Đông Anh) cho biết việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và nguồn vốn vay còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, bao bì mẫu mã, nhãn mác sản phẩm làng nghề còn đơn giản, chưa bắt mắt, nhiều làng nghề đã bị mai một mất đi...

“Chúng tôi mong muốn, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã được vay vốn để đầu tư vào nhà xưởng máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm,” ông Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ.

Là doanh nghiệp chuyên làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, châu Mỹ, bà Nguyễn Thị Lương, đại diện Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) cho biết thời gian qua, công ty nhận được nhiều sự hỗ trợ của thành phố Hà Nội và huyện Phú Xuyên trong công tác đào tạo nghề, đặc biệt mặt hàng xuất khẩu được hỗ trợ 100% về thuế suất; thủ tục hải quan, chứng nhận xuất xứ (C/O) cũng rất nhanh gọn, thuận lợi…

Tuy nhiên, công ty vẫn gặp những khó khăn về chi phí vận chuyển, thiếu mặt bằng để sản xuất… Do đó, bà Nguyễn Thị Lương kiến nghị thành phố Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ xúc tiến thương mại, nhất là được tham gia các hội chợ quốc tế…

Trong khi đó, ông Đồng Quang Chính, Giám đốc Hợp tác xã Đức Anh cho biết hiện nay các hợp tác xã đang gặp nhiều khó khăn về chi phí tham gia các chương trình xúc tiến, thương mại, giao thương… Do đó, hợp tác xã đề nghị các sở, ngành thành phố tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các tỉnh, thành trên cả nước và nước ngoài, tạo ra nhiều sân chơi để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giao lưu, xúc tiến thương mại.

Tạo động lực từ chính sách thúc đẩy sản xuất mở rộng thị trường

Ngành thủ công mỹ nghệ trong những năm qua luôn nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam và thủ công mỹ nghệ có vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ được xếp vào nhóm sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao.

Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho rằng, đối với các làng nghề, một trong những vấn đề quan trọng là phải chuyên môn hóa, những phần nào liên quan đến môi trường phải tập trung xử lý từ khâu quy hoạch. Ngoài ra, phải có vai trò cơ chế chính sách, trợ giúp như thế nào, khi cơ chế chính sách của nhà nước đưa vào sẽ tạo cú huých.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã về mặt bằng sản xuất, bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết Sở đã làm việc với chính quyền địa phương tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ tham gia vào cụm công nghiệp. Hiện tại, cụm công nghiệp Phú Túc (huyện Phú Xuyên) đã hoàn thành, mới có 26 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong xã đăng ký hoạt động trong cụm này.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội luôn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trên tinh thần đồng hành hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp làng nghề.

lang-nghe-ha-noi-2-1723004157.jpg
Tò he - sản phẩm của làng nghề tò he Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) luôn có sức hút đặc biệt tại các Hội chợ. (Ảnh minh họa)

Liên quan đến vấn đề xúc tiến thương mại, theo ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội, Trung tâm đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước.

Tại các hội chợ này, Trung tâm đã xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu và trình diễn sản phẩm làng nghề, đồng thời, mong muốn tiếp tục kết nối với các hiệp hội, doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm làng nghề tại các chương trình lớn như: Đặc sản vùng miền, các sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô...

Hiện nay, ngành Ngân hàng cũng đã và đang triển khai nhiều chính sách và giải pháp tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, ngân hàng đã phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ về vốn cho các doanh nghiệp, làng nghề; có chính sách, cơ chế điều chỉnh giãn, giảm thuế, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho các doanh nghiệp…

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết thời gian tới, thành phố sẽ có chính sách thông thoáng hơn để các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ nhỏ sản xuất tại làng nghề tiếp cận đất đai, nguồn vốn, khoa học công nghệ, thị trường thuận lợi hơn, đồng thời, lãnh đạo thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, kế hoạch để Luật Thủ đô (sửa đổi) đi vào thực tiễn, thúc đẩy phát triển các làng nghề./.

Đức Duy