Bình Dương: Phát triển du lịch bền vững từ sinh thái miệt vườn

Phát triển du lịch sinh thái gắn liền với văn hóa miệt vườn là nỗ lực cần thiết để bảo tồn giá trị văn hóa của vùng đất ven sông Sài Gòn và phục hồi giá trị riêng vốn có của du lịch tỉnh Bình Dương.

Du lịch miệt vườn ở Bình Dương là một loại hình du lịch đã được phát triển rất mạnh từ những thập kỷ trước, bởi những vườn cây ăn trái có tuổi đời hàng trăm năm đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ, đồng thời, nơi đây cũng có những làng nghề truyền thống nổi tiếng. Vì vậy, phát triển du lịch sinh thái gắn liền vườn cây ăn trái và làng nghề truyền thống là động thái cần thiết để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất này.

Tiềm năng của du lịch sinh thái tỉnh Bình Dương

Bình Dương không có những danh lam, thắng cảnh tự nhiên nổi tiếng nên tiềm năng du lịch sinh thái ở tỉnh Bình Dương chủ yếu dựa vào những vườn cây ăn trái và ngành nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, những vườn cây ăn trái nơi đây nức tiếng gần xa với các loại cây ăn trái đặc sản như măng cụt, chôm chôm, sầu riêng, mít tố nữ…và các loại trái cây có múi khác, ngoài ra, nơi đây cũng là quê hương nổi tiếng của các vườn điều, tiêu, cao su.

binh-duong1-1662532703.jpg
Nhà vườn sinh thái giúp du khách trải nghiệm và thả hồn mình với thiên nhiên

Cách thức canh tác đa dạng cùng những mô hình tổ chức sản xuất phong phú cũng là một nét độc đáo tạo lợi thế cho việc phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bình Dương, toàn tỉnh có trên 6.700 ha cây ăn quả nhưng vì ít quảng bá nên ngành du lịch tỉnh này chưa khai thác được hết các tiềm năng du lịch tỉnh nhà.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có thể kể đến những vùng có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái như thành phố Thuận An, Thị xã Tân Uyên, Huyện Bắc Tân Uyên, và huyện Dầu Tiếng. Trong đó, vườn cây Lái Thiêu ở thành phố Thuận An đã nổi tiếng từ nhiều năm qua. Trái măng cụt Lái thiêu đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể nhằm đảm bảo thương hiệu trái cây đặc sản của vùng đất này. Ngoài trái cây, những chủ vườn trái cây Lái Thiêu còn sáng tạo nên những món ăn độc đáo gắn liền với đặc sản miệt vườn như gà hoặc cút nướng sầu riêng, gà hoặc tôm trộn gỏi măng cụt… rất hấp dẫn.

Không chỉ vườn cây ăn trái, Thuận An còn được biết đến với các khu du lịch sinh thái nổi tiếng như Dìn Ký, Phương Nam, Cầu Ngang… với nhiều trải nghiệm đặc biệt khó quên đối với du khách muốn hòa mình vào thiên nhiên. Thị xã Tân Uyên nổi tiếng với những vườn bưởi nổi tiếng, đặc biệt là bưởi ở cù lao Bạch Đằng với vị dịu ngọt đặc biệt không lẫn bất kì hương vị của loại bưởi nào. Cù lao Bạch Đằng còn là mảnh đất gắn liền với nhiều vườn cây trồng các loài cây đặc biệt là cây có múi, nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái sông nước gắn liền với các vườn cây ăn trái đầy tiềm năng. Tân Uyên còn được du khách nhớ đến với những đặc sản từ sông Đồng Nai như cá lăng, cá duồng, tôm… với hương vị riêng biệt, độc đáo.

Gắn liền với du lịch sinh thái huyện Bắc Tân Uyên là xã Hiếu Liêm, với đặc trưng là cây ăn quả có múi như bưởi, chanh, cam, quýt, đặc biệt trái cam xoàn rất thơm và ngọt. Hiện nay, diện tích cây có múi chiếm hơn 90% trong tổng số 602 ha cây ăn quả trên địa bàn xã Hiếu Liêm. Ngoài ra, Hiếu Liêm có những trang trại đầu tư theo hướng VietGAP và các khu nghỉ dưỡng sinh thái nổi tiếng đón tiếp nhiều du khách trong suốt thời gian qua.

Du lịch sinh thái ở huyện Dầu Tiếng phát triển mạnh ở xã Thanh Tuyền với 215 ha vườn cây ăn quả đặc sản, trong đó, măng cụt Dầu Tiếng từng đạt các giải cao ở hội thi trái cây ngon cụm miền Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, quần thể núi Cậu, lòng hồ Dầu Tiếng hay Làng tre Phú An - được xem là Bảo tàng tre lớn nhất Việt Nam… góp phần thuận lợi hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách khi đến Bình Dương.

Khôi phục vườn cây ăn trái, phát triển du lịch sinh thái

Du lịch bền vững là loại hình du lịch giúp giảm thiểu các chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch cho môi trường tự nhiên và cộng đồng địa phương và có thể được thực hiện lâu dài nhưng không ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi mà nó phụ thuộc vào.

Chiến lược phát triển vườn cây ăn trái gắn với mô hình du lịch sinh thái góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống vùng đất ven sông Sài Gòn, đồng thời đây cũng sẽ là nguồn đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Bình Dương. Trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, thúc đẩy du lịch sinh thái vườn, du lịch ven sông là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bình Dương, các giải pháp thực hiện tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, và phát triển sản phẩm du lịch mới ở những vườn cây tại địa phương. Thông qua tuyến du lịch đường sông, du lịch sinh thái vườn kết hợp du lịch tâm linh, du lịch lịch sử sẽ được kết nối. Tất cả tạo thành tuyến du lịch chung trên địa bàn tỉnh.

Để gia tăng giá trị cho vùng chuyên canh cây ăn trái, từ năm 2020, Bình Dương đã triển khai dự án phát triển vườn cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái vùng phía Nam của tỉnh. Trong đó tập trung xây dựng các mô hình du lịch vườn cây đặc sản gắn với du lịch sinh thái, nhằm nâng cao thu nhập cho nhà vườn, và quảng bá du lịch sinh thái địa phương. Việc đẩy mạnh cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ phát triển du lịch đường sông, với các sản phẩm chính là du lịch sinh thái miệt vườn, tham quan vườn cây ăn trái ven sông, các cù lao nổi trên sông (cù lao Rùa, cù lao Bạch Đằng, hồ Đá Bàn), làng nghề truyền thống gốm sứ… Tỉnh Bình Dương đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có và phát triển sản phẩm mới ở vườn cây ăn trái Lái Thiêu, vườn bưởi Bạch Đằng... Nhiều mô hình du lịch sinh thái vườn cây ăn trái đã được triển khai và đạt được kết quả tích cực, trong đó nổi bật là khu du lịch Cầu Ngang (Hưng Định) từng nổi tiếng một thời đã được khôi phục.

du-lich-binh-duong-1662532736.jpg
Hệ thống kênh rạch tạo nên hệ sinh thái đa dạng cho vùng đất Lái Thiêu phát triển

Những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhà vườn đã giúp nông sản được tiêu thụ với giá tốt, tạo ra việc làm, góp phần ổn định kinh tế cho người dân nói riêng và địa phương nói chung. Với vườn cây ăn trái, đến nay vùng Thuận An đã phát triển lên gần 1.500 ha chủ yếu là các loại cây sầu riêng, măng cụt.

Chỉ cách TP.HCM khoảng 25km, những vườn cây đặc sản Thuận An được coi là lá phổi xanh, với không khí trong lành cùng không gian mát mẻ thoáng đãng, rất phù hợp cho việc kinh doanh loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Lái Thiêu là vùng chuyên canh măng cụt lớn nhất Đông Nam Bộ, trong đó diện tích măng cụt trên địa bàn Thuận An là 661 ha, chiếm trên 53,3% diện tích vườn cây ăn trái của thành phố, Đây cũng là một trong những nông sản đầu tiên của Bình Dương được tôn vinh nhiều chứng nhận, giải thưởng có giá trị.

Với mong muốn xây dựng lại thương hiệu vườn cây ăn trái Lái Thiêu, giữ gìn vùng sinh thái cho đô thị Thuận An, những năm qua UBND tỉnh và UBND TP.Thuận An đã có nhiều chính sách hỗ trợ những chủ vườn cây ăn trái đặc sản tại địa phương, đồng thời thường xuyên tổ chức lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” nhằm tạo điều kiện để Thuận An đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn gắn với hoạt động kinh doanh du lịch, du lịch ven sông. Cùng với những đặc trưng nổi bật là đình làng, nhà cổ và những vườn bưởi thơm ngon nức tiếng, cù lao Bạch Đằng trở thành điểm đến của nhiều du khách.

binh-duong2-1662532768.jpg
Vườn trái cây thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương

Với sự khéo léo của người dân nơi đây, từ quả bưởi đơn thuần đã được chế biến thành những món ăn, thức uống đặc sản, như gỏi bưởi, nem bưởi, mứt bưởi, rượu bưởi, tinh dầu bưởi... phục vụ nhu cầu thưởng thức đa dạng của dân địa phương lẫn khách tham quan. Thời gian qua, nhằm tăng cường quảng bá đặc sản này, thị xã Tân Uyên đã tổ chức lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng” (vào 2017 và 2019) thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Với chính sách hỗ trợ giữ vững và phát triển vườn cây đặc sản kết hợp các mô hình nông nghiệp đô thị và nông nghiệp công nghệ cao đã từng bước phục hồi vườn cây ăn trái đặc sản của địa phương, góp phần thúc đẩy du lịch sinh thái bền vững, thúc đẩy kinh tế, cải thiện đời sống của người dân nơi đây. Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân và sự quan tâm của địa phương, doanh thu ngành du lịch tỉnh Bình Dương đã có chuyển biến tích cực.

Nhanh nhạy nắm bắt, khai thác những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà, ngành du lịch Bình Dương đang có những bước tiến mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đây là bước chạy đà giúp ngành du lịch tỉnh phát triển mạnh, khởi sắc hơn và thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cần phải nhận định rằng, loại hình du lịch sinh thái ở Bình Dương còn khá đơn điệu, chất lượng sản phẩm du lịch chưa được tối ưu còn thuần túy mang tính miệt vườn, phổ biến là các khu du lịch với quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ khách vào cuối tuần với ăn uống, bơi lội, vui chơi giải trí. Du lịch sinh thái nơi đây chưa kết hợp nhuần nhuyễn với nghỉ dưỡng chất lượng như nhiều địa phương khác, vì thế chưa khai thác hiệu quả các tài nguyên, bỏ lỡ nhiều tầng lớp du khách, đặc biệt khách có nhu cầu nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe.