Ký ức văn chương: Nhà văn Võ Khắc Nghiêm – Một “vỉa than” lấp lánh

Không phải cái gì khác, chính nghề báo đã tạo cơ hội cho tôi được quen biết rất nhiều người với đủ các thành phần trong xã hội, có người gặp nhiều lần nhưng cũng không thể thân thiết và ngược lại có người chỉ gặp một lần rồi trở nên tri kỷ và gắn bó lâu dài và nhà báo, nhà văn Võ Khắc Nghiêm là một người như vậy.

Thật ra thì tôi nghe danh nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã rất lâu và cũng đã rất ngưỡng mộ anh khi tôi được bố tôi cho đi xem vở kịch Nhân danh công lý - với cặp vé được cơ quan phân phối - do NSND, đạo diễn Doãn Hoàng Giang dàn dựng.

Lúc ấy tôi nhớ vở kịch như một sự kiện sân khấu và văn chương gây chấn động bởi vấn đề mà nó đặt ra mới và nóng và khi vở kịch hạ màn, mọi người vỗ tay vang dội, còn nán lại bàn tán như chưa muốn về vì vở diễn đã thực sự sống trong suy nghĩ, tình cảm của người xem. Dù ngưỡng mộ anh là vậy nhưng tôi không bao giờ nghĩ là mình lại có cơ may gặp anh, càng không nghĩ anh với tôi sẽ thân thiết và anh chính là người ảnh hưởng quan trọng với tôi như sau này.

nhabao-vkn-1664808620.jpg
Nhà báo, nhà văn Võ Khắc Nghiêm

Tôi không còn nhớ đúng ngày đầu tiên gặp anh nhưng đó là vào mùa hè năm 1992, khi tôi bắt đầu rời phát thanh Thanh niên sang làm Truyền hình Thanh niên của Trung ương Đoàn. Theo giới thiệu của một đồng nghiệp với anh Võ Khắc Nghiêm, chúng tôi có chuyến xuất hành đầu tiên theo lời mời của Công ty Than Cẩm Phả. Chuyến xe U oát cũ kỹ chở chúng tôi đi từ Hà Nội từ sáng sớm mà mãi 5 rưỡi chiều mới đến Công ty Than Cẩm Phả.

Hồi đó, đường đi còn nham nhở ổ voi, ổ gà, cát bụi đầy đường chứ chả có đường cao tốc và cầu vượt sông hoành tráng như bây giờ. Đi đường đã khổ, xếp hàng qua phà Bình, phà Bái Cháy còn phải chờ sốt ruột hơn mặc dù lúc đó thẻ nhà báo còn rất giá trị, được ưu tiên qua trước.

Đến nơi đã thấy anh Võ Khắc Nghiêm, anh Bùi Huy Tháp, Chánh Văn phòng công ty ngồi ở sảnh nhà khách chờ đợi. Hỏi thăm ngắn gọn vài câu sức khỏe rồi đích thân anh Nghiêm lấy chìa khóa phòng trao tận tay cho chúng tôi, dặn lên phòng tắm rửa nhanh rồi xuống đi ăn cơm kẻo đói. Cái cách đón chúng tôi mới đến vùng than lần đầu mà như đón người thân về nhà làm tôi ấn tượng mãi.

Sau này tôi biết không chỉ chúng tôi mà nhiều nhà báo, nhiều văn nghệ sỹ thông qua cầu nối là anh đến với Quảng Ninh, đến với những người thợ mỏ ở vùng than cũng đều được chăm lo chu đáo, ân tình như thế. Điều này cũng cắt nghĩa vì sao các đơn vị của Ngành than luôn được anh em báo chí quan tâm đồng hành lúc vui cũng như lúc buồn.

Với Võ Khắc Nghiêm, làm báo thực sự là nghề vinh quang nhưng cũng nhiều cay đắng, nhiều tai nạn, rủi ro song anh lại rất yêu nó cũng như luôn biết cách “chiều” các nhà báo, làm bạn với họ.

Hơn thế nữa, anh còn là người thực tâm giúp đỡ những tờ báo, tạp chí gặp khó khăn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Nhờ mối quan hệ rộng và được sự tin tưởng, quý trọng của các lãnh đạo doanh nghiệp, anh đã không ngần ngại lo cả việc xin quảng cáo, phát hành cho các báo tạp chí mà anh quen biết, yêu quý.

Như là nhân duyên, từ ngày đó, anh luôn coi tôi như một người em và bước đường làm báo của tôi không vắng bóng anh. Anh luôn biết cách khơi đậy đam mê, khuyến khích sáng tạo và sẵn sàng chung tay giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

Tôi còn nhớ khi đang làm truyền hình, lần đầu tiên chúng tôi ra quân tham gia Liên hoan phim truyền hình toàn quốc lần thứ X năm 1993 tại Đà Lạt, anh đã rủ chị Tân vợ anh đi cùng đoàn dự liên hoan phim. Không chỉ thế, anh còn gặp các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức liên hoan phim và nhiều thành viên giám khảo để giới thiệu về một đơn vị truyền hình giành cho thế hệ trẻ mới ra đời, quảng bá rất “dẻo” về những phim mà chúng tôi tham dự.

nhabaovkn1-1664808620.jpg
Nhà báo Hoàng Dư, nhà báo nhà văn Võ Khắc Nghiêm và phu nhân tại Liên Hoan Truyền Hình toàn quốc lần thứ X (hàng sau).

Có lẽ ngoài chất lượng tác phẩm ra, còn có sự hỗ trợ truyền thông mát tay của anh vì vậy mà năm ấy, lần đầu ra quân, Truyền hình Thanh niên đại thắng với một huy chương Vàng, một huy chương Bạc và một huy chương Đồng.
Những năm sau cũng vậy, anh luôn coi truyền hình Thanh niên là bạn chí cốt, giới thiệu nhiều đơn vị hỗ trợ, thậm chí có lúc khó khăn về thiết bị, khi làm phim Tài liệu-ca nhạc “Giọt mồ hôi trên nắng mặt trời” về đường dây 500kV huyền thoại, anh đã không ngần ngại mượn chiếc camera mà chúng tôi mới tậu được từ vốn tự có của Trung tâm để hơn một tháng trời đi dọc đường đây từ Bắc vào Nam cùng đạo diễn Ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam, chị An Ninh và quay phim Ngọc Cẩm hoàn thành bộ phim tài liệu, ca nhạc để rồi sau đó đã giành Huy chương Vàng liên hoan phim truyền hình toàn quốc.

Đang làm truyền hình khá thành công, chả hiểu sao tôi lại nảy nòi ra thích thử sức làm báo viết. Theo đề nghị của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên Việt Nam, tôi quyết định chuyển công tác từ Trung ương Đoàn sang Ủy ban Thanh niên Việt Nam và cũng từ tay trắng, chúng tôi, nhóm anh em đầu tiên là Phạm Việt Dũng, Vũ Hùng, Châu La Việt, Trần Tử Văn và anh Võ Khắc Nghiêm bắt tay ngay vào chuẩn bị trong vòng một tháng đã ra mắt bạn đọc tờ Thanh niên Thời đại vào tháng 10 năm 1994.

Chính anh Võ Khắc Nghiêm không chỉ nhờ các anh lãnh đạo Ngành than cho quảng cáo, mà anh còn nhờ anh Lê Viết Dược, Tổng Giám đốc Công ty thuốc lá Thanh Hóa, anh Trần Ngọc Quế, Tổng Giám đốc Giấy Bãi Bằng hỗ trợ. Cũng từ vía nhẹ của anh Võ Khắc Nghiêm mà sau này chị Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc công ty sữa Vinamilk, doanh nhân Tăng Minh Phụng, Liên Khui Thìn, anh Hoàng Chí Quỳ - Tổng công bia Sài Gòn đều đã hỗ trợ tờ báo rất nhiều để chúng tôi làm được một tờ báo nội dung hay, trình bày hiện đại, đẹp, phục vụ bạn đọc.

Rất tiếc tờ báo chỉ tồn tại được tròn 1 năm, 52 số sau đó dừng xuất bản do cơ quan Chủ quản giải thể. Sau Thanh niên Thời đại tôi từng làm ở báo Sức khỏe &Đời sống một thời gian và tiếp đó, năm 1998, lại về Ủy ban Thể dục Thể thao công tác, làm Phó Tổng rồi Tổng biên tập báo Thể thao Việt Nam.

Anh Võ Khắc Nghiêm lần này không chỉ giúp kêu gọi quảng cáo như vẫn làm mà anh đã đưa ra sáng kiến “thổi hồn văn chương” vào nội dung tờ báo đậm chất chuyên môn. Anh đã giúp tôi mời các nhà thơ, nhà văn tham gia bình luận thể thao qua góc nhìn văn học nghệ thuật và vì vậy, nhờ thương hiệu hiệu và sự tâm huyết của các nhà văn Ma Văn Kháng, Cao Tiến Lê, Thanh Thảo, Trần Ninh Hồ, Lê Huy Quang, Doãn Hoàng Giang… mà tờ báo ngày càng được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.

Anh Võ Khắc Nghiêm yêu tờ Thể thao đến mức khuyên tôi mỗi năm có một tờ báo Tết, nên có hai trang thơ Xuân ở giữa trình bày thật đẹp và anh trực tiếp tuyển bài, biên tập. Hai trang thơ đó đã có sự góp mặt của các nhà thơ nổi tiềng khắp mọi miền và chính họ đem lại sự sang trọng, bay bổng cho tờ Thể thao Việt Nam.

Không chỉ vậy, nhận thấy tiềm năng to lớn của bóng đá nữ nước nhà cũng như thấu hiểu những khó khăn, những thiệt thòi của các cầu thủ nữ, anh đã cùng với anh Hà Loan Thanh, lúc đó là Chánh Văn phòng Công ty tuyển than Cửa Ông tham mưu cho Lãnh đạo Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam và Công ty tuyển than Cửa Ông phối hợp với Liên đoàn bóng đá Việt Nam giao cho Báo Thể Thao và Công ty Tuyển than Cửa Ông đồng tổ chức Giải bóng đã nữ quốc tế, tạo cơ hội cho cầu thủ nữ ở các Câu lạc bộ giao lưu, học tập kinh nghiệm, nâng cao kỹ chiến thuật thông qua thi đấu với các đội bóng nước ngoài. Giải kéo dài được 10 năm và đóng góp của nhà văn Võ Khắc Nghiêm đối với bóng đã nữ cúng như với Giải đấu là không nhỏ.

nhabaovkn2-1664808620.jpg
Nhà báo Võ Khắc Nghiêm là người thực tâm giúp đỡ những tờ báo, tạp chí gặp khó khăn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Năm 2017, tôi nghỉ hưu, cũng đã tưởng có thể “gác kiếm” không “hành tẩu” trên thị trường báo chí nữa, đùng một cái năm 2019, có một nhà báo (xin được giấu tên) xui tôi nên gặp nhà thơ Hữu Thính và nên nhờ bác Võ khắc Nghiêm tác động để nhận làm một tờ báo của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam vì trong quy hoạch Phát triển và Quản lý báo chí đến năn 2025 do Thủ tướng Chính phủ quyết định, Liên hiệp có tờ báo mà chưa thấy triển khai.

Tôi gọi điện cho nhà văn Võ Khắc Nghiêm hỏi ý kiến. Anh vui vẻ nói luôn:

- Cậu có nhớ cách đây 10 năm, ở phòng của cậu ở số 5 Trịnh Hoài Đức, có tớ và Lê Huy Quang, cậu đã đưa ra ý tưởng xui chúng tớ đề xuất với Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh phát triển tờ Văn nghệ thành báo ra hàng ngày, mỗi số 8 trang, nâng vị thế báo Văn nghệ lên tầm cao mới và có thể đề xuất với cấp trên thành lập Tập đoàn truyền thông văn hóa, văn nghệ đấy thôi.

Anh nhắc tôi mới nhớ ra chuyện đó. Hồi đó, để làm Tổng biên tập báo Văn nghệ thì dứt khoát phải là ủy viên Ban chấp hành Hội và có lẽ mọi người nghĩ ra báo ngày là điều không thể và chỉ là sự lãng mạn của một ước mơ nên đề án đó bị quên lãng và tôi cũng không nhớ nữa.

Lần này, anh động viên tôi nên làm và phải làm bằng được vì đây là tài sản quý của giới văn nghệ sĩ. Anh thực ra còn là người bảo lãnh tôi với anh Hữu Thỉnh, anh Tùng Điển và anh Đỗ Kim Cuông để tôi có thể xây dựng đề án xuất bản tờ thời báo Văn học nghệ thuật, một tờ báo khi ra đời đã gây bất ngờ với không ít người cùng câu hỏi tôi là ai và vì sao lại có thể được làm Tổng biên tập tờ báo này.

Khi chuẩn bị ra mắt báo, anh Võ Khắc Nghiêm lại là người có sáng kiến mở mục “Góc nhìn thời cuộc” và bài viết đầu tiên của mục này trên số 1 Thời báo Văn học nghệ thuật là bài “Tầm vóc Việt trong đại dịch Covid”, sau đó anh đã giới thiệu các cộng tác viên viết cho chuyên mục này đến hôm nay.

Tôi nói nhiều về chuyện nhà văn Võ Khắc Nghiêm đam mê làm báo và ân tình với báo chí vì đây chính là điều bạn đọc ít biết hơn về anh ở lĩnh vực này bởi dường như họ quan tâm đến thành công của anh trong văn học, sân khấu điện ảnh hơn. Tôi thực sự nể trọng và biết ơn anh vì những gì anh đã làm cho những tờ báo mà tôi từng phụ trách.

Đối với nhà văn Võ Khắc Nghiêm, thành công của ông trong lĩnh vực văn học là không cần bàn cãi. Ông có một số lượng đồ sộ các tác phẩm văn học đủ các thể loại truyện ngắn, bút ký, phóng sự nhưng nhiều nhất vẫn là tiểu thuyết và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim phát trên truyền hình. Ở lĩnh vực sân khấu, chỉ với Nhân danh công lý thôi, ông đã đóng đinh tài năng và vị thế của mình rồi.

Tôi riêng thích cuốn Tiểu thuyết Thị Lộ chính danh của anh và không chỉ tôi mà nhiều người cũng thích nó và đã không ít bài báo nói về tác phẩm này. Tác phẩm đã không dừng lại ở phạm vi trong nước mà với việc được nhận giải thưởng văn học ASEAN do Hoàng gia Thái Lan trao tặng đủ để nói giá trị nhân văn và tầm văn hóa dân tộc của nó với bạn đọc nước ngoài.

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình, sinh ra ở Nha Trang - năm 1942 - tuổi cầm tinh con Ngựa nhưng lại gắn bó cả đời với thợ mỏ, với ngành than và thành danh từ chính nơi đó, đến mức bạn đọc cứ tưởng ông là người Quảng Ninh chính hiệu.

Ông đã nhận được không ít giải thưởng văn học trong đó có Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017 và Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2020. Với những đóng góp của ông cho văn học công nhân, văn học nước nhà, ắt hẳn chúng ta đều đã biết, đã ghi nhận.

Nhưng với góc nhìn cá nhân tôi, nhà văn Võ Khắc Nghiêm còn là người đã luôn nâng đỡ, tạo điều kiện, khuyến khích các cây bút trẻ, các cây bút nghiệp dư trong đó có tôi đến với văn chương và nỗ lực, đam mê vì nó.
Theo ông, “làm báo thì có thời, còn tác phẩm văn học thì để đời” và định hướng cho tôi nên viết về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng. Ông cho rằng đề tài này như những vỉa quặng nằm đưới tầng sâu, không bao giờ cạn nếu cách khai thác và khai thác trúng.

Nhưng nghề báo đã hút mất nhiều thời gian và tâm trí văn chương của tôi. Mãi đến năm 1996, cũng là một sự tình cờ hữu duyên, tôi mới thực sự bắt đầu viết văn. Chả là khi báo Sức khỏe & Đời sống do nhà báo, nhà văn Lê Thấu tổ chức Tổng kết cuộc thi Sức khỏe cho mọi người, tôi và anh Võ Khắc Nghiêm gặp lương y, võ sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Bảo Long là nhà tài trợ chính cuộc thi; ngồi trò chuyện với nhau cả tôi và anh Nghiêm đều bất ngờ, vui mừng nhận thấy đây là nguyên mẫu quý giá có sức hút để khai triển một cuốn tiểu thuyết nhiều tập hoặc một bộ phim truyền hình dài tập.

Tôi biết đây là cơ hội vàng để may ra làm được cái gì đó về văn chương, nên ngay lập tức nì kéo: Bác nổi tiếng quá rồi em thì chưa có gì, bác nhường cho em anh Khai để em viết tiểu thuyết.

Thấy tôi say mê làm báo, ít chú ý đến văn chương, anh luôn giục tôi viết nên lần này dù rất tiếc, anh ngẫm nghĩ một lúc lâu rồi cũng đồng ý và giục tôi bắt tay vào viết ngay. Vậy mà cũng phải bốn năm sau tôi mới hoàn thành tiểu thuyết “Nợ đời”, sau này đổi tên thành “Đường đời”.

Khi đọc bản thảo tiểu thuyết xong, anh Nghiêm phán: “Được đấy! Làm phim dài tập nhé”.

Lại cũng chính anh đã giới thiệu với nhà văn Trung Trung Đỉnh và nhà biên kịch Thùy Linh của VTV đến gặp tôi đề nghị cho chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình 25 tập. Bộ phim đã thu hút hàng triệu người xem trên truyền hình cả nước mấy năm liền nhờ tài năng của ê kíp làm phim và đạo diễn Trần Quốc Trọng (Quốc Trọng).

Cũng nhờ tiểu thuyết được chuyển thành phim, phim lại có tiếng vang và nhờ ông bạn thân Châu La Việt dốc hầu bao thuê cho một phòng khách sạn ở Bà Triệu, ép trong một tuần phải làm xong một tập truyện ngắn có tên “Sống vì người dã chết” để đủ điều kiện về hồ sơ mà năm 2005 tôi vinh dự được kết nạp vào Hội Nhà văn với sự giới thiệu của nhà văn Võ Khắc Nghiêm và Nhà văn tài ba Ma Văn Kháng. Tôi luôn hiểu nếu không có sự bao dung, nhường nhịn của anh, chắc tôi đến giờ vẫn đứng ngoài văn chương.

Vĩ thanh

Mấy hôm trước, một buổi sáng, tôi đang ở Nam Định có việc thì bất ngờ nhận được điện thoại của cháu Hương Chi, con gái thứ nhà văn Võ Khắc Nghiêm. Cháu nghẹ ngào:

- Chú ơi, bố cháu mệt nặng rồi.

Tôi bị bất ngờ, lặng người một lúc rồi hỏi:

- Cụ thể là thế nào? Sao giờ mới gọi cho chú?

Chi nói trong tiếng nấc:

- Bố cháu nằm trong phòng cấp cứu đặc biệt ở bệnh viện Hữu nghị Việt –Xô chục ngày nay rồi. Nặng lắm rồi. Bây giờ chú cũng không vào thăm được đâu...Chắc mai bệnh viện sẽ cho bố cháu về nhà. Cháu đề nghị chú thế này, cháu cũng đã nhờ chị Dương Dương Hảo rồi, nhưng chú vẫn phải nhớ giúp cháu hai việc : Một là chú nói thêm với bác Hữu Thỉnh viết điếu văn cho bố cháu. Hai là chú nhờ một nhà thơ nào đó viết cho bố cháu mấy câu thơ để sau này khắc bia mộ. Khi nào bố cháu về nhà, chú đến thăm bố cháu nhớ phải động viên bố cháu lạc quan lên nhé.

Tôi ngồi thẫn thờ trước tin dữ này. Và tôi hiểu thời gian với anh chắc chỉ tính từng ngày. Hôm sau, cháu Chi báo tin bố đã về nhà. Đêm ấy tôi ở Nam Định lên và sáng hôm sau đến nhà anh ngay. Còn nhớ mới cách đây hơn một tháng, tôi gọi điện cho anh mời anh đến Tập đoàn Hòa Bình chơi với Cựu chiến binh, Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường vì anh Đường rất vui và rất muốn trò chuyện với anh khi nhận cuốn tiểu thuyết Thị Lộ chính danh mà anh tặng ông ấy.

nhabaovkn3-1664808620.jpg
Tiểu thuyết "Thị Lộ chính danh" mới tái bản.

Lúc đó giọng anh vẫn còn khỏe, anh đã nhận lời sẽ cố gắng đến. Vậy mà giờ đây anh đã nằm trên chiếc giường có mét tư ngay tầng một ngôi nhà anh ở với dây rợ đầy người. Anh thở bằng oxy, ăn sữa bằng xông, nhưng khá tỉnh.
Tôi nói tôi mới đi Trại viết về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng ở Cần Thơ cùng Châu La Việt nên hôm nay mới đến thăm anh được. Anh gật đầu, mắt chớp chớp rồi vẫy tay ra hiệu tôi ngồi gần lại. Miệng anh có dây xông nên không nói thành lời.

Lương, con rể cả hiểu ý nên lấy cái bảng nhựa và cái bút dạ màu đen đưa cho anh. Anh vẫn cầm bảng và cầm bút được dù tay run run.

Anh viết:

- Ổn rồi, thôi về làm báo đi.

Tôi bảo anh:

- Vậy mỗi ngày em sẽ đến thăm anh và anh phải mau khỏe để anh em mình hút với nhau điếu thuốc nhé.

Mặt anh giãn nở, chắc anh tin sẽ được hút thuốc và uống trà Thái Nguyên cùng tôi sớm thôi. Tôi chợt nhìn thấy cuốn Thị Lộ chính danh tái bản với bìa mới đang còn thơm mùi giấy. Chị Tân vợ anh nói cuốn sách là bản đầu của lần tái bản này đấy. Tôi cầm cuốn sách chụp cái bìa rồi bảo anh:

- Em sẽ nói anh Bùi Việt Thắng viết giới thiệu lần tái bản này nhé. Anh gật đầu, ra hiệu cho Lương xóa bảng. Anh cầm bút viết: “Khó khăn mấy cũng cố mà làm cho tờ báo sạch và sang nhé”. Anh ký tên và ghi ngày tháng hẳn hoi. Sống mũi cay cay, tôi bần thần nắm tay anh.

Đến giờ phút này mà anh vẫn còn nghĩ tới tờ báo mà chính anh đã có nhiều công sức tâm huyết góp phần để nó ra đời nhanh dẫu đúng mùa đại dịch Covid 2020.

Đến sáng ngày 29/09/2022, ngày ra báo, trời lúc mưa lúc tạnh do ảnh hưởng của bão, nhưng các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nhà báo cựu trào của Thời báo theo lệ lại đến Tòa soạn lấy báo mới và đàm đạo về thế sự, về văn chương.

Tôi thông báo tình hình sức khỏe của anh Võ Khắc Nghiêm thì các anh Lê Thấu, Đỗ Quảng , Ba Tỉnh, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Đắc Như, Lê Bá Thự đều thống nhất nói tôi đưa đến nhà thăm anh Nghiêm vào ngày mai.

Các anh vừa rời tòa soạn lúc 10h thì 10h45’ tôi nhận tin cùng lúc từ Vũ Hùng, nguyên PV Báo Thanh niên Thời đại và Truyền hinh Thanh niên và Châu La Việt báo anh Võ Khắc Nghiêm đã ra đi lúc 10h35 phút. Vậy là những người thân thiết, yêu quý anh đã không kịp được nói chuyện với anh nữa rồi!

Rồi đây, đưa tiễn anh, anh sẽ có bài điếu văn mà tôi tin chắc sẽ lấy nước mắt và cảm xúc của không ít người, sẽ có nhiều bài báo viết về anh cùng những tác phẩm của anh từ những người yêu quý anh. Tôi muốn nói về anh ở sự tâm huyết, đam mê, năng động và ân tình cả trong nghề báo và nghiệp văn mà nhiều người chưa biết.

Xin Vĩnh biệt anh - Một “vỉa than” lấp lánh.

Hà Nội, đêm rớt bão - 29/09/2022