Nhà báo, nhà văn hóa Hữu Ngọc - người giăng kết toàn cầu những sợi tơ văn hóa (Phần III)

Thời gian làm Trưởng ban giáo dục tù hàng binh Âu - Phi, ông bắt đầu tiếp xúc và thích thú tìm hiểu văn hóa Đức.
huu-ngoc-1655685174.jpg
Sống, cống hiến và an nhiên bên người bạn đời

Quyết tâm học tiếng Đức, ông đã học bằng nhiều cách, tự học qua sách báo, tự học qua những cuộc giao lưu với tù binh người Đức trong quá trình công tác. Khi giám sát một đoàn tù binh có rất nhiều người Đức được đưa sang Trung Quốc để trả tự do, ông cũng tranh thủ học, vừa đi vừa học, có khi viết chữ cả trên đất, trên tường nhà.

Kết quả thật bất ngờ: sau chuyến đi ba tháng, ông đã thuộc hơn 3000 từ, có thể đọc sách báo, thậm chí đọc tiểu thuyết viết bằng tiếng Đức. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông bắt đầu chọn dịch các bài báo bằng tiếng Đức. Một thời gian sau, ông tập trung nghiên cứu nền văn hoá Đức, là người đầu tiên dịch Truyện cổ Grim, xuất bản nhiều sách viết về văn hóa nước Đức.

Năm 1955, khi phái đoàn Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Đức sang thăm Việt Nam, ông được cử làm phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc hội kiến. Hoà bình lập lại, ông lại trở về với sự nghiệp giáo dục, tiếp tục dạy học, vẫn là ngoại ngữ, nhưng bây giờ dạy thêm tiếng Việt cho nhân viên các sứ quán nước ngoài.

Hữu Ngọc đi nhiều nước trên thế giới, tham gia nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế về văn hóa, có công giới thiệu văn hóa Việt Nam tới các nước Pháp, Đức, Nhật, Iran, Trung Quốc, Liên xô, Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Thái Lan, Bỉ, Indonexia, Mỹ...

Mỗi chuyến xuất ngoại là cơ hội để ông tìm hiểu thêm về văn hóa nước ngoài mà trước đó qua sách báo chưa thể cảm nhận đầy đủ, và khi về nước bao giờ ông cũng có bài viết về những vùng đất đã đi qua, những con người đã gặp một cách sâu sắc.

Bài viết của ông là những công trình nghiên cứu chủ yếu về phương diện văn hoá của các nước trên thế giới. Có những đất nước ông viết được cả cuốn sách nhiều trang về nền văn hoá của dân tộc họ, riêng Nhật bản ông viết đến ba cuốn. Tác phẩm của ông được giới nghiên cứu đánh giá cao, có những cuốn được khẳng định là đã lột tả chính xác và đầy đủ cả một nền văn hoá như Hồ sơ văn hóa Mỹ (1995), Mảnh trời bắc Âu - phác thảo chân dung văn hóa Thụy Điển (1997) Phác thảo chân dung văn hóa Pháp (1997), Hữu Ngọc, những nẻo đường văn hóa (2006)...

Vốn ngoại ngữ dồi dào, kiến thức lịch sử, xã hội phong phú đã giúp ông tiếp cận với hiện thực một cách bản chất và nhanh chóng tìm ra phần tinh tuý nhất của văn hoá các dân tộc trên thế giới. Với sự hiểu biết sâu sắc văn hoá dân tộc và nhiều nền văn hoá trên thế giới, ông viết bài cho chuyên mục văn hóa không chỉ của báo chí Việt Nam mà còn viết cho rất nhiều tờ báo nước ngoài, với mục đích giới thiệu văn hóa truyền thống Việt Nam ra thế giới và giới thiệu văn hóa thế giới với Việt Nam.

 Biết và sử dụng thành thạo nhiều thứ tiếng, ông từng làm Tổng biên tập nhiều tờ báo ngoại văn: Le Vietnam en marche, Edutes Vietnamiennes... Phó Giám đốc rồi Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới), đã xuất bản nhiều sách giới thiệu văn hóa Việt Nam và thế giới bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ông đã thực sự trở thành chiếc cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và thế giới ngay cả khi đất nước đang có chiến tranh.

Sự nghiệp báo chí của Hữu Ngọc gắn liền với sự nghiệp nghiên cứu và truyền bá văn hóa của ông. Say mê làm báo từ khi còn là học sinh trung học, cái thuở làm báo tường, báo liếp, và sau này đã trở thành nhà báo nổi tiếng - việc làm báo của Hữu Ngọc dường như được định sẵn cho cuộc đời. Niềm say mê làm báo càng nhân lên khi niềm say mê nghiên cứu văn hóa của ông ngày càng mãnh liệt.

Ông viết báo là để thực hiện ước mong có trong ông từ rất lâu rồi, “muốn góp phần nhỏ bé giới thiệu nền văn hóa lâu đời của Việt Nam ra nước ngoài và chắt lọc tinh túy của các nền văn hóa khác giới thiệu vào Việt Nam”. Với Hữu Ngọc, Báo chí thực sự là một trong các phương tiện hiệu quả nhất để ông thực hiện sự nghiệp “xuất nhập khẩu văn hóa” của mình./. (còn nữa)

Nguyễn Văn Tông