Nhà báo, nhà văn hóa Hữu Ngọc - người giăng kết toàn cầu những sợi tơ văn hóa (Phần II)

Năm 1940, Hữu Ngọc tốt nghiệp tú tài triết học và vào học đại học Luật theo trào lưu lúc bấy giờ là “để ra làm quan”.
cn-anh2-iwof-1655683710.jpg
Ở tuổi ngoài 100 Hữu Ngọc vẫn tham gia hội thảo, viết sách...

Kết thúc năm học thứ nhất ông bỏ học đi dạy Anh văn và Pháp văn cho các trường cấp hai (Collège) tư thục ở Vinh và Huế, theo học sinh của ông kể lại, “là để cho tự do hơn” (Thầy giáo Hữu Ngọc, Hà Minh Đức, 1997). Sau này, khi ra Nam Định hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, ông vẫn tiếp tục đi dạy tại trường thành chung Nguyễn Khuyến. Kiến thức sư phạm từ những năm trực tiếp giảng dạy ở nhiều trường đã giúp ông đúc kết viết nên những cuốn sách được nhiều người yêu thích và tái bản rất nhiều lần: Sổ tay người dịch tiếng Anh, Sổ tay người dùng tiếng Pháp...

Trong thời kì dạy học, ông rất tích cực, hào hứng tham gia các hoạt động hướng đạo do Hoàng Đạo Thuý, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Lân khởi xướng. Hữu Ngọc còn đứng ra thành lập câu lạc bộ B.A (Blue Association/ Bonne Action) cho học sinh, gồm các nội dung “thể dục, trí, tâm” với phương châm “chơi có ích”, giúp học sinh tự tin trong hoạt động tập thể và phát triển nhân cách. Có thể nhận thấy, “thể dục, trí, tâm” cũng là phương châm sống của chính ông.

Cách Mạng tháng Tám thành công không chỉ tạo ra bước ngoặt lịch sử cho dân tộc mà còn tạo ra bước ngoặt cuộc đời như văn hóa. Khi Phái đoàn chính phủ vào tiếp nhận ấn kiếm của triều đình Huế, gặp ông, Huy Cận đã nói: “Anh phải ra Hà Nội ngay. Ngoài đó đang cần những người có trình độ ngoại ngữ”.

Sau khi ra Hà Nội, ông được giao nhiệm vụ trong Ủy ban Liên Kiểm Việt - Pháp, chuyên giải quyết những vấn đề bất hòa giữa nhân dân ta với các đội quân đồn trú và gia đình họ ở Nam Định. 19-12-1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, chính quyền cách mạng rút khỏi thành phố Nam Định ra vùng phụ cận Chiến khu 3, tổ chức cử ông làm Chủ tịch Hội văn hóa kháng chiến Nam Định. Bằng chiếc máy in nhỏ nhặt được trong lúc tiêu thổ kháng chiến, ông bắt tay vào làm tờ L,Etincelle (Tia Sáng) - tờ báo địch vận đầu tiên bằng tiếng Pháp. Nơi làm báo chỉ cách nơi địch đóng quân khoảng 40 cây số, nên đã có lần trên đường vận chuyển báo ông suýt chết vì bất ngờ gặp giặc đi càn.

Câu chuyện đó đã được ông kể lại trong bài viết “Một số kinh nghiệm làm sách báo đối ngoại” và nói vui rằng “Chẳng biết vì tôi chưa tới số hay vì buổi sớm đi càn, địch chưa muốn bắn sợ gây náo động”. Hoạt động ngay giữa lòng địch, trong điều kiện vô cùng khó khăn và nguy hiểm nhưng tờ báo cũng ra được hai năm, mỗi tháng hai kỳ. Đây là một tờ báo đặc biệt bởi nội dung chính của báo giới thiệu các nét đẹp đẽ của văn hóa Việt Nam, từ đó chỉ ra tính phi nghĩa trong cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Sau chiến dịch biên giới thu đông 1950, Hữu Ngọc lên Việt Bắc họp Hội nghị văn hóa toàn quốc và được các đồng chí ở Cục Địch vận - Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam giữ lại, phong quân hàm thiếu úy và cử ông làm Trưởng ban giáo dục tù - hàng binh Âu - Phi. Tại đây ông miệt mài soạn thảo tài liệu giáo dục chỉ rõ tính chất phi nghĩa của cuộc chiến, nhấn mạnh đường lối nhân đạo của chính phủ Việt Nam để cung cấp cho các trưởng trại và sắp xếp thời gian đi nói chuyện với tù binh tất cả các trại.

Một trong những cuộc nói chuyện đó ông đã gặp Erwin Borchewr, hàng binh người Đức, người được Bác Hồ đặt tên là Chiến Sĩ. Thành công của ông là giác ngộ được Erwin Borchewr và hai người đã trở thành bạn bè thân thiết, cùng nhau đi nói chuyện ở tất cả các trại tù, cùng nhau làm một tờ báo tiếng Đức đặt tên là Chiến Hữu để vận động lính lê dương trong quân đội Pháp phản chiến. Sau này,

Chiến Sĩ (Erwin Borchewr) trở thành đại diện Thông tấn xã Cộng hoà dân chủ Đức tại Việt Nam, tiếp tục hợp tác cùng Hữu Ngọc. Trong thời gian Erwin Borchewr làm việc tại Việt Nam, hai ông đã xuất bản cuốn Chủ tịch Vinhem Pích và Cách mạng Đức (Nhà xuất bản sự thật, 1959)./. (còn nữa)

Nguyễn Văn Tông