Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng thốt lên: “Nhiều lúc ngắm Hữu Ngọc, không hiểu sao, tôi cứ có cảm giác rợn ngợp như đang đứng trước một con khủng long vừa hiện hình người. Hữu Ngọc quả là một con khủng long kỳ vỹ”. Bruno, nhà ngoại giao vương quốc Bỉ, với sự ngưỡng mộ sâu sắc bộc bạch: “Ông quả là một người phi thường - điểm nổi bật nhất ở hội nghị là nghe ông Hữu Ngọc nói chuyện “hay đến sửng sốt””. “Hữu Ngọc gây ấn tượng mạnh trong tôi. Rất khiêm tốn, rất thông minh, rất khoan dung”. “Tôi bàng hoàng với chỉ nửa giờ gặp Hữu Ngọc mà hiểu văn hóa Việt Nam bằng cả bấy lâu đọc bao nhiêu cuốn sách và tìm hiểu nền văn hóa dân tộc ông. Tôi vô cùng cảm ơn ông”.
Nhà nghiên cứu văn hoá nổi tiếng Hữu Ngọc được coi là “chiếc cầu văn hóa”, nối Việt Nam với Thế giới bằng cả cuộc đời hoạt động không mệt mỏi của mình.
Ở tuổi hơn 100 Nhà báo Hữu Ngọc vẫn đang tiếp tục công việc Chủ tịch quỹ phát triển văn hóa Việt Nam của Thụy Điển. Từ khi thành lập đến nay, quỹ đó thực hiện trên 2.000 dự án nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân tộc. Có lẽ do ông luôn luôn vận động cả thể chất lẫn tinh thần, luôn lao động hết mình cho sự nghiệp phát triển và giao lưu văn hóa nên ở tuổi đại đại thọ ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và minh mẫn hơn người.
Trong suốt cuộc đời, ông đã từng dạy học, biên dịch, xuất bản, làm báo... Ở cương vị nào, ông cũng luôn quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu, truyền bá văn hóa Việt Nam đến với thế giới và chuyển tải tinh hoa văn hoá Thế giới đến với Việt Nam. Nghiên cứu văn hóa dân tộc và nhân loại là niềm say mê bất tận đã làm giàu kho tàng kiến thức của ông khiến bất cứ ai cũng phải thèm muốn. Thích viết báo từ khi còn rất trẻ, và ung dung bước vào nghề báo như vốn dĩ phải thế, bởi đó là phương tiện hữu hiệu để ông phân tích, trao đổi, luận đàm về văn hóa, giới thiệu nền văn hoá Việt Nam với năm châu và giới thiệu văn hoá nhân loại với dân tộc Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà Hữu Ngọc luôn tự gọi đùa mình là nhà “xuất nhập khẩu văn hóa”, cùng sự nghiệp báo chí hơn nửa thế kỷ của mình với ông lại rất đơn giản, chỉ là “chuyên làm báo đối ngoại”, nghĩa là viết chủ yếu cho người nước ngoài xem.
Sinh năm 1918 tại Hà Nội, quê gốc của nhà văn hóa Hữu Ngọc ở phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nhưng gia đình ông chuyển cư về Hà Nội từ đầu thế kỷ trước. Sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Gai, “một phố vào loại cổ nhất trong ba mươi sáu phố phường Hà Nội”, con phố từ lâu lắm rồi đã nổi tiếng là “phố văn học”. Hữu Ngọc tự hào nhớ lại, Hàng Gai - con phố nhỏ của ông có phường in sách Hán Nôm, có cửa hàng chuyên bán sách, giấy bút, có các tiểu thư con nhà gia giáo nết na xinh đẹp thướt tha đến với sách, các vị quan thanh liêm lấy sách làm trọng, có nhà Nho hỏng thi bất đắc chí, nghèo nhưng mê sách... Từ nhỏ, Hữu Ngọc đã được “sống trong không khí văn hóa truyền thống thấm nhuần Khổng học”, nét văn hóa ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp của ông và ông đã có những công trình nghiên cứu về văn hóa Trung Hoa, phân tích một cách khách quan nền văn hóa mang ảnh hưởng sâu đậm của đạo Khổng và đạo Lão.
Trường Bưởi, nay là Trường Chu Văn An, cái nôi của lớp trí thức trẻ người Việt một thời là nơi Hữu ngọc đã từng theo học những năm trung học. Đây là ngôi trường được người Pháp lập ra để đào tạo công chức cao cấp cho bộ máy cai trị thuộc địa nên còn có tên tiếng Pháp là Lycée du Protectorat, nghĩa là Trường trung học bảo hộ. Tuy nhiên, nơi đây đã nuôi dưỡng rất nhiều thế hệ trí thức yêu nước, nhiều người đã trở thành danh nhân trong nhiều lĩnh vực. Một trong những người thày để lại nhiều ấn tượng với Hữu Ngọc là Pierre Foulon, thương binh người Pháp, dạy môn triết học. Người thày Pháp quốc này luôn chú trọng dạy học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp vào thời điểm đó không được nhiều người hưởng ứng, nhưng chính nhờ quan điểm giáo dục mới mẻ của ông, Hữu Ngọc đã có được phương pháp cảm nhận và lĩnh hội về một nền văn hóa khác (Thày dạy triết của tôi, Hữu Ngọc, 1997)./. (còn tiếp)