Nhà văn Phan Tất như tôi biết

Ngày đầu năm, nhận được tập truyện ký “Nỗi niềm chia sẻ” của nhà văn Phan Tất từ quê nhà gửi tặng, bỏ qua mọi cuộc vui, tôi dành thời gian đọc hết 300 trang sách.
271036986-1021994561682726-1274754913020552093-n-1643683399.jpg
Tác phẩm mới nhất của Phan Tất

Khi nền kinh tế nước nhà thăng hoa, sách báo và các sản phẩm tri thức nhiều vô kể, nhưng tôi vẫn thiên vị với những tác phẩm của anh em, bạn bè đặc biệt là những nhà văn quê nhà.

Phan Tất tên thật là Phan Tất Bát, anh hơn tôi độ chục niên, thuộc thế hệ đàn anh mà lớp trẻ chúng tôi ngưỡng mộ. Tôi với anh cùng làng, hơn thế là cùng sinh ra lớn lên trên cùng một thửa đất ở xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.

Khi tôi được sinh ra, lớn lên thì cuộc cách mạng “long trời lở đất” đã kết thúc nhưng dư âm của nó thì vẫn âm ỉ khiến nhiều tâm hồn rỉ máu. Tôi biết đến sự kiện này qua lời kể của cha tôi, người theo đòi Nho học nhưng tham gia kháng chiến từ rất sớm nên khi về làng là thương binh, thuộc đối tượng được chia “Quả thực”- thành quả của cuộc cải cách ruộng đất do những “bần cố nông cốt cán” thẳng tay đấu tố và tước đoạt của “địa chủ” chia lại ruộng đất cho người nghèo.

Cha tôi tâm sự: Cụ tôi cũng từng có cả trăm mẫu ruộng, đến đời ông tôi kinh tế sa sút, phải bán hết ruộng đất, tưởng là tai họa, hóa ra lại may. Nhà ông tôi được xếp vào hạng “bần nông” khiến đám trẻ con lâng lâng tự hào một thời.

Ông kể lại chuyện này để bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với những người bị quy kết là địa chủ, bị đấu tố rất dã man, bị quy thành phần, bị tước đoạt hết tài sản khiến con cháu họ rất khó khăn trong việc tìm kiếm một chỗ đứng trong xã hội.

Thân sinh anh Phan Tất Bát là cụ Phan Tất Thai (1904), người cùng lứa với nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Cụ là người có chữ nghĩa, chăm chỉ làm lụng, tậu được mấy chục mẫu ruộng, trong cải cách ruộng đất cụ bị quy thành phần Địa chủ.

Cũng có lẽ vì di chứng của cuộc đấu tố nên vài năm sau cải cách cụ bị đau dạ dày rồi không qua khỏi. Cụ qua đời khi chỉ mới ngoài 50 tuổi. Năm đó, anh Phan Tất Bát còn là đứa trẻ lên 8, chưa được đến trường.

Trở lại cuốn sách của anh, ngay lời nói đầu anh viết: “Tôi tuổi trẻ gian nan!... Mười tuổi mới được đi học, đã cùng mẹ, anh chị đào bờ, cuốc đất, lam lũ với ruộng đồng…”.

Bạn đọc trẻ tuổi thường lướt qua những chi tiết này mà không mấy ai suy ngẫm để thấu hiểu được hoàn cảnh lịch sử khốc liệt một thời với một đứa trẻ “con địa chủ” bị ghẻ lạnh, phân biệt đối xử, có chỗ dựa quan trọng nhất là người cha lại vừa mới qua đời.

Anh viết tiếp: “Lớn hơn một tý nữa, cùng cặp sách, áo nâu, đường đất đến trường, tôi đã phải lăn lộn mưu sinh theo nghiệp cày bừa, đồng áng. Rồi bị cuốn hút bởi một thời đạn lửa: Thanh niên chủ lực, trực chiến, lao động nặng nhọc trên các công trình xây dựng giao thông, thủy lợi... Đó là những ngày lầm lũi, vất vả thiếu thốn, phải chịu đựng nhiều sự kì thị, rào cản của đời sống xã hội một thời!...”

Nhưng rồi, con người đó đã không dễ bị khuất phục. Cha anh qua đời để lại câu nói nổi tiếng cho đến nay cả làng tôi vẫn còn nhắc lại: “Còn một cái liềm cùn cũng sẽ bán cho con ăn học”.

271173557-1021994605016055-5095878909460745586-n-1643683470.jpg
U 70 vẫn miệt mài sáng tác

Câu nói đó đã truyền động lực, truyền tình yêu học hành vào những người con của cụ. Như anh viết: “…cũng vì đam mê nghiệp viết, coi sự học, tri thức, văn chương là thiêng liêng…” anh đã vượt qua lớp lớp rào cản để miệt mài theo đuổi sự nghiệp học hành.

Thầy Thái Hữu Thịnh nhớ lại: “Hồi học phổ thông, Phan Tất có dáng thư sinh, nước da trắng hồng, sáng tinh anh. Em học giỏi toàn diện, nhưng tốt nghiệp lớp 10, em không được vào đại học vì vướng gia đình “thành phần” phải đi thanh niên xung phong, rồi chuyển sang xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi…”

Tám năm trời lăn lộn trên các cung đường lấp hố bom, làm đường rồi tham gia đào đất, vác đá làm mọi việc nặng nhọc qua các công trình thủy lợi như Đập Sặt, Đập Vệ Vừng, Đồn Húng, Kẻ Gỗ…, lăn lộn, dầm mưa giã nắng trong các cánh rừng rậm heo hút.

Bằng sự chăm chỉ, tận trung, tận hiến, cuối cùng, năm 1977 anh cũng được cấp trên chiếu cố cho vào đại học và đến năm 1982 thì tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải khoa cơ khí ôtô loại giỏi. Anh ra trường khi tuổi đời đã ngoài 30.

Vậy là một từ một cậu học trò con “địa chủ” bị phân biệt đối xử, bằng sự nỗ lực liên tục của mình anh đã hoàn thành kỳ tích, trở thành kỹ sư được phân công về Phòng quản lý xe máy của Công ty thủy lợi 4 ở Vinh. Anh là huyền thoại một thời để các bậc cha mẹ kể lại cho những lớp đàn em như chúng tôi như một tấm gương về sự kiên trì không bỏ cuộc.

Công ty Thủy lợi 4 là doanh nghiệp lớn đảm nhận việc thi công các công trình thủy lợi lớn trải dài từ Bắc vào Nam như: Đập Sông Rác; đập Nghi Quang; đập Sông Hinh và cả công trình thủy lợi Dầu Tiếng ở tận Tây Ninh.

Trí thông minh, khát khao học hỏi, sự trải nghiệm đời sống ở nhiều môi trường khác nhau đã cho anh một vốn sống mà không phải ai cũng có được. Trên chặng đường hành trình đó, anh chỉ là người suy ngẫm rồi chép lại thành các ký sự, các tản văn và cả những chuyện ngắn đầy tình nhân văn lay động lòng người.

Không chỉ dừng lại ở thể loại văn xuôi, anh còn làm thơ, viết nhạc, viết báo và tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học. Không mấy ai có được sự đa năng này.

Đọc những trang viết đa dạng của anh khiến không ít người ghen tỵ, nhưng không mấy ai biết được rằng, để có được sự sinh động đó, cuộc sống của anh đã trải qua những thử thách khắc nghiệt. Anh tâm sự: Trên các công trường thủy lợi thời bao cấp có hàng vạn người lao động cống hiến tuổi xuân, hy sinh thầm lặng.

Ra đi cùng lứa với anh, làng có ba người, một người vì thiếu thốn, gian khổ sinh ốm đau, không qua khỏi rồi mất, rất tội. Một người nữa vì không chịu đựng được sự vất vả thiếu thốn của đời sống công trường nên đã phải bỏ về…

Ấy vậy mà anh đã âm thầm vượt qua con đường ấy để rồi trở thành một kỹ sư danh tiếng về ôtô - xe máy. Hơn thế sau những thành công về chuyên môn, anh tham gia việc viết lách đủ các thể loại, đề tài được đăng tải trên các báo ở trung ương và địa phương, được đông đảo bạn đọc đón nhận.

Những trang viết của anh trải dài qua nhiều vùng miền, đề cập đến nhiều cuộc đời, nhiều thân phận qua nhiều thời kỳ lịch sử. Từ chuyện “Ví Giặm xứ Nghệ” chuyện “Nguyễn Du với tấm lòng hậu thế” đến chuyện “Xứ Thanh đất và người”, “Hồ Quý Ly mưu nghiệp bá vương”…

Trong số các chủ đề đó, tôi thích nhất vẫn là chuyện anh viết về các nhà văn, nhà thơ với những thăng trầm trong số phận: “Hữu Loan còn mãi với thời gian”; “Vũ Trọng Phụng những gì còn lại”; “Nhà thơ Quang Huy”…

Bạn tôi, thầy Khúc Hà Linh, nguyên Hiệu trưởng trường văn hóa Nghệ thuật Hải Dương, anh giỏi nhiều thứ, không chỉ văn chương, chữ nghĩa, sáng tác âm nhạc mà viết kịch bản, đạo diễn phim cũng hay, tham gia liên hoan đoạt giải nhất hẳn hoi.

Tôi bảo anh: Với bác em thật khó gọi, làm cái gì bác cũng hơn người, gọi là nhà báo, nhà thơ hay nhà văn đều chưa đủ, phải gọi bác là “khu đô thị” mới đúng. Nay đọc tập “nỗi niềm chia sẻ” của Phan Tất, tôi xin được dùng từ ấy để gọi anh là “khu đô thị” vì trong anh có quá nhiều nhà.

Đằng sau mỗi con chữ của anh không chỉ là thân phận của tác giả, hơn thế là thế sự, là thời cuộc và cả những con người mà anh đã có dịp gặp mặt, làm quen và cảm thông sâu sắc về cuộc đời của họ để rồi phác thảo những chân dung ấy, truyền cảm hứng cho người đọc để chúng ta thấu hiểu, cảm thông và thêm yêu cuộc sống ngày hôm nay./.

Phan Thế Hải