Kỹ sư nông nghiệp 9X xây trang trại hữu cơ 2,5ha: “Gia đình ngăn cản, nhiều người bảo tôi điên”

Nhớ lại những khó khăn ban đầu khi làm nông nghiệp hữu cơ, chủ trang trại Kim Sơn, kỹ sư Nguyễn Văn Chinh cho biết không ai tin anh sẽ thành công, thậm chí gia đình cũng ngăn cản, nhiều người bảo anh có vấn đề, nhưng rồi chàng trai quê Ninh Bình đã chứng minh điều ngược lại.

Sinh năm 1991 tại Ninh Bình, anh Nguyễn Văn Chinh theo học khoa Nông Học, Học viên Nông nghiệp Việt Nam. Sau khi ra trường, anh làm cho một công ty giống lúa. Nhưng đến năm 2015, khi mới 24 tuổi, chàng kỹ sư trẻ đã quyết tâm khởi nghiệp bằng cách chọn một con đường đầy chông gai, đó là xây trang trại hữu cơ ở Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội bằng cách thuê đất với số vốn ít ỏi tích lũy được.

Nhắc lại cơ duyên làm nông nghiệp hữu cơ, kỹ sư Nguyễn Văn Chinh cho biết, từ hồi còn là sinh viên, anh đã ấp ủ giấc mơ làm hữu cơ. Sau khi ra trường và đi làm, anh rất cảm thông với sự yếu thế của người nông dân khi làm nông nghiệp, bởi giá cả phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, thị trường và thường bị thương lái ép giá.

ky-su-1-1682340721.jpg
Kỹ sư Nguyễn Văn Chinh (phải) giới thiệu về củ dền hữu cơ với nhà báo Trung Hiền

Trong khi đó, nông nghiệp hữu cơ là xu thế của thời đại, giúp người nông dân sản xuất bền vững, nhận được đúng giá trị, công sức bỏ ra. Đặc biệt, khí hậu của Việt Nam rất phù hợp với sản xuất hữu cơ, nên anh Chinh quyết tâm làm hữu cơ bằng được.

Quyết tâm là thế, nhưng thời gian đầu khởi nghiệp vô cùng khó khăn. Ngay cả gia đình cũng ngăn cản, nhiều bạn bè, người quen bảo anh điên, không thể thành công.

Những lời can ngăn đó không phải là không cơ cơ sở, bởi để cải tạo đất, môi trường mất ít nhất từ 4 năm trở lên. Ngoài ra, còn mất thêm thời gian để nghiên cứu chọn trồng loại rau nào cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, đồng thời cho năng suất cao.

Nhớ lại thời gian đầu đầy khó khăn khi rau cho năng suất thấp, mẫu mã xấu, thậm chí phải đổ đi để làm phân hữu cơ, anh Chinh cho biết đã phải mang rau đi bán ở chợ đêm theo dạng mớ, nhưng vẫn ế, nhiều hôm phải đổ đi. Vì nếu mang về sẽ khiến những người làm cùng chản nản, dễ bỏ cuộc.

Nhưng rồi mọi khó khăn dần qua đi. Việc sản xuất rau hữu cơ của anh ngày càng đi vào quy củ, cho thu hoạch ổn định, năng suất bằng khoảng 80% so với canh tác truyền thống, trong đó có khoảng 70% mẫu mã đẹp, đáp ứng được nhu cầu về thẩm mỹ của người tiêu dùng.

Đặc biệt, đến năm 2020, rau của trang trại Kim Sơn đã được cấp giấy chứng nhận hữu cơ theo TCVN 11041-2:2017. Đến đầu năm nay, rau Kim Sơn được cấp giấy chứng nhận vùng nguyên liệu hữu cơ của Hoa Kỳ - USDA.

ky-su-2-1682340738.jpg
Rau của trang trại Kim Sơn được canh tác bài bản, cho năng suất, chất lượng cao
ky-su-3-1682340750.jpg
Các luống rau tại trang trại Kim Sơn có hoa, có ong, tạo ra một quần thể theo đúng tiêu chuẩn canh tác hữu cơ

Nhờ vậy, hiện rau hữu cơ của trang trại Kim Sơn được một đối tác bao tiêu đầu ra, với sản lượng trung bình khoảng 100 tấn/năm. Rau của Kim Sơn khá đa dạng, mùa nào thức nấy với khoảng 40 loại, trồng theo nhu cầu của thị trường.

Ngoài ra, anh Chinh còn mở một cửa hàng rau hữu cơ tại xã Cổ Loa để quảng bá sản phẩm đến người dân địa phương và các vùng lân cận.

Anh Chinh còn tiết lộ, khi đại dịch Covid-19 tràn về khiến cả xã hội gặp nhiều khó khăn vào năm 2021-2022, anh được chính những khách hàng mua rau hữu cơ cho vay tới 450 triệu đồng, nhờ thế trang trại Kim Sơn đã phát triển ổn định qua mùa dịch.

Một điều đặc biệt nữa tại trang trại Kim Sơn đó là mô hình vườn ao chuồng tạo ra vòng tuần hoàn khép kín. Sau khi đã đứng vững, hiện Kim Sơn có diện tích 2,5ha; ngoài trồng rau còn nuôi gà thịt và gà trứng, mỗi năm xuất bán 5.000 gà thịt, 200-300 trứng/ngày. Phân gà được ủ để làm phân bón nên Kim Sơn có sẵn nguồn phân dồi dào, chất lượng.

Còn với 3000m2 ao được bố trí vòng quanh trang trại, ngoài được dùng để tưới tiêu vì nước ở đây rất sạch còn dùng để nuôi cá, chủ yếu là cá trắm ăn cỏ được nhổ từ các ruộng rau. Vì thế, mọi thứ ở Kim Sơn đều được sử dụng, từ con sâu, phân gà, cỏ… nên tiết kiệm được nhiều chi phí với khoảng 60-70 tấn phụ phẩm nông nghiệp mỗi năm.

Một giá trị nữa trang trại Kim Sơn mang lại đó là thay đổi nhận thức của cộng đồng. Hiện có khoảng 11 công nhân làm việc và họ chỉ ăn rau của Kim Sơn, bởi họ hiểu những tác hại khi ăn rau bón thuốc hóa học. Một đồn mười, mười đồn trăm, các công nhân về chia sẻ với họ hàng, bạn bè, hàng xóm, để từ đó dần dần thay đổi nhận thức của cộng đồng.

ky-su-4-1682340917.jpg
ky-su-5-1682340932.jpg
Trang trại Kim Sơn là mô hình vườn ao chuồng tạo ra vòng tuần hoàn khép kín với diện tích lên đến 2,5 ha

Nhờ thế, theo anh Chinh chia sẻ, một số nông hộ tại Cổ Loa đã không còn dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu trong canh tác. Một số hộ còn tự ủ phân hữu cơ để dùng, vừa tránh lãng phí, vừa giảm ô nhiễm môi trường.

Cuối cùng, hiện anh Chinh nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của gia đình. Sau 1 năm thấy anh vất vả, bố mẹ đã lên Hà Nội để hỗ trợ, hiện còn có thêm em gái làm cùng. Đó là những thứ anh Chinh cảm thấy rất hạnh phúc bởi không gì hơn là nhận được sự ủng hộ của gia đình và tin tưởng của xã hội.

Làm nông nghiệp hữu cơ chắc chắn không dễ, không dành cho những người thiếu quyết tâm, nhiệt huyết. Nhưng trái ngọt sẽ đến với những ai đam mê và tràn đây khát vọng như anh Chinh…/.