Sau khi tốt nghiệp Đại học ngành công nghệ sinh học, Hằng tìm được công việc đúng chuyên môn với mức lương ổn định. Qua quá trình làm việc, cô nhận ra muốn nông nghiệp phát triển thì khâu cây giống và ứng dụng khoa học công nghệ là những đòn bẩy quan trọng; nhu cầu thị trường về cây giống rất lớn.
Với lợi thế có chuyên môn, kinh nghiệm cùng mong muốn góp phần cung cấp cho nông dân nguồn cây giống chất lượng, đồng thời, được tự chủ trong công việc và gần gia đình, cuối năm 2019, Hằng quyết định nghỉ việc, về quê khởi nghiệp từ cây giống cấy mô. “Em cũng đắn đo, suy nghĩ rất nhiều nhưng hướng đến tương lai lâu dài, em chấp nhận từ bỏ công việc có mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng” - Hằng chia sẻ.
Con đường khởi nghiệp của Hằng gặp không ít khó khăn và vấn đề đầu tiên là nguồn vốn. Song, bằng quyết tâm, khát vọng tuổi trẻ và sự ủng hộ, giúp đỡ của người thân, những trở ngại dần được giải quyết. Hành trang về quê của Hằng là 5 năm kinh nghiệm và gần 100 triệu đồng. Cô mượn thêm tiền của gia đình, bạn bè để mở cơ sở cây giống cấy mô với tên gọi “HF”; xây dựng phòng thí nghiệm nuôi cấy mô rộng hơn 20m2 và mua sắm những trang thiết thị cần thiết gồm: hệ thống chiếu sáng, máy lạnh, lò hấp và hóa chất…, tổng chi phí khoảng 200 triệu đồng.
Lúc về quê, Hằng dự kiến sẽ nghiên cứu và lai tạo một số giống hoa kiểng đặc trưng ở Làng hoa Sa Đéc để phục vụ cho nông dân. Tuy nhiên, ngay sau khi Cơ sở cây giống cấy mô HF đi vào hoạt động, cô gái quê Đồng Tháp nhận được đơn đặt hàng lớn từ khách hàng với hơn 100 nghìn cây chuối cấy mô, tổng giá trị đơn hàng trên 230 triệu đồng. Do cơ sở còn “non trẻ” và để sản phẩm đảm bảo chất lượng, giao hàng đúng thời gian theo hợp đồng, Hằng chỉ phụ trách sản xuất một phần, phần còn lại của đơn hàng được chia sẻ cho một phòng nuôi cấy mô khác có uy tín cùng sản xuất.
Hằng tìm mua, lựa chọn giống chuối tốt, đạt yêu cầu ở ngoài tỉnh Đồng Tháp. Sau khi đào củ chuối lên, cô mang về xử lý, đưa vào phòng thí nghiệm nhân nuôi một thời gian rồi mang cây để ngoài môi trường tự nhiên cho thuần hóa trước khi cung cấp cho khách hàng. Theo Hằng, chuối nhân giống dễ hơn loại cây khác, tỷ lệ thành công hơn 80%. Giống chuối được sản xuất bằng phương pháp cấy mô giúp khắc phục những hạn chế của việc trồng theo cách truyền thống (tách cây giống từ cây mẹ) như dễ nhiễm nấm, vàng lá và thối củ, giảm năng suất, chết cây.
Hiện tại, phòng nuôi cấy mô của Hằng có khả năng sản xuất 30 nghìn cây giống/tháng. Cơ sở cây giống cấy mô HF sản xuất chủ yếu là các loại chuối như: chuối xiêm, chuối già, chuối sáp. Bên cạnh đó, Hằng đang nghiên cứu, sản xuất một số giống cây nông nghiệp như khoai môn, gừng… và kiểng lá. Nguyễn Phượng Hằng cho biết, ưu điểm của cây giống cấy mô là sạch bệnh, sức phát triển tốt, đỡ tốn chi phí chăm sóc. Đồng thời, cây cho năng suất và chất lượng cao hơn so với giống cây được sản xuất bằng những phương pháp khác.
Năm 2021, tuy Cơ sở cây giống cấy mô HF hoạt động chưa lâu và bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng sản xuất và tiêu thụ được khoảng 80 nghìn cây giống, doanh thu gần 200 triệu đồng. Đây là tín hiệu phấn khởi cho cô kỹ sư 9X dám nghĩ, dám làm. Không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân, cơ sở của Hằng còn tạo việc làm cho 6 lao động ở địa phương. “Từ đầu năm 2022 đến nay, cơ sở đã sản xuất và tiêu thụ được 30 nghìn cây giống, đang thực hiện đơn hàng 20 nghìn cây. Năm nay, cơ sở đặt ra mục tiêu sản xuất 200 nghìn cây giống các loại” - Phượng Hằng cho hay.
Dự án “Sản xuất và kinh doanh cây giống cấy mô” của Nguyễn Phượng Hằng xuất sắc đạt giải Nhì trong Cuộc thi khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp, đạt giải Ba tại Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long.
Thạc sĩ Lương Nguyễn Duy Thông, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp nhận xét, Dự án “Sản xuất và kinh doanh cây giống cấy mô” của Hằng có tính đột phá, tính khoa học cao, có nhiều sự khác biệt so với các dự án khởi nghiệp trong tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu thời gian tới, dự án này phát triển hiệu quả sẽ có đóng góp lớn cho xã hội. Cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng cây giống, cải thiện một số giống cây trồng để phù hợp với biến đổi khí hậu./.