Kỹ sư Hồ Xuân Hiếu chia sẻ bí quyết ngăn chuột phá hoại ruộng lúa

Hàng ngàn ha lúa vụ Đông Xuân ở tỉnh Quảng Trị bị chuột phá hoại nặng nề. Ngành chức năng của địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để ứng phó với vấn nạn này như đặt bẫy, chó săn, đào bắt, bơm nước vào hang... để bắt chuột. Tuy nhiên, Kỹ Sư Hồ Xuân Hiếu (Chủ tịch HĐQT - Tổng công ty Thương mại Quảng Trị) lại đưa ra một giải pháp rất hay mà không cần phải diệt chuột.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, đến nay toàn tỉnh có hơn 2.400 ha lúa Đông Xuân ở các địa phương bị chuột phá hoại, trong đó có hơn 1.000 ha bị hại nặng, tỷ lệ gây hại phổ biến 20%, nơi cao 40-80%.

z4160589072350-c9674896d34bfdcc8fa5de1d7584ae43-1680862193.jpg
Lúa Đông Xuân ở Quảng Trị bị chuột phá hoại (Ảnh: Đoàn Thuận)

Các địa phương có diện tích lúa bị chuột phá hoại nặng là huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Cam Lộ và thành phố Đông Hà. Đến nay, các địa phương đã tiến hành gieo lại hơn 200 ha lúa và tỉa dặm những diện tích lúa bị chuột gây hại.

Chỉ tính riêng tại huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) diện tích lúa bị chuột gây hại gần 270 ha. Trong đó, gây hại nhẹ 231 ha, trung bình 30 ha và nặng 7 ha.

Để kịp thời phòng, trừ chuột cắn phá lúa vụ Đông Xuân và không để bệnh đạo ôn lây lan trên diện rộng, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Cam Lộ đã đề nghị các xã, thị trấn cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với các Hợp tác xã tăng cường công tác điều tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến của dịch hại khoanh vùng, khoanh trà để chỉ đạo phòng trừ đạt hiệu quả cao, nhất là tổ chức tuyên truyền, phát động Nhân dân tích cực tham gia diệt chuột trên diện rộng và liên tục, bằng nhiều biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Trước thực trạng trên, các địa phương sử dụng các biện pháp truyền thống để đối phó với vấn nạn trên như: đẩy mạnh diệt chuột bằng nhiều hình thức như bẫy, chó săn, đào bắt, bơm nước vào hang... Một số địa phương đã trích ngân sách thu mua đuôi chuột với giá 1.000-3.000 đồng/đuôi để khuyến khích người dân diệt chuột.

Tuy nhiên, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, Kỹ Sư Hồ Xuân Hiếu - Chủ tịch HĐQT - Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Quảng Trị), lại đưa ra một giải pháp rất hữu hiệu mà không cần phải diệt chuột. Đó là bón phân hữu cơ được làm từ phân gà và vi sinh vật bản địa do Sepon Quảng Trị sản xuất.

ky-su-ho-xuan-hieu-1680862285.jpg
Kỹ sư Hồ Xuân Hiếu trên ruộng lúa hữu cơ do Công ty ông triển khai 

Cũng theo ông Hiếu, nông dân có điều kiện thì mua phân gà của Sepon để bón, trường hợp không có điều kiện thì có thể lấy phân gà ủ với men Trico 45 ngày, trong thời gian đó có đảo trộn theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Sepon.

Lý giải cho giải pháp này, Kỹ sư Hiếu cho biết, vốn dĩ chuột rất thích ăn gà nhưng lại sợ phân gà. Từ nguyên tắc thú vị này mà việc bón phân gà kết hợp với vi sinh vật bản địa giúp ngăn chặn được chuột phá hoại đồng lúa.

can-bo-sepon-quang-tri-tien-hanh-cac-buoc-san-xuat-phan-bon-huu-co-tu-phan-ga-va-vi-sinh-vat-ban-dia-1680862370.jpg
Cán bộ kỹ thuật Công ty Sepon thực hiện công đoạn sản xuất phân bón hữu cơ từ phân gà và vi sinh vật bản địa

“Vụ này chúng tôi triển khai gieo trồng khoảng 210 ha, trong đó lúa hữu cơ 76 ha, còn lại là lúa an toàn và Vietgap. Hiện nay, lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh, trỗ bông và phát triển rất tốt. Cán bộ kỹ thuật của công ty đang phối hợp với nông dân để tiến hành phun trứng + sữa tươi cho cây lúa. Điều thú vị là ruộng lúa do chúng tôi triển khai được bón phân hữu cơ từ phân gà và vi sinh vật bản địa nên hầu như không bị chuột gây hại. Trong khi đó, các ruộng lúa khác bị chuột phá hoại rất nhiều”, Kỹ sư Hiếu chia sẻ.

z4245426333483-687d5013f5b6d9c6193fb65f0a0c5fb3-1680862476.jpg
Phân gà được Công ty Sepon sản xuất thành phân bón hữu cơ và nén dưới dạng viên, sau đó đóng bao
bon-phan-1680862660.jpg
Bón phân hữu cơ từ phân gà giúp ngăn chặn tối đa tác hại do chuột gây ra đối với cây lúa

Trước đó, vào tháng 11/2021, dưới sự hỗ trợ công nghệ của Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng thông tin Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị, Sepon Quảng Trị do Thạc sĩ, Kỹ sư Hồ Xuân Hiếu cùng với nhóm tác giả đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu, ứng dụng vi sinh vật bản địa xử lý Phân bò, phân gà và thành phần phân bón hữu cơ chuyên dùng cho cây lúa”./.

Đoàn Thuận