Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015) được coi là bản kế hoạch xanh nhất trong lịch sử các kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc, dành riêng một chương về phát triển kinh tế xanh. Kế hoạch đã xây dựng các mục tiêu kinh tế tới năm 2015, trong đó khoảng 1/3 mục tiêu là các vấn đề tài nguyên thiên nhiên, môi trường, phát triển bền vững, đồng thời đưa ra các hành động bao gồm đầu tư vào quản lý tài nguyên thiên nhiên, với mục tiêu tạo ra một triệu việc làm mới trong lâm nghiệp và giảm nghèo ở nông thôn.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020) đưa ra quan điểm phát triển “đổi mới, phối hợp, xanh, cởi mở và chia sẻ” để đảm bảo thịnh vượng trong mọi mặt của xã hội. Một trong những mục tiêu của kế hoạch là cải thiện chất lượng môi trường và hệ sinh thái, đồng thời đặt ra một số chỉ tiêu về nâng cao chất lượng không khí, tăng diện tích che phủ rừng, tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch…
Đây cũng là lần đầu tiên nội dung “tăng cường xây dựng văn minh sinh thái” được đưa vào kế hoạch 5 năm, nhấn mạnh tầm quan trọng của khái niệm tăng trưởng xanh và vai trò trong công cuộc phát triển bền vững (C. Tang, Q. Zheng, N. Qin, Y. Sun, S. Wang, và L. Feng, “Nghiên cứu về Phát triển Xanh trong lĩnh vực Du lịch).
Trong tháng 7/2020, Trung Quốc đã thành lập Quỹ Phát triển Xanh Quốc gia, một bước hoàn thiện hệ thống chính sách kinh tế về bảo vệ sinh thái và môi trường (Seetao, “Lễ Khai trương Quỹ Phát triển Xanh đầu tiên của Trung Quốc”, 2020). Đây là Quỹ đầu tư cấp quốc gia của Chính phủ, thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính và Bộ Sinh thái và Môi trường.
Là quốc gia có lượng phát thải cao nhất trên thế giới, hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực trong nước và quốc tế với yêu cầu giảm mức khí thải. Trong khi đó, quốc gia này cũng phải cố gắng duy trì mức tăng trưởng kinh tế hàng năm 7%, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá cả leo thang và nguy cơ bất ổn xã hội tăng cao.
Trung Quốc hiện đang áp dụng 3 chiến lược để tiến tới mục tiêu xanh. Thứ nhất là tái cơ cấu ngành công nghiệp bằng cách giảm tỉ trọng công nghiệp nặng và các ngành tạo ra nhiều khí CO2 khác đồng thời tăng tỉ trọng ngành dịch vụ. Thứ hai, thay thế các nguồn năng lượng carbon cao (như than đá) bằng các nguồn năng lượng sạch như thủy điện, năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Và cuối cùng là khuyến khích các cải tiến kĩ thuật để chuyển đổi sang các công nghệ hiệu quả về năng lượng.
Có thể nói, tuy các chính sách tăng trưởng xanh mới chỉ được triển khai tích cực trong những năm gần đây, Trung Quốc đã nhận thức được đầy đủ vị trí và tầm quan trọng của kinh tế xanh trong chiến lược phát triển quốc gia và có các cơ chế phối hợp hiệu quả để đưa ra các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu./.