Nước mua gạo lớn thứ 3 của Việt Nam mở thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo

Indonesia, thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam vừa thông báo mở thầu mua 300.000 tấn gạo 5% từ 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Campuchia với thời gian giao hàng đến cuối tháng 11/2023.
gao-1694489189.jpg
8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo sang Indonesia đạt 718.091 tấn, đạt giá trị 361,247 triệu USD.

Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa có văn bản chính thức thông báo sẽ mở thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo trắng loại 5% tấm từ nước xuất xứ Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Campuchia.

Giá gạo Việt Nam đang cao nhất trong các nước xuất khẩu gạo

Thời gian gần đây tình hình giá gạo trên thị trường quốc tế trở lại bình thường, giá gạo trắng đã giảm xuống khoảng 580 USD/tấn, nhưng với thông tin mua 300.000 tấn gạo của Bulog, nhiều khả năng thị trường gạo thế giới lại tăng nhiệt trở lại.

Song cũng có ý kiến, thầu 300.000 tấn gạo 5% tấm Bulog dự định mua của 4 nước trong đợt tháng 9 này sẽ không làm tăng giá, vì các nước đang vô thu hoạch lúa đồng loạt.

Được biết, trước những biến động khó lường về giá gạo trên thị trường trong thời gian qua, để tham gia gói thầu của Bulog, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sẽ giới thiệu doanh nghiệp thành viên có chân hàng trong kho tham gia đấu thầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngoài VFA cũng có thể tự tham gia nhưng chỉ những doanh nghiệp nào có vùng lúa nguyên liệu mới dám dự thầu.

Nhận xét về gói thầu 300.000 tấn gạo của Indonesia, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở miền Tây cho biết, hiện giá thành gạo 5% tấm của Việt Nam tại cảng đã trên 600 USD/tấn, và gạo 5% tấm Việt Nam đang cao hơn Thái Lan 10 USD/tấn. Muốn thắng thầu thì doanh nghiệp mình đâu thể chào giá cao hơn Thái Lan được, nên nếu có thắng thầu này vẫn khó có lãi. Qua đó cho thấy, giá gạo Việt Nam đứng cao nhất chưa chắc đã tốt, mà xuống thấp quá cũng chưa hẳn đã hay”, đại diện doanh nghiệp nhận định.

Theo góc nhìn của chuyên gia phân tích thị trường gạo xuất khẩu, khi thị trường đang lên thì không có khái niệm vùng nguyên liệu nữa, bởi vì khi đó ai mua giá cao nông dân bán cho họ, đặc biệt là những hợp đồng bán gạo xuất khẩu có thời gian giao xa.

Dẫn nguồn từ Oryza, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, ngày 11/9, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện ở mức 623 USD/tấn, gạo 5% tấm Thái Lan giá 613 USD/tấn, gạo 5% Pakistan giá 608 USD/tấn. VFA không dẫn giá gạo Campuchia, nhưng giá gạo xuất khẩu của nước này cũng rất cạnh tranh. Như vậy, trong 4 nước Indonesia gửi thư mời thầu thì giá gạo Việt Nam đang cao nhất.

Thống kê Từ Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 8/2023, Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia đạt 115.424 tấn, trị giá 61,851 triệu USD. Lũy kế, 8 tháng đầu năm 2023, đạt 718.091 tấn, đạt giá trị 361,247 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 25,58 lần về lượng và tăng 16,05 lần về kim ngạch, đưa Indonesia trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 03 của Việt Nam sau Philippines (1,345 triệu tấn gạo) và Trung Quốc (786,102 ngàn tấn gạo).

Đầu năm nay Indonesia có kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và ứng phó với hiện tượng El Nino. Tuy nhiên, gần đây “Xứ sở vạn đảo” đã điều chỉnh mục tiêu, tăng lượng gạo nhập khẩu lên khoảng 2,4 triệu tấn. Đến hết tháng 7/2023, Indonesia đã nhập khẩu được khoảng 1,4 triệu tấn gạo.

Indonesia tìm kiếm hợp tác nhập khẩu gạo trong bối cảnh lo ngại El Nino

Hãng Thông tấn Indonesia hôm 11/9 cho biết, Chính phủ Indonesia đang tìm cách hợp tác nhập khẩu gạo từ một số nước, như: Campuchia, Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc để bình ổn giá cả và đảm bảo cung cấp đủ gạo cho tiêu dùng trong nước.

Theo Tổng thống Joko Widodo (Jokowi), các cuộc đàm phán liên quan đến nhập khẩu gạo đã được tổ chức với Thủ tướng Campuchia Hun Manet, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin và Thủ tướng Trung Quốc Li Qiang.

Ông Jokowi cho biết khi đến thăm nhà kho Dramaga Bulog ở Bogor, Tây Java, hôm thứ Hai, “Những khoản nhập khẩu này là để đảm bảo rằng chúng tôi có chiến lược dự trữ hàng tồn kho nhằm ngăn chặn giá tăng vì sản lượng gạo chắc chắn sẽ giảm do hiện tượng El Nino”.

Mặc dù các cuộc thảo luận ban đầu đã bắt đầu, Jokowi cho biết chính phủ vẫn chưa hoàn tất bất kỳ hợp đồng nhập khẩu gạo nào với một số quốc gia vì họ vẫn phải đàm phán về giá cả.

“Giá cả vẫn là một vấn đề quan trọng trong các cuộc đàm phán để quyết định xem có nên ký kết thỏa thuận hay không”, ông Jokowi nói.

Trước đó, có thông tin cho biết, trong cuộc gặp song phương với Thủ tướng Campuchia Hun Manet bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại Jakarta vào tuần trước, ông Jokowi đã bày tỏ mong muốn của Indonesia trong việc nhập khẩu khoảng 250 nghìn tấn gạo mỗi năm từ Campuchia.

Việc nhập khẩu từ Campuchia sẽ tăng cường dự trữ gạo bổ sung từ một số quốc gia, tổng cộng ước tính đạt 400 nghìn tấn.

Theo ông Jokowi, số gạo này sẽ tăng cường dự trữ gạo tại kho Bulog của cơ quan hậu cần nhà nước, hiện đang dự trữ 1,6 triệu tấn. Tổng thống tuyên bố rằng số lượng đã cao hơn mức bình thường, đạt 1,2 triệu tấn.

Tuy nhiên, trước tác động của El Nino trong năm nay cũng như để đảm bảo nguồn cung gạo cho đến năm sau, Tổng thống Jokowi cho rằng nước này vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo từ một số nước.

“Chúng tôi đã có rất nhiều hàng tồn kho, nhưng chúng tôi vẫn đang tìm nơi có thể mua (gạo) không chỉ cho hiện tại mà còn để dự đoán (nhu cầu) trong năm tới”, Tổng thống Jokowi nói.

Trong những năm gần đây, Indonesia cố gắng tự chủ nguồn cung gạo, tuy nhiên từ cuối năm 2022 do khô hạn bất thường nên họ bắt buộc phải nhập khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Từ đầu tháng 9/2023, để đối phó với giá gạo tăng cao Chính phủ Indonesia quyết định chi khoản tiền hơn 500 triệu USD để thực hiện chương trình cấp phát gạo miễn phí cho người nghèo.

Nguyễn Huyền