Từ nay đến cuối năm, tỉnh Kiên Giang phấn đấu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2021, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trước mắt, tỉnh tập trung chăm sóc, bảo vệ an toàn, hiệu quả 90.610 ha lúa Thu Đông 2021 đã gieo trồng.
Đồng thời, tỉnh tổ chức sản xuất an toàn, hiệu quả lúa vụ Mùa 2021 - 2022 hơn 60.670 ha ở các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Giang Thành và vụ Đông Xuân 2021 - 2022 khoảng 285.000 ha.
Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân đưa tàu cá ra khơi khai thác đánh bắt, phấn đấu đạt kế hoạch năm với sản lượng 510.000 tấn; hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản, phấn đấu đạt kế hoạch năm 2021 với sản lượng hơn 298.890 tấn; trong đó, tôm nuôi 105.467 tấn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với ngành chức năng liên quan, các huyện, thành phố tăng cường ứng phó thiên tai, dự báo tình hình mưa lũ để chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Đơn vị chức năng cùng với các địa phương quản lý, vận hành hệ thống cống kiểm soát lũ, đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất.
Tỉnh hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp và nông dân đầu tư nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, cung cấp nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng cho chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp khuyến khích, hướng dẫn nông dân phát triển trồng rau màu theo hướng nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nhà màng, nhà lưới, chăn nuôi sinh học để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho thị trường cuối năm, nhất là vào các dịp lễ, tết.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp phải thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh, nhưng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang có mức tăng trưởng dương, phát triển ổn định, hiệu quả.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tổng diện tích gieo trồng lúa năm 2021 đến nay 715.214 ha, đạt 99,7% kế hoạch, với cơ cấu mùa vụ gồm vụ Mùa, Đông Xuân 2020 - 2021, Hè Thu 2021 và Thu Đông 2021, sản lượng thu hoạch hơn 4,47 triệu tấn, tăng 4,2% so với kế hoạch.
Trong số này, diện tích lúa chất lượng cao chiến trên 90% tổng diện tích gieo trồng. Một số giống lúa chủ lực được nông dân sử dụng với tỷ lệ cao và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu như OM18, OM5451, ĐS1, Đài thơm 8…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, thời tiết năm nay khá thuận lợi cho sản xuất lúa, nhưng cũng gặp không ít khó khăn do dịch bệnh COVID-19, xâm nhập mặn.
Các địa phương cùng với ngành chức năng đã chủ động ứng phó, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, quản lý và vận hành điều tiết nguồn nước hợp lý phục vụ trồng lúa. Sở xây dựng khung lịch thời vụ sản xuất lúa cho từng vụ mùa và khuyến cáo nông dân tuân thủ đúng lịch thời vụ, sử dụng giống lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để gieo trồng.
Các địa phương khuyến cáo, hướng dẫn nông dân gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng, nhằm hạn chế sự bùng phát lây lan gây hại của dịch bệnh, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá và ứng phó với hạn mặn. Ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, cơ giới hóa trong bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, phòng trừ dịch hại tổng hợp… Toàn tỉnh đã xây dựng hơn 780 cánh đồng lớn liên kết sản xuất, với diện tích gần 75.000 ha.
Cùng với niềm vui trúng mùa, nông dân Kiên Giang càng phấn khởi hơn khi trong từng mùa vụ, lúa thu hoạch đến đâu thương lái tiêu thụ hết đến đó, với giá khá cao so với những năm trước. Lúa thường (tươi) giá bán tại ruộng dao động ở mức từ 4.500 - 6.800 đồng/kg, lúa chất lượng cao (tươi) từ 5.600 - 7.800 đồng/kg, nông dân lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí sản xuất, giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Nông dân Danh Thơ, ấp Thạnh Hòa 3, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao chia sẻ, sản xuất nông nghiệp năm nay, bà con nông dân trong ấp trúng mùa 2 vụ liên tiếp là Đông Xuân và Hè Thu, năng suất bình quân 1 tấn/công (1.000 m²), giá lúa mọi năm trên dưới 5.000 đồng/kg thì năm nay từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, lợi nhuận 1 ha từ 30 triệu đồng trở lên.
Tiếp đến, lĩnh vực kinh tế chủ lực thứ hai sau cây lúa ở tỉnh Kiên Giang là khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, với giá trị sản xuất 9 tháng đầu năm nay trên 25.460 tỷ đồng, đạt 76,8% kế hoạch, tăng gần 2,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng sản lượng thủy sản hơn 638.000 tấn, đạt gần 80% kế hoạch, gồm sản lượng khai thác đánh bắt 420.595 tấn và nuôi trồng 217.430 tấn; trong đó, tôm nuôi 81.540 tấn.
Nếu như nuôi trồng thủy sản 9 tháng năm nay của tỉnh Kiên Giang khá thuận lợi, hiệu quả, dịch bệnh gây hại không đáng kể thì khai thác đánh bắt trên biển gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể là nguồn lợi thủy sản trên ngư trường suy kiệt nghiêm trọng, mật độ phương tiện khai thác dày, giá nhiên liệu, ngư lưới cụ và sản phẩm khai thác không ổn định, bất lợi cho ngư dân, khai thác đánh bắt kém hiệu quả, nhiều tàu cá ngừng hoạt động./.