Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Nguyễn Văn Hoàng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389/KG cho biết, trước bối cảnh đó, tỉnh đã tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng theo địa bàn gồm Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quân, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường, Hải quan và Ban Chỉ đạo 389 địa phương trong phát hiện, bắt giữ, xử lý các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Ngoài ra, duy trì và trực chiến 24/24 tại các chốt, trạm cố định khu vực biên giới Hà Tiên, Giang Thành và các tổ tuần tra cơ động trên biển vừa phòng, chống dịch COVID-19, xuất nhập cảnh trái phép, vừa đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại với nhiều hình thức như vận động thương nhân ký cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả; vận động nhân dân, nhất là người dân vùng biên không tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, tích cực tố giác hành vi vi phạm pháp luật này.
Ban Chỉ đạo 389/KG cho hay, trong tháng 2/2022, các lực lượng chức năng đã phát hiện 55 vụ vi phạm, giảm 14 vụ so với tháng 1; trong đó, có 24 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu và 31 vụ gian lận thương mại; thu nộp ngân sách nhà nước 2,77 tỷ đồng, khởi tố hình sự 4 vụ, 5 đối tượng.
Theo đó, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu từng lúc, từng nơi còn diễn biến khá phức tạp trên địa bàn tỉnh, chủ yếu trên tuyến biên giới Hà Tiên - Giang Thành, trên vùng biển và bắc đảo Phú Quốc, tập trung các mặt hàng như: thuốc lá điếu, xăng dầu, đường cát, mỹ phẩm…
Thủ đoạn của đối tượng với những hành vi không mới nhưng tinh vi hơn như thuê người giám sát hoạt động của lực lượng chức năng, cho người canh đường cảnh giới chặt chẽ trong lúc vận chuyển hàng lậu, chia nhỏ hàng hóa để mang vác, tẩu thoát dễ dàng khi bị bao vây, truy đuổi, sử dụng hệ thống thông tin liên lạc nhanh, hiện đại.
Mặt khác, hàng lậu tập kết khu vực biên giới, sau đó các đối tượng buôn lậu thuê người sử dụng các phương tiện xe máy, ô tô, ghe, xuồng chạy với tốc độ cao vận chuyển vào nội địa tiêu thụ…
Các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm thường vắng chủ nên khó bắt giữ được các đối tượng chủ mưu, cầm đầu do những đối tượng này chỉ điều khiển từ xa hoặc trốn tránh, lợi dụng tình hình không có việc làm của một bộ phận cư dân biên giới để lôi kéo, mua chuộc, thuê mướn người dân tham gia vào hoạt động vận chuyển trái phép hàng lậu qua biên giới… Ngoài ra, khu vực biên giới rộng, dài và có khá nhiều đường mòn, lối mở nên các đối tượng dễ lợi dụng để buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua lại biên giới trái phép./.