Gia Lai siết chặt chống buôn lậu tuyến biên giới và nội địa

Để đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân, việc chống buôn lậu, gian lận thương mại được lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai tăng cường triển khai cả trên tuyến biên giới và thị trường nội địa. Theo đó, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã kiểm soát chặt chẽ tại các khu vực biên giới đất liền, đặc biệt là khu vực cửa khẩu nơi diễn ra các hoạt động xuất nhập khẩu hàng quá, người và phương tiện quá cảnh.
7a-1634555076.jpg
Gia Lai siết chặt chống buôn lậu tuyến biên giới và nội địa

Lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan và ngành chức năng địa phương luôn túc trực kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nên tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu, đường mòn, lối mở được ngăn chặn, không phát sinh điểm nóng.
Đối với thị trường nội địa, các đơn vị chức năng tỉnh Gia Lai đã lên các phương án siết chặt quản lý biên giới, cửa khẩu nên hàng lậu, hàng cấm, hàng giả đưa vào nội địa tỉnh Gia Lai có xu hướng giảm so với cùng kỳ.
Ngược lại, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng, nhất là trang thiết bị y tế và hàng hóa liên quan tới chống dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử, các đối tượng lợi dụng việc giao nhận hàng qua đường bưu chính, các công ty chuyển phát để tàng trữ và kinh doanh hàng giả nhãn mác, giả xuất xứ, hàng kém chất lượng để lừa bán cho người tiêu dùng.
Ông Hồ Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Gia Lai (Ban chỉ đạo 389) cho biết, Ban chỉ đạo đã đề nghị các sở, ngành, đơn vị chú trọng áp dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc liên quan đến các vụ việc gian lận thương mại.
Quan điểm của Ban chỉ đạo là tập trung tuyên truyền, nâng cao được nhận thức của người dân, nhất là cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhằm bảo vệ người sản xuất trong nước, quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng và bảo vệ thương hiệu.
Ban chỉ đạo 389 tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát mật phục tại địa bàn trọng điểm như khu vực thôn cửa khẩu, tại các trạm, đường mòn, lối mở tiếp giáp với nước Campuchia; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đối tượng lợi dụng đi làm nương, rẫy vượt biên để gùi, vác hàng lậu hoặc các phương tiện và người từ nội địa vào khu vực biên để kịp thời phát hiện, ngăn chặn xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh trái phép.
Cùng với đó, tỉnh Gia Lai sẽ mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022 để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các đường dây, ổ nhóm vận chuyển hàng lậu, hoạt động gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả trên địa bàn.

Ban chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Gia Lai (Ban chỉ đạo 389) cho biết, tính đến hết tháng 9, Ban chỉ đạo 389 đã phát hiện, bắt giữ 22.128 vụ việc với gần 2.000 đối tượng vi phạm bị xử lý; trong đó, đã khởi tố 62 vụ/64 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính, khởi tố hình sự hơn 2.000 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 38 tỷ đồng.

Xuất phát từ thực tế, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, lây nhiễm qua đường tiếp xúc nên môi trường kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính được người dân lựa chọn.

Do đó, một số nhóm đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh này để thực hiện hành vi gian lận thương mại, mua bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ làm ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng, uy tín của nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính, gây khó khăn cho vấn đề quản lý nhà nước. Các mặt hàng thường xảy ra gian lận thương mại, hàng lậu trên địa bàn tỉnh Gia Lai là pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, gỗ, đồ chơi trẻ em, phân bón, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, khoáng sản.