Nâng cao thu nhập từ vùng na
Cây na dai được xã Lực Hành, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) lựa chọn là cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trên những diện tích đất núi đá, cây na phát triển xanh tốt, sai quả, vị ngon ngọt thanh mát. Những năm gần đây, người dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật, phát huy sáng tạo trong sản xuất, thu nhập của bà con vì thế cũng đã cải thiện và nâng cao.
Đang tất bật thu hái na để gửi cho khách, chị Phạm Thị Phương, thôn Minh Khai, xã Lực Hành (Yên Sơn) chia sẻ, gia đình chị có 1,5 ha na, nhờ học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên cây na cho năng suất cao, được khách hàng gần xa đánh giá cao cả về chất lượng và mẫu mã. Ngoài vụ na chính thu hoạch từ cuối tháng 7 đến tháng 8 âm lịch, gia đình chị còn xử lý cắt tỉa, thụ phấn để cho ra vụ na thứ 2 thu hoạch tháng 11. Mỗi năm gia đình chị Phương thu hoạch được gần 10 tấn quả, sau khi trừ chi phí cho thu lãi trên 200 triệu đồng từ trồng na.
Ông Nguyễn Doanh Quế, thôn Minh Khai, xã Lực Hành khẳng định, gia đình ông năm nay thu khoảng 130 triệu đồng tiền bán quả na. Nhờ thu nhập từ trồng na nên đời sống của gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong thôn khá lên trông thấy. Ở thôn, giờ người ta không ai nói chuyện xóa nghèo, mà nói chuyện làm giàu.
Người dân Tuyên Quang đã gắn bó với cây na dai từ nhiều đời nay. Đối với họ, mùa na không chỉ là thời điểm thu hoạch mà còn là lúc họ thể hiện sự cần cù, khéo léo, và tình yêu với nghề trồng trọt. Nhiều gia đình trong tỉnh đã chuyển hướng sang trồng na dai như một nguồn thu nhập chính, giúp cải thiện đời sống. Họ chăm sóc từng cây na, từ khâu chọn giống, chăm bón cho đến việc xử lý sâu bệnh để mang lại những trái na sạch, chất lượng.
Chị Nguyễn Thị Lan, một người trồng na lâu năm ở huyện Yên Sơn, chia sẻ: “Mỗi năm, gia đình tôi đều mong chờ mùa na. Không chỉ thu nhập ổn định mà còn là niềm vui khi thấy vườn nhà mình trĩu quả. Na dai Tuyên Quang đang trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến.”
Thời điểm này đi đâu trong xã cũng thấy những vườn na xanh mướt, trĩu quả, đầy sức sống. Năm 2023, na dai Lực Hành trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của xã, sản phẩm phục vụ cho thị trường Rằm tháng Bảy và Tết Trung thu hằng năm. Nhờ tính hiệu quả của cây na, năm qua toàn xã đã trồng mới thêm được 14 ha na, nâng tổng diện tích cây na ở xã Lực Hành lên 123 ha, tập trung nhiều ở các thôn Minh Khai, Bến, Làng Trà...
Ông Trần Huy Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Lực Hành (Yên Sơn) khẳng định, qua nhiều năm thâm canh sản xuất cho thấy, cây na dai rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, nhất là những diện tích vạt đồi, chân núi có độ dốc vừa phải. Trồng na tuy kỹ thuật không phức tạp nhưng tốn nhiều công chăm sóc. Khi nụ hoa nở hé phải tiến hành thụ phấn thủ công để tăng tỷ lệ đậu quả, đồng thời giúp quả to, tròn, đều, đẹp. Đặc biệt, cây na thu hoạch nhiều năm mà vẫn cho năng suất cao, thậm chí có những cây thu quả đến 17 - 20 năm mà vẫn chưa phải trồng lại.
Thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế
Khi bước chân vào những vườn na dai Tuyên Quang vào mùa thu hoạch, du khách sẽ bị cuốn hút bởi khung cảnh thơ mộng của những cây na trĩu quả. Những quả na với màu xanh vàng óng ánh được treo lủng lẳng trên cành, tạo nên bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống. Người nông dân vùng quê vui mừng ra vào, thu hoạch những trái na chín mọng để mang đi tiêu thụ. Không khí nơi đây trở nên nhộn nhịp, vui tươi khi tiếng cười nói, tiếng xe tải chở na vang vọng khắp các triền đồi.
Mùa na dai không chỉ thúc đẩy hoạt động nông nghiệp mà còn góp phần phát triển du lịch cho tỉnh Tuyên Quang. Năm nay, nhiều tour du lịch trải nghiệm hái na đã được tổ chức, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu về quy trình trồng và thu hoạch na. Du khách không chỉ được thưởng thức món na dai ngay tại vườn mà còn được trải nghiệm cuộc sống của người nông dân, tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình khám phá vùng đất này.
Cùng với sự phát triển du lịch, chính quyền địa phương cũng chú trọng trong việc quảng bá sản phẩm na dai Tuyên Quang ra thị trường. Các hội chợ, triển lãm đã được tổ chức để tăng cường nhận diện thương hiệu và kết nối các doanh nghiệp, nhà tiêu thụ.
Mùa na dai ở Tuyên Quang không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn tạo cơ hội giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng và du khách bốn phương. Mỗi quả na, từ những mảnh đất màu mỡ của Tuyên Quang, đều mang trên mình câu chuyện về sự cần cù lao động, tình yêu thiên nhiên và giá trị văn hóa của người dân bản địa. Hy vọng rằng, với những nỗ lực hiện tại, mùa na dai sẽ tiếp tục phát triển và trở thành niềm tự hào chỉ của người dân Tuyên Quang./.