Nâng chất nông sản, tỉnh Tuyên Quang đã mở toang cánh cửa xuất khẩu

Là địa phương có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng những nông sản chủ lực. Nông dân được hỗ trợ kiến thức để sản xuất theo tiêu chuẩn, nhiều trái cây có giá trị được cấp mã số vùng trồng. Nhờ đó nông sản ở tỉnh miền núi này luôn rộng đường xuất khẩu.

Tuyên Quang là một tỉnh thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc, nằm giữa Đông Bắc và Tây Bắc có đất sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm khoảng 90% diện tích với điều kiện địa lý, khí hậu thuận lợi để phát triển kinh tế ngành nông nghiệp.

Tính đến nay, tỉnh Tuyên Quang có gần 3.400ha cây trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, Global GAP; 8 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận lại và cấp mới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAHP, quy mô từ 2.000 - 40.000 con/cơ sở; 5 cơ sở thủy sản với quy mô 338 lồng được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; 5 cơ sở chế biến sản phẩm nông sản áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn như Halal, ISO 22000:2018...

nong-san-tuyen-quang-02-1704339829.jpg
Sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX Nông nghiệp Ánh Dương (Chiêm Hóa) đã được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGap.

Thay đổi tư duy sản xuất từ mã số vùng trồng

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) gắn với xây dựng mã số vùng trồng, trong năm 2023, Chi cục phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức 2 lớp tập huấn về thiết lập và quản lý mã số vùng trồng trên cây lạc cho 159 nông dân của HTX nông - lâm nghiệp Minh Quang và HTX nông lâm nghiệp Phúc Sơn (huyện Lâm Bình). Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 2 mã số vùng trồng lạc với tổng diện tích 20ha, (quy mô 10ha/vùng trồng) cho 2 HTX đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Để mở rộng diện cây trồng được cấp mã số vùng trồng nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu, ngành NN-PTNT và các địa phương tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác xã duy trì các điều kiện theo quy định đối với 5 vùng trồng và 2 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu; thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ đối với các 3 vùng trồng, 2 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số năm 2022.

nong-san-tuyen-quang-04-1704339880.jpg
Toàn huyện Na Hang có 110ha chè shan tuyết sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Xây dựng mã số vùng trồng với các xã về đích nông thôn mới nâng cao, trong năm 2023, ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức 4 lớp tập huấn, hướng dẫn các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp về công tác thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trên địa bàn các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa và TP Tuyên Quang với 130 người tham dự.

Trong đó, vùng trồng chè shan tuyết với diện tích 12ha của HTX Sơn Trà (xã Hồng Thái, huyện Na Hang) được cấp mã số vùng tròng và đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường EU. 01 mã số vùng trồng nhãn cũng đã được cấp cho Tổ hợp tác trồng nhãn chất lượng cao xã An Khang (TP Tuyên Quang) với diện tích 1,57ha; vùng trồng hồng với diện tích 11,3ha của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tràng Đà (TP Tuyên Quang) hiện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp mã số.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Việc xây dựng, thiết lập mã số vùng trồng chính là cơ sở quan trọng để nông sản của tỉnh Tuyên Quang có cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khó tính trên thế giới.

nong-san-tuyen-quang-03-1704339794.jpg
Cam sành Hàm Yên không chỉ làm một đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao mà còn tạo sức hút khách du lịch.

Xác định rõ điều kiện quan trọng để được cấp mã số vùng trồng là phải có những vùng sản xuất theo GAP, trong năm 2023, các huyện, thành phố đã hướng dẫn 39 doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX, hộ gia đình đăng ký áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với tổng diện tích hơn 387ha. Trong số này, diện tích cam 200ha, hơn 330ha chè, hơn 3ha bưởi và rau hơn 6ha…

Nông sản xứ Tuyên rộng đường xuất khẩu

Sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý... đã giúp nhiều sản phẩm nông, đặc sản của Tuyên Quang khẳng định tên tuổi, nâng cao giá trị, mở rộng được thị trường tiêu thụ... Trong đó tiêu biểu như quả bưởi Soi Hà (xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn).

Tháng 9/2021, Cục Sở hữu trí tuệ đã có quyết định về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho bưởi Soi Hà. UBND Yên Sơn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng với cây bưởi Soi Hà - giống bưởi ngon số một ở Tuyên Quang. Được công nhận chỉ dẫn địa lý, thương hiệu bưởi Soi Hà tăng cao, nông dân cũng được hưởng lợi.

nong-san-tuyen-quang-01-1704339924.jpg
Bưởi Soi Hà (xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn) là một trong 4 sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý của tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Trịnh Văn Lực ở thôn Đô Thượng 4, xã Xuân Vân (huyện Yên Sơn) cho biết, trước đây khi chưa có chỉ dẫn địa lý, bưởi Soi Hà thường bị “làm nhái” bằng các giống bưởi chất lượng kém trong và ngoài tỉnh. Có chỉ dẫn địa lý, có nhãn hiệu, nguồn gốc được truy xuất rõ ràng giúp bưởi Soi Hà khẳng định được tên tuổi, giá trị tăng cao hơn.

Theo ông Lực, bưởi Soi Hà quê ông ngoài cung ứng ở các chợ truyền thống cũng đã vào được các siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch ở nhiều thành phố lớn nên giá bán ổn định hơn.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay nông dân ở các địa phương của tỉnh Tuyên Quang đã có ý thức làm nông nghiệp tốt, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, nhiều nông sản đã dễ dàng đạt các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội và TP.HCM đã đón nhận nông sản xứ Tuyên với những đơn hàng lớn.

Đặc biệt, sản phẩm chè khô của Tuyên Quang đã xuất khẩu vào các thị trường lớn như Nga, Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Pakistan, Đài Loan và một số nước châu Âu...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào những sản phẩm chủ lực, đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi liên kết gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 11.348 tỷ đồng, tăng bình quân hơn 4%/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 1 ha canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản gấp 1,3 lần so với năm 2020; số xã đạt chuẩn nông thôn mới là hơn 68%, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 44 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2-2,5%/năm.

Để tiếp tục đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, giai đoạn tới, Sở NN-PTNT Tuyên Quang sẽ tập trung tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu và triển khai mở rộng các cơ sở chế biến; tập trung phát triển các loại sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có nguồn nguyên liệu dồi dào như chè, lạc, chuối, đường kính; đổi mới công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến phù hợp; tăng cường chế biến sâu để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm…/.

Trọng Bình