Không chỉ tạo ưu thế xuất khẩu, trái dừa đang đem lại lợi ích kép nhờ giá tăng cao

Thời điểm này, giá dừa tươi đang tăng cao kỷ lục trong vòng một năm qua khiến nông dân phấn khởi. Cây dừa đã được công nhận là cây công nghiệp mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu và góp phần vào việc chống biến đổi khí hậu.
vung-dua-loi-ich-kep-02-1711528919.jpg
Bến Tre và Tiền Giang là 2 địa phương có tổng diện tích cây dừa lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với hơn 120.000 ha.(Ảnh minh họa)

Giá dừa tươi tăng cao nhất trong vòng một năm qua

Sau một thời gian dài rớt giá thê thảm, những ngày gần đây, trái dừa xiêm (dừa tươi lấy nước) tại tỉnh Bến Tre và Tiền Giang tăng giá ở mức cao. Ở thời điểm này, nhà vườn tự thu hoạch bán dừa xiêm cho thương lái với giá từ 70.000 – 80.000 đồng/chục (12 quả); riêng thương lái thuê người thu hoạch thì giá khoảng 60.000 đồng/chục, tăng hơn tháng trước gần 20.000 đồng/chục. Đây là mức giá cao nhất trong khoảng một năm qua, với mức giá này, nhà vườn có lãi trên 30.000 đồng/chục.

Theo các doanh nghiệp thu mua dừa tại tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, vào cao điểm nắng nóng nhu cầu dùng nước dừa giải khát tăng cao; trong khi đó, dừa năng suất thấp hơn mùa mưa nên dẫn đến trái dừa tăng giá.

vung-dua-loi-ich-kep-01-1711528949.jpg
Những ngày gần đây, trái dừa xiêm (dừa tươi lấy nước) tại tỉnh Bến Tre và Tiền Giang tăng cao nhất trong vòng 1 năm qua. (Ảnh minh họa)

Bến Tre và Tiền Giang là 2 địa phương có tổng diện tích cây dừa lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với hơn 120.000 ha; trong đó có hơn 30% vườn dừa xiêm. Dừa là loại cây ăn quả có khả năng thích ứng với hạn mặn cao.

Hiện nay, nhà vườn 2 địa phương này đang tích cực chăm sóc vườn dừa, bơm tưới nước ngọt để cây cho trái say, có nguồn thu nhập khá. Bà Lê Thị Lộc canh tác 8.000 m2 vườn dừa xiêm tại xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết, mỗi tháng đều có thu hoạch vườn dừa, thu nhập ổn định.

“Dừa trái nhiều lắm, có 8 công thu hoạch được 4.500 trái, bán được hơn 20 triệu đồng. Nói thẳng ra bán giá 30.000 đồng/chục cũng không lỗ, trồng có 18 tháng ra trái, trái say lắm. Mà điều quan trọng là phải tưới nước, tưới ngập luôn một tuần tưới 2 lần, mấy tháng mưa thì khỏi tưới. Hiện nay, ngoài kênh còn nước, tưới được quanh năm, ít phân lắm”, bà Lê Thị Lộc nói.

Theo ông Mai Văn Bình (ngụ ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), vùng đất ở Bến Tre rất thích hợp trồng cây dừa, loại cây này rất được người dân ưa chuộng. Sau Tết Giáp Thìn 2024, giá dừa cũng cao đã làm cho người trồng loại cây này phấn khởi.

Triển vọng từ vùng dừa nguyên liệu

Trước đây cây dừa không được công nhận là cây công nghiệp, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang có đề án để phát triển các loại cây công nghiệp, trong đó có cây dừa Bến Tre và các tỉnh khác. Căn cứ đề án trên, Bến Tre sẽ xây dựng đề án phát triển cây dừa Bến Tre theo hướng cây công nghiệp. Hiện nay, Tỉnh uỷ Bến Tre đã ban hành Nghị quyết 07 phát triển vùng sản xuất tập trung, trong đó có các chuỗi về cây ăn trái đặc sản của địa phương.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre, diện tích trồng cây dừa trên địa bàn tỉnh này hiện nay khoảng 79.075ha, tăng 1,35% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch trong tháng 1 khoảng 57,98 triệu trái, tăng 3,82% so cùng kỳ.

Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, dừa là loài cây đa dụng, đa giá trị. Mọi bộ phận của cây dừa từ quả, thân, lá đều có thể sử dụng được. Ngoài uống nước, ăn cơm dừa trực tiếp, từ trái dừa còn có thể chế biến ra rất nhiều sản phẩm khác như dầu dừa, sữa dừa, mỹ phẩm, chất tẩy rửa. Trong khi đó, lá, thân cây và vỏ quả dừa là nguyên liệu để sản xuất đồ chơi cho trẻ em, phụ kiện thời trang, đồ trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng và rất nhiều sản phẩm khác thiết thực cho cuộc sống con người.

vung-dua-loi-ich-kep-03-1711528902.jpg
Bên cạnh giá trị kinh tế trực tiếp, cây dừa còn đóng góp lớn vào việc chống biến đổi khí hậu khi 1 ha dừa mỗi năm có thể lọc được 70 - 75 tấn CO2. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh giá trị kinh tế trực tiếp, cây dừa còn đóng góp lớn vào việc chống biến đổi khí hậu khi 1 ha dừa mỗi năm có thể lọc được 70 - 75 tấn CO2. Trong bối cảnh Việt Nam cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net zero) vào năm 2050 và châu Âu áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) thì giá trị kinh tế của cây dừa sẽ tiếp tục được nâng lên thông qua việc bán tín chỉ carbon.

Thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Dừa Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 200.000 ha trồng dừa; trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 88% diện tích dừa cả nước; các tỉnh có diện tích trồng dừa lớn lần lượt là Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang…

Ngoài diện tích hiện có, nhiều địa phương vẫn còn quỹ đất, nhất là những vùng bị xâm nhập mặn có thể mở rộng diện tích trồng dừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu./.

Bình Nguyên