Xúc tiến đầu tư nâng cao chuỗi giá trị cây dừa

UBND tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022-2025, nhằm giúp các hộ trồng dừa tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.

Mục tiêu của chiến lược là phát triển khoảng 550 ha dừa sáp đặc sản, tập trung trên địa bàn các huyện: Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần và Châu Thành; mở rộng diện tích trồng và cải tạo vườn dừa bị lão hóa khoảng 3.000 ha với những giống có năng suất, chất lượng cao như: dừa dâu xanh, dừa dâu vàng, dừa xiêm xanh tại các vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chiến lược phát triển sản xuất và chế biến của các doanh nghiệp.

Theo đó, từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp và các nguồn huy động, tài trợ, giai đoạn 2022-2025, tỉnh tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp, gồm: thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo liên kết để phát triển bền vững chuỗi sản phẩm dừa; Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dừa; phát triển vùng nguyên liệu dừa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ gắn với nhà máy chế biến của các doanh nghiệp và thị trường mục tiêu.

284846262-613591042943177-9101682754298418234-n-1654768980.jpg
Tỉnh Trà Vinh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chuỗi giá trị từ cây dừa

Trà Vinh là một trong những tỉnh có diện tích trồng dừa lớn tại ĐBSCL, chỉ sau Bến Tre. Tổng diện tích dừa ở Trà Vinh đến cuối năm 2021 là gần 25.000 ha với khoảng 7 triệu cây, năng suất bình quân 16,6 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 356.000 tấn/năm - tương đương 296 triệu trái. Tuy nhiên, việc chế biến sâu và đa dạng các sản phẩm có giá trị gia tăng còn ít, chủ yếu bán nguyên liệu cho các DN ngoài tỉnh.

Theo kế hoạch, tỉnh tập trung tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển liên kết giữa các doanh nghiệp với các hộ trồng dừa trong tỉnh nhằm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các thị trường xuất khẩu; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh.

Khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ chế biến sâu, tạo các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có thị trường tiêu thụ tốt (cả trong nước và xuất khẩu) xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh và phát triển liên kết với người sản xuất, các cơ sở, hợp tác xã thực hiện thu gom và sơ chế trên địa bàn tỉnh.

Thiết lập các liên kết giữa doanh nghiệp đầu chuỗi với người dân theo 02 dạng chính: liên kết phát triển vùng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ) và tiêu thụ sản phẩm theo hướng khép kín và lâu dài; doanh nghiệp đầu chuỗi liên kết tiêu thụ nguyên liệu hoặc sản phẩm sơ chế, không trực tiếp tham gia phát triển và quản lý vùng nguyên liệu.

dua1-1654769015.jpg
Tỉnh Trà Vinh tăng cường thiết lập các liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân, khuyến khích đầu tư chế biến sâu

Tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, thành lập các HTX kiểu mới, kết nối đào tạo nghề, cung cấp nguồn lao động tại chỗ, mặt bằng để tập kết và sơ chế nguyên liệu dừa trái để sản xuất và phát triển các dịch vụ. Các doanh nghiệp sẽ được khuyến khích hỗ trợ nguồn vốn ban đầu cho các HTX để xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị sơ chế và xe vận chuyển, cũng như đào tạo các kỹ năng cần thiết cho lao động của các HTX. 

Tỉnh cũng nghiên cứu, thực hiện các biện pháp quản lý sâu, bệnh tổng hợp trên cây dừa bằng phương pháp sinh học, như: nhân nuôi và phóng thích loài ong ký sinh trên nhộng bọ cánh cứng hại dừa; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong sản xuất dừa theo tiêu chuẩn;

Tổ chức tuyên truyền, tập huấn quy trình kỹ thuật canh tác, thâm canh, chăm sóc dừa, nhất là sử dụng đồng bộ giống chuẩn, thu hoạch đúng thời điểm để đảm bảo chất lượng nước và cơm dừa, sử dụng phân vi sinh thay thế phân bón hóa học, phòng trừ sâu, bệnh theo phương pháp sinh học.

Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác trồng mới hoặc cải tạo vườn dừa hiện có; đăng ký, quản lý vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ người trồng theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025.

Tỉnh Trà Vinh hiện có gần 90.000 hộ trồng dừa, với hơn 7 triệu cây trên tổng diện tích gần 25.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành. Diện tích trồng dừa của Trà Vinh đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre, với sản lượng đạt khoảng 300 triệu quả/năm.

Ngoài ra, địa phương này đã xây dựng 13 vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đã được 4 doanh nghiệp xây dựng, với tổng diện tích 4.012 ha đạt tiêu chuẩn EU và USDA; trong đó, 260 ha đạt 6 tiêu chuẩn châu Âu - EU, Mỹ - USDA, Nhật – JAS, Australia – ACO, Thụy Điển – KRAV và GlobalGAP.

Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2025 có có khoảng 8.000 ha dừa được trồng theo hướng hữu cơ, trong đó, 6.000 ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế; có tối thiểu 10 doanh nghiệp liên kết với các hộ sản xuất dừa xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm dừa có giá trị gia tăng cao.