Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo khẳng định vị thế doanh nhân

Bộ Chính trị mới đây ban hành Nghị quyết 41 về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh về yêu cầu khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các ngành, các cấp.
khoi-nghiep-sang-tao-04-1703986767.jpg
Nghị quyết 41 là điểm tựa để doanh nghiệp trong nước phát triển trong thời kỳ mới.

Tạo điểm tựa cho doanh nghiệp trong thời kỳ mới

Ngày 10/10/2023 vừa qua, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới, thay cho Nghị quyết 09 được ban hành cách đây 12 năm.

Nghị quyết 41 là điểm tựa để doanh nghiệp (DN) nội địa phát triển trong thời kỳ mới, xứng tầm hơn khi Việt Nam vươn mình hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển. Để thực hiện mục tiêu, các cơ quan, ban, ngành và DN còn rất nhiều việc phải làm và VCCI sẽ nỗ lực hết sức để đóng góp cho quá trình này.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian tới để đạt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, cần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động.

Nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo và định hướng của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và đào tạo và lãnh đạo của các tỉnh, thành phố và địa phương; sự tích cực của cộng đồng khởi nghiệp, hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo, cả trong khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp và cả từ các tổ chức quốc tế theo nhiều mô hình đa dạng, phong phú.

khoi-nghiep-sang-tao-01-1703986836.jpg
Nông nghiệp là lĩnh vực thu hút được sự tham gia khởi nghiệp của những doanh nhân trẻ.

Khoảng 20 địa phương đã và đang hình thành các trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo, gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp trên cả nước đã và đang hoạt động. Nhiều trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của quốc tế có hoạt động hoặc phối hợp để vận hành các không gian đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Nhờ đó, Việt Nam xếp thứ 58 trên bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) chia sẻ: Đội ngũ doanh nhân rất phấn khởi khi Nghị quyết mới tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân và đề cao hơn, đó là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Là doanh nhân đang sở hữu tập đoàn đa ngành, có quy mô lớn của đất nước, tôi xin cam kết tiếp tục nghiên cứu và phát huy tinh thần của Nghị quyết vào đời sống doanh nhân của mình và vai trò, vị trí DN mà mình đang phụ trách lãnh đạo, điều hành để phát triển bền vững cũng như thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể mà Nghị quyết đề ra, cố gắng giữ được vai trò dẫn dắt một số lĩnh vực trọng yếu, hướng đến vị thế quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, dựa trên mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Nếu so sánh, Nghị quyết 41 có những mục tiêu kế thừa từ Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Nghị quyết 41 xây dựng trên cơ sở căn cứ khảo sát tình hình DN hiện tại và các điều kiện, tình hình thay đổi, từ đó có các điểm mới đáng chú ý.

Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm "Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh". Như vậy, DN không chỉ lo làm ăn bình thường mà được xác định có vai trò ảnh hưởng lớn hơn là bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nghị quyết 41 xác định rõ yêu cầu quan trọng là "tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để DN phát triển và cống hiến là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".

khoi-nghiep-sang-tao-03-1703986903.jpg
Khởi nghiệp sáng tạo nhằm gia tăng giá trị sản xuất tạo sức bật cho nền kinh tế.

Điểm mới đáng chú ý mà các DN hết sức ủng hộ là "bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế... bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng...". Như vậy, xu hướng thời gian tới DN sẽ không còn phải lo ngại "hình sự hóa các quan hệ kinh tế". Chủ tịch VCCI phân tích: Đây cũng là xu hướng khá phổ biến, ở nhiều nước phát triển khi DN vi phạm có chế tài về kinh tế, có khi khá nặng lên tới hàng tỷ USD nhưng hãn hữu mới xử lý hình sự, tránh gây ra những cú sốc lớn, có thể làm "sập" cả một thương hiệu, DN lớn, gây ra hệ lụy xã hội.

Theo ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nước ta vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hình thành và phát triển.

Ông Nghĩa cho biết: "Ngoài các hành lang pháp lý và các chính sách hỗ trợ, Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo của Việt Nam cần có các Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực, đặc biệt là các thành quả trong nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ vào cuộc sống, từ địa phương, trung ương, từ khu vực doanh nghiệp và cả từ các tổ chức quốc tế".

Để góp phần thực hiện hoá mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, cần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động.

"Phải thúc đẩy quá trình khởi nghiệp, trong đó khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để thúc đẩy tăng năng suất. Hiện nay trong số các chỉ tiêu đánh giá qua nửa nhiệm kỳ Đại hội 13 và nhìn rộng hơn trong suốt giai đoạn thực hiện chiến lược 2011-2020, một chỉ tiêu rất thách thức cho Việt Nam, đó chính là vấn đề năng suất lao động. Do đó để thực hiện được điều này thì chỉ có các hoạt động thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp", ông Hiển cho biết./.

Trọng Đạt