Khoảng 7% dân số Việt Nam đầu tư vào thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán vừa cán mốc hơn 7,03 triệu tài khoản chứng khoán vào cuối tháng 3/2023, trong đó có gần 7 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước.

Thống kê từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, tính đến hết tháng 3/2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tổng cộng 7,038 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán. Trong đó, số lượng tài khoản giao dịch trong nước đạt gần 6,979 triệu tài khoản, chiếm khoảng 99,2%.

Như vậy, thị trường đã đón nhận thêm 39.802 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới trong tháng 3. Số lượng mở mới chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với mức thấp kỷ lục trong vòng 30 tháng ghi nhận vào tháng 1 đầu năm nay (36.182). Trong số tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới, có 39.428 tài khoản do nhà đầu tư trong nước đứng tên, con số này giảm gần 40% so với lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới vào tháng trước (63.731 tài khoản).

Bên cạnh đó, nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng mở mới 124 tài khoản trong tháng vừa qua, giảm 7% so với số mở mới tháng 2. Với nhà đầu tư nước ngoài, nhóm này đã mở mới 268 tài khoản trong tháng vừa qua, nâng tổng số tài khoản giao dịch do khối ngoại đứng tên lên 43.297 đơn vị. Trong đó, đa số thuộc về nhà đầu tư cá nhân với 38.897 tài khoản, còn lại 4.382 tài khoản là do tổ chức nước ngoài đại diện. Như vậy, Quý I/2023, thị trường chứng khoán chỉ đón nhận thêm 140.024 tài khoản mới, chỉ đạt khoảng 5% tổng số tài khoản mở mới trong năm ngoái.

Số liệu cũng cho thấy, thiếu vắng nhà đầu tư mới, còn nhà đầu tư đã tham gia thận trọng trong bối cảnh biến động khiến thanh khoản thị trường giảm sâu. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung quý I/2023, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 11.437 tỷ đồng/phiên, giảm 43,3% so với bình quân năm 2022.

Đáng chú ý, lượng giao dịch ngày càng ảm đạm. Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên HoSE đã giảm 3 tháng liên tiếp xuống dưới 8.000 tỷ đồng/phiên trong tháng vừa qua. Tuy nhiên, vào đầu tháng 4, thị trường đã có những chuỗi tăng ấn tượng. Kết phiên giao dịch 6/4, thanh khoản thị trường tăng vọt với tổng giá trị giao dịch trên các sàn đạt hơn 18.680 tỷ đồng.

Riêng thanh khoản sàn HoSE chiếm gần 15.790 tỷ đồng, tăng 22% so với hôm qua và là mức cao nhất kể từ 20/12/2022 đến nay.

chung-khoan-anh-hoang-trieu29-16667770435761750312704-1680953269.jpg

Ảnh minh họa.

Mới đây, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua quý đầu năm 2023 với nhiều biến động, tăng, giảm đan xen do sự tác động mạnh mẽ của nhiều yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế. Dù thách thức vẫn lớn, tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy, thị trường đang có nhiều cơ hội hơn để hồi phục và phát triển ổn định hơn trong thời gian tới.

Ông Phạm Hồng Sơn cho rằng, diễn biến tình hình trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới.

Theo đó, trên thế giới, mặc dù xu hướng tăng lãi suất có dấu hiệu chậm lại, tuy nhiên, kinh tế toàn cầu vẫn dự báo còn nhiều thách thức, khó lường. Trong nước, tăng trưởng kinh tế vĩ mô quý I mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng đã cho thấy sự giảm tốc; đồng thời, sức khỏe doanh nghiệp niêm yết cũng chịu nhiều tác động sau thời kỳ hậu COVID-19 để lại.

Tuy nhiên, nếu xét trong tương quan với nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. Trên thực tế, nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. "Chỉ số P/E (Hệ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu) của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang ở mức 11 lần và được đánh giá ở mức hấp dẫn, thấp hơn so với hầu hết các thị trường khác trên thế giới", ông Sơn cho biết./.

Thi Nguyên (t/h)