Thị trường chứng khoán năm 2023: Không ít khó khăn nhưng vẫn nhiều cơ hội

Chứng khoán Việt Nam trải qua năm 2022 đầy “sóng gió”. Tuy nhiên, giới phân tích, nhà quản lý vẫn tự tin cho rằng thị trường chứng khoán trong năm 2023 còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn do có những điểm tựa vững chắc.

VN-Index có thể có những nhịp hồi phục ngắn sau đợt giảm sâu?

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc, Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho biết, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2022 nhiều "sóng gió" và bất ngờ với những sự kiện có ảnh hưởng lớn tới xu hướng thị trường và niềm tin của nhà đầu tư (NĐT).

"Những khó khăn của năm 2022 có thể sẽ kéo dài sang năm 2023, tuy nhiên, triển vọng năm 2023 sẽ có những chuyển biến tích cực hơn khi lạm phát giảm dần, lãi suất có xu hướng tạo đỉnh và giảm dần; áp lực lên tỷ giá giảm, chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng dần và dòng tiền lớn trở lại khi định giá đang ở vùng hấp dẫn", ông Ngọc nhận định.

Đánh giá về những yếu tố tiêu cực có thể ảnh hưởng đến thị trường năm 2023, Phó Tổng giám đốc của CSI cho rằng, đầu tiên phải kể đến là vấn đề lãi suất cao. Sau nhiều lần tăng lãi suất thì mặt bằng lãi suất thế giới hay Việt Nam vẫn ở mức cao để đối phó với những rủi ro lạm phát có thể gia tăng. Như vậy, về cơ bản, điều này không quá thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) niêm yết.

“Nếu mặt bằng lãi suất cao duy trì trong khoảng thời gian dài trong năm 2023 sẽ thật sự là một áp lực đối với các DN niêm yết, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí tài chính của các DN này. Các DN có nợ vay cao phải đối mặt với những yếu tố rủi ro cũng như việc chi phí gia tăng, do đó, triển vọng doanh thu, lợi nhuận sẽ có xu hướng sẽ giảm, còn DN nào có nguồn vốn tốt thì vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường”, ông Đỗ Bảo Ngọc cho hay.

Bên cạnh đó là rủi ro liên quan đến nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu của một số thị trường lớn như Mỹ hay Châu Âu. Hiện tại, nhu cầu sụt giảm nhanh chóng dẫn đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất phục vụ cho xuất khẩu trong nước đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuối quý IV/2022 và có thể sẽ còn kéo dài đến quý I và II của năm 2023 như: Dệt may, da giày, thủy sản… Gần đây, một số khu công nghiệp không còn duy trì được tần suất sản xuất lớn như trước đây.

"Rủi ro này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các DN sản xuất hàng xuất khẩu, gia công, DN đầu tư trực tiếp nước ngoài", ông Ngọc lo ngại.

38-chung-khoan-1675580230.jpeg

Năm 2023, vẫn còn nhiều rủi ro song hành cùng cơ hội của thị trường chứng khoán. Ảnh minh hoạ

Còn theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện đang ở khu vực thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tăng trưởng kinh tế ổn định đi kèm với việc nhanh chóng đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản sẽ là động lực hỗ trợ nền kinh tế và TTCK. Các chương trình thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy hoạt động đầu tư kết hợp với lãi suất huy động điều chỉnh giảm là động thái tiếp theo hỗ trợ dòng tiền tham gia vào TTCK.

Chuyên gia của VPS dự báo, VN-Index sẽ không giảm sâu và có thể tăng điểm hồi phục và dao động tích cực trở lại tại khu vực 1.100 – 1.280 điểm trong năm 2023.

"Thị trường giá xuống cũng sẽ kết thúc bởi một chu kỳ và giai đoạn thị trường giá lên. Nhà đầu tư không nên quá bi quan và đừng đánh mất niềm tin vào thị trường chứng khoán, niềm tin vào chính mình. Những rủi ro luôn song hành cùng cơ hội khi tham gia vào thị trường, đặc biệt là giai đoạn sắp tới trong năm 2023. Quản lý danh mục tốt đi kèm với việc chọn lọc kỹ cổ phiếu đầu tư là điều quan trọng", ông Lê Đức Khánh khuyến nghị.

Nâng cao chất lượng nền tảng cơ sở của thị trường

Năm 2023, nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều thách thức và bất định tác động đến đời sống người dân và làm giảm sức phục hồi của doanh nghiệp. Nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại trong năm 2022 và để thực hiện chương trình công tác năm 2023, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, cơ quan quản lý sẽ tích cực, chủ động, triển khai các giải pháp để TTCK phát triển ổn định, hiệu quả.

Theo đó, UBCKNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, trong đó tập trung hoàn thành đề án Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 với mục tiêu chính là phát triển thị trường theo hướng bền vững thông qua việc nâng cao chất lượng hàng hóa và nền tảng cơ sở của thị trường, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành. Đồng thời, rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và văn bản hướng dẫn để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định, nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc.

Cùng với việc tập trung sớm đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới, UBCKNN tiếp tục tái cấu trúc TTCK, tăng cường quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tập trung giám sát, kiểm tra việc cho vay giao dịch ký quỹ đúng pháp luật, an toàn cho công ty chứng khoán và an toàn bền vững cho dòng tiền trên thị trường.

"Bên cạnh việc tiếp tục các giải pháp về nâng hạng thị trường, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, tổ chức đối thoại thường xuyên với các cơ quản quản lý các nước, các tổ chức quốc tế để có giải pháp, chính sách phù hợp với tình hình thế giới, điều kiện của Việt Nam", ông Phạm Hồng Sơn khẳng định.

Thi Nguyên (t/h)