Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được kỳ vọng sẽ phát huy tối đa tiềm năng kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị. Mỗi sản phẩm mang những dấu ấn riêng, góp phần bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống, chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa của vùng, miền.
Tránh đánh đồng sản phẩm
Tại Thanh Hóa, sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang hướng liên kết chuỗi giá trị, người tiêu thụ cũng đã quen dần với các đặc sản vùng miền thông qua thương hiệu OCOP. Tuy nhiên, bên cạnh sự đa dạng, phong phú về sản phẩm, thì vẫn còn không ít trăn trở về chất lượng, giá trị kinh tế mang lại và đặc biệt là tính bền vững của sản phẩm OCOP.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết tháng 7/2024, toàn tỉnh có 517 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó có 4 sản phẩm đang đề xuất Hội đồng thẩm định Trung ương đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao, có 23 sản phẩm xuất khẩu.
Nhìn chung, các sản phẩm sau khi được công nhận là OCOP đều phát triển tốt. Tuy nhiên, đến nay OCOP vẫn bị “bỏ qua” trong loạt sản phẩm thông thường trên thị trường. Nguyên nhân chủ yếu khiến khách hàng bỏ qua những sản phẩm giá trị như OCOP được cho là giá cả đắt hơn sản phẩm thường, trong khi chất lượng thì tương đồng. Giống như chia sẻ của chị Lường Thị Hoài, công nhân may mặc ở Hoằng Hóa khi so sánh giữa sản phẩm nước mắm OCOP và nước mắm truyền thống.
“Nhà tôi ở biển, nhà cũng làm nước mắm nên tôi hiểu rất rõ, nước mắm OCOP cũng được ủ từ các làng nghề, nó chỉ hơn cái là được đóng chai, gắn mác, còn lại cũng như nước mắm khác, nên người dùng họ chỉ mua nước mắm OCOP làm qua để sang trọng chứ không ai bỏ tiền ra mua về dùng”. Chị Hoài cho biết.
Hay như sản phẩm OCOP về mật ong rừng. Hiện tại tỉnh Thanh Hóa có hơn 10 sản phẩm OCOP về mật ong, nhưng lượng tiêu thụ sản phẩm này lại rất hạn chế vì quy trình tạo ra giọt mật của OCOP cũng như mật ong thông thường đều giống nhau. Trong khi đó, mật ong OCOP phải gánh thêm khoản phí về bao bì, tem mác, do vậy chi phí cho sản phẩm đắt hơn thông thường.
Đánh giá về mật ong OCOP, khách hàng Lương Văn Hậu cho biết: “Đã là mật ong nguyên chất thì đều giống nhau, có khác chỉ là bên OCOP có mẫu mã, bao đẹp nên chỉ phù hợp với việc làm quà biếu. Còn sử dụng, chúng tôi chỉ mua mật ong thường”.
Việc sản phẩm COOP đánh đồng với sản phẩm thường không chỉ là câu chuyện hi hữu, hay sự đánh giá thiếu khách quan của người tiêu dùng. Mà chính cả chủ thể sản phẩm cũng thừa nhận OCOP không tiêu thụ bằng sản phẩm thường.
Bà Lương Thị Lực, chủ thể sản phẩm OCOP cá Tầm của HTX Sơn Điện Quan Sơn cho biết: “HTX của chúng tôi, chuyên về nuôi cá tầm. Từ khi đăng ký OCOP, chúng tôi đã phải đầu tư máy móc, thuê thêm người sơ chế cá, lựa chọn những phần thịt ngon của cá để đóng gói. Nhưng khách hàng chỉ mua 1 lần, xong họ đặt cả con để về tự chế biến, nên mặt hàng OCOP của HTX vẫn chưa thể cạnh tranh với sản phẩm thông thường”.
Chia sẻ về những “bất công” này, ông Lê Bá Quyết, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoằng Hóa cho biết: “Người tiêu dùng đánh giá như vậy là không đúng, vì nếu nước mắm, để được công nhận là sản phẩm OCOP thì cần phải có đảm bảo nhiều tiêu chí. Chẳng hạn như nước mắm, để đạt OCOP, ngoài việc nguồn cá phải đảm bảo, thì lượng đạm cũng cần phải đáp ứng đúng tiêu chí. Hiện nay những sản phẩm OCOP về nước mắm tại huyện phát triển rất tốt, trong đó có nước mắm Lê Gia đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao”.
Điểm riêng để OCOP phát triển
Mặc dù đã được triển khai 6 năm, nhưng đến nay, phẩm OCOP vẫn chưa tạo được dấu ấn riêng, chưa thực sự trở thành “đại sứ” truyền tải câu chuyện văn hóa vùng miền. Mặc dù được đầu tư bài bản, nhưng OCOP vẫn bị người tiêu dùng “bỏ qua” trong hàng vạn sản phẩm tương đồng thông thường.
Việc sản phẩm OCOP chưa tạo dựng được tiếng vang không chỉ chỉ ảnh hưởng đến chủ thể sản phẩm, mà ngay cả chính quyền sở tại, những người đã dành cả tâm huyết để “nâng đỡ” sản phẩm từ khi còn trứng nước cũng gặp khó trong việc lan tỏa và xây dựng sản phẩm thành câu chuyện văn hóa.
Ông Nguyễn Viết Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Hải Long, huyện Như Thanh chia sẻ: “Chính quyền rất quan tâm, tạo điều kiện để sản phẩm OCOP phát triển, vì đây là tinh túy của ngành nông nghiệp. Nhưng do lộ trình phát triển còn ngắn nên nhiều người chưa thực sự quan tâm đến OCOP, dẫn đến nhiều chủ thể gặp khó. Ngoài ra, khi sản phẩm đầu đã phát triển khó thì việc xây dựng các sản phẩm tiếp theo càng khó hơn, chủ thể sản phẩm sẽ không mặn mà đầu tư nâng cấp sản phẩm để thành OCOP”.
Theo tìm hiểu, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Nhìn chung tất cả các sản phẩm OCOP đều có chất lượng tốt, có khả năng phát triển ở quy mô hàng hóa. Tuy nhiên lại rất nhiều sản phẩm trùng lặp, tương đồng. Trong khi mục tiêu của phát triển OCOP là kích hoạt được tính cộng đồng của địa phương, sản phẩm phải được kiến tạo từ chính cộng đồng cư dân ở đó - để mang lại việc làm, thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, mỗi sản phẩm OCOP phải là một sứ giả để chuyển tải bản sắc văn hóa, đặc trưng trong sản xuất, sinh hoạt của người dân các dân tộc địa phương, là dấu ấn riêng của vùng đất đó. Dựa trên những quy định đó, các địa phương đã chú trọng tìm kiếm những nét riêng, khác biệt trong các sản phẩm của địa phương để phát triển sản phẩm OCOP mới.
Do đó, để sản phẩm OCOP của chinh phục được người tiêu dùng cần phải có lộ trình. Ngoài việc đáp ứng các tiêu chí ra, thì sản phẩm OCOP là phải có câu chuyện sản phẩm riêng, cuốn hút, có giá trị và gợi nhớ về dấu ấn của vùng đất đó. Bởi đây là giá trị mềm mà các sản phẩm công nghiệp, sản phẩm được sản xuất ở những vùng đất khác không thể có được.
Chi sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thành, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ngọc Lặc cho biết: “Từ khi đưa OCOP 3 sao về Hội đồng huyện chấm, công nhận, vừa giảm áp lực cho tỉnh, đồng thời cũng đánh giá năng lực của sản phẩm một cách toàn diện hơn. Để giảm hạn chế những sản phẩm OCOP tương đồng, tạo những nét riêng có và xây dựng được câu chuyện thú vị cho sản phẩm OCOP đòi hỏi không chỉ các chủ thể, mà cả chính quyền các địa phương cùng vào cuộc. Trước hết, cần tập huấn, nâng cao nhận thức của chủ thể sản xuất về nét riêng, giá trị văn hóa, kinh tế của sản phẩm khi được gắn sao OCOP. Đồng thời, hỗ trợ, đầu tư nguồn lực để chủ thể tìm tòi, nghiên cứu, tạo ra nét độc đáo, dấu ấn riêng trong sản phẩm. Từ đó nâng cao tính lan tỏa và chỗ đứng vững chắc của sản phẩm trên thị trường”.
Sản phẩm OCOP được xem là tinh túy của ngành nông nghiệp, có nhiệm vụ trọng khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng sản xuất, kinh doanh ở nông thôn. Là giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập người dân trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để OCOP tạo được tiếng vang cần phải có lộ trình và sự chung tay của mọi người.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan từng khẳng định: Thước đo của OCOP không phải là bao nhiêu sản phẩm, mà giá trị cuối cùng chính là dẫn dắt được sản phẩm đó đến được thị trường, được người tiêu dùng cảm nhận bằng cảm xúc thực sự chứ không đơn thuần là mua một sản phẩm nông nghiệp.