Chủ thể gặp khó khi nhiều người tiêu dùng còn mơ hồ về sản phẩm OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nền nông nghiệp. Từng bước chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang hướng liên kết chuỗi giá trị, xây dựng được nhiều sản phẩm giá trị. Tuy nhiên, đến nay nhiều người tiêu dùng vẫn còn mơ hồ khi nhắc đến sản phẩm OCOP.
do-lua-sai-vang-1722398430.jpg

Dò lụa Sải vàng sản phẩm OCOP của HTX dịch vụ lâm nghiệp Hải Long từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các lần hội chợ.

Tại Thanh Hóa, sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay toàn tỉnh đã có 508 sản phẩm. Qua đó, từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang hướng liên kết chuỗi giá trị. Người tiêu thụ cũng đã quen dần với các đặc sản vùng miền thông qua thương hiệu OCOP. Tuy nhiên, song song với sự đa dạng, phong phú về sản phẩm, thì nhiều người vẫn còn mơ hồ khi nhắc đến sản phẩm OCOP.

Khi OCOP còn “xa lạ” với người dùng

Sản phẩm OCOP được xem là kết tinh của ngành nông nghiệp, là kết quả của sự chuyển dịch nội bộ ngành theo hướng phát huy lợi thế so sánh, gắn với thị trường tiêu thụ và ứng dụng khoa học công nghệ. Tuy nhiên, việc lan tỏa những thương hiệu OCOP đến với người tiêu dùng đến nay còn hạn chế, dẫn đến sản phẩm mặc dù tốt, chất lượng nhưng vẫn bị người tiêu dùng “bỏ qua”.

Theo khảo sát của phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và kinh tế xanh cho thấy, những người biết đến sản phẩm OCOP đa số là cán bộ, công nhân viên chức và các chủ thể OCOP. Còn một số người dân từ thành thị đến nông thôn, từ ông chủ cửa hàng tạp hóa đến bà lái buôn đều mơ hồ về sản phẩm OCOP. Như câu trả lời hồn nhiên của ông Ngân Văn Luân, trú tại thôn Tân Quan, xã Thanh Tân (Như Thanh, Thanh Hóa) khi được hỏi về sản phẩm OCOP.  “Chắc là thương hiệu của một công ty nổi tiếng nào đấy, giống như Sam sung hay Canon vậy, chẳng qua họ tập trung vào sản xuất đồ ăn”.

Không chỉ có ông Luân, mà ngay cả chủ cửa hàng tạp hóa, những người thường xuyên gắn bó với các sản phẩm người tiêu dùng cũng có những câu trả lời hồn nhiên khi được hỏi về sản phẩm OCOP. Giống như chia sẻ của chị Lê Thị Út Thương chủ cửa hàng tạp hóa tại phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa “OCOP là gì vậy, em chưa nghe bao giờ, nó có bán chạy không anh, để em lấy về bán”.

Mặc dù đã đã được triển khai 6 năm, được tuyên truyền qua các kênh báo chí truyền thông, thậm chí là kênh bán hàng của các chủ thể, hay những lần quảng bá, xúc tiến thương mại. Thế nhưng, đến nay nhiều người tiêu dùng vẫn chưa hiểu rõ về sản phẩm OCOP. Thậm chí ngay chính cả chủ thể sản phẩm cũng còn đang lúng túng khi lý giải cho người tiêu dùng về sản phẩm OCOP.

Bà Lương Thị Lực, chủ thể sản phẩm OCOP cá Tầm của HTX Sơn Điện Quan Sơn cho biết: “Thực lòng mà nói, tôi cũng chưa hiểu rõ sản phẩm OCOP là gì, tôi chỉ biết đấy là cái chứng nhận, chứng minh cho sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, có chất lượng đảm bảo, còn sâu xa thì không rõ. Như HTX của chúng tôi, chuyên về nuôi cá tầm. Từ khi đăng ký OCOP, chúng tôi đã phải đầu tư máy móc, thuê thêm người sơ chế cá, lựa chọn những phần thịt ngon của cá để đóng gói. Nhưng khách hàng chỉ mua 1 lần, xong họ đặt cả con để về tự chế biến, nên nếu tính ra thì các loại cá đã đóng gói theo OCOP bán không được nhiều so với cá còn sống nguyên con”.

Ngoài ra, việc OCOP chưa thực sự phổ biến cũng liên quan nhiều đến quá trình tuyên truyền, phổ biến của một số địa phương. Trong đó, họ chỉ tập trung tuyên truyền về xây dựng để trở thành OCOP chứ chưa chú trọng đến việc sản phẩm có thực sự đọng lại trong bàn ăn của mỗi gia đình.

Ông Lê Duy Tĩnh, Phó Chủ tịch xã Thanh Tân, huyện Như Thanh cho biết: “OCOP là một quá trình dài, cần phải có sự bền bỉ để xây dựng, chính quyền địa phương đã lồng ghép nhiều chương trình tuyên truyền, vận động người tiêu dùng quan tâm đến OCOP như cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt… Tuy nhiên tâm lý số đông của bà con chỉ thích những đồ rẻ, quan tâm đến lợi ích trước mắt nên việc họ hiểu về OCOP còn hạn chế là lẽ đương nhiên. Bên cạnh đấy, hầu hết các sản phẩm OCOP chưa thực sự lớn mạnh, đang ở mức độ nhỏ lẻ, nên độ phủ sóng sản phẩm ở các địa phương vùng sâu vùng xa đến nay vẫn chưa thực sự phổ biến”.

Làm gì để OCOP trở thành xu hướng

Để sản phẩm OCOP phát triển rộng khắp, trở thành tinh túy trong ngành nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP đặc trưng đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các sản phẩm OCOP, từng bước thay đổi thói quen mua sắm của bà con.

ocop-thanh-hoa-1722398593.jpg
Nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã lồng ghép các chương trình, sự kiện trong tỉnh, qua đó, tạo không gian quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Đặc biệt, trong 2 tuần (21/7 đến ngày 3/8/2024), tại quảng trường biển TP Sầm Sơn đã diễn ra Chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và ẩm thực xứ Thanh năm 2024. Với quy mô hơn 100 gian hàng, Chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và ẩm thực xứ Thanh năm 2024. Với mục đích thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối các đơn vị sản xuất, phân phối với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh cung ứng - tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Ông Lô Văn Bộ, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Hải Long (xã Hải Long huyện Như Thanh) với sản phẩm OCOP 3 sao Dò lụa sải vàng cho biết: “Thông qua các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, người tiêu dùng cũng biết đến nhiều hơn với sản phẩm Dò lụa sải vàng, qua đó thúc đẩy tiêu thụ, từng bước tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”.

Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 30 cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP và hàng chục điểm bán sản phẩm OCOP dưới dạng quà tặng, quà lưu niệm tại các khu, điểm du lịch. Đây không chỉ là những địa chỉ tin cậy nhằm quảng bá và giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Thanh Hóa và cả nước, mà còn là địa chỉ mua sắm tin cậy cho người tiêu dùng, du khách.

Để trợ lực phát triển Chương trình OCOP, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết 185/2021/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025. Theo đó, quy định hỗ trợ một lần, với mức 75 triệu đồng/sản phẩm để hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền; thiết kế mẫu mã, mua bao bì, nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Cùng với đó, các địa phương cũng xây dựng những cơ chế riêng để hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản. Từ đó, không chỉ sản phẩm được nâng sức cạnh tranh mà còn đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Ông Phan Xuân Hùng, Tổ OCOP Văn phòng Điều phố Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa: “Để sản phẩm OCOP đế với người tiêu dùng cần phải có lộ trình. Nhằm hỗ trợ các chủ thể bán hàng, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội chợ, hội nghị, tập huấn, truyên truyền định kỳ trên báo đài, web. Ngoài ra, thanh hoá còn hỗ trợ các chủ thể giới thiệu sản phẩm trên các trang thương mại điện tử như: sendo, voso, ladada và chạy quảng cáo trên fanpge ocop; hướng dẫn tạo lập các use xây dựng thương hiệu cá nhân, mới KOL, KOC hỗ trợ các hoạt động live bán hàng. Thông qua đó, sản phẩm OCOP đã từng bước lan tỏa trong cộng đồng người tiêu dùng”.

Có thể khẳng định, Chương trình OCOP là hướng đi đúng đắn, là giải pháp cụ thể quan trọng phù hợp với điều kiện khu vực nông thôn. Cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới, OCOP đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, để OCOP thực chiếm lĩnh được lòng người tiêu dùng đang là bài toán khó cần có thời gian để tìm lời giải./.

OCOP (viết tắt theo tiếng Anh là One commune one product). Hiểu theo nghĩa tiếng Việt là mỗi xã (phường) một sản phẩm. Cụ thể hơn là phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn.

Ý nghĩa Logo của chương trình OCOP:

Chữ O màu nâu tượng trưng cho đất, nền tảng sản xuất, cuộc sống của làng xã; Chữ C màu xanh lá cây tượng trưng cho nông nghiệp và sản xuất bền vững; Chữ O màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh, trí tuệ của con người Việt Nam; Chữ P màu vàng tượng trưng cho lợi ích, lợi nhuận của chương trình mà mỗi người dân, tổ chức tham gia được hưởng lợi.

Hà Khải