Chè Tán ma - điểm hẹn OCOP của bản vùng cao

Chè “Tán ma” là một trong những sản phẩm truyền thống của người Thái ở huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Từ khi chương trình OCOP được triển khai, cây chè tán ma đã được quy hoạch và phát triển trên diện rộng.
tan-ma-1-1720362327.jpg
Chè tán ma, một trong những loài chè cổ của đồng bào người Thái huyện Quan Sơn.

Chè "tán ma" trong tiếng Thái có nghĩa là chè của khách quý đến. Đây là một trong những sản phẩm truyền thống lâu đời của người Thái huyện Quan Sơn. Chè được trồng quanh các khu vườn của những hộ dân ở tại các xã Trung Xuân, Nam Thanh, Trung Thượng… của huyện Quan Sơn.

Nước chè có màu đỏ vàng, vị ngọt tự nhiên, không hóa chất, có tác dụng tốt cho tim mạch, hệ tiêu hóa. Điều đặc biệt ở chè tán ma là chè được chế biến hoàn toàn thủ công. Búp chè sau khi hái về, được để héo tự nhiên hoặc phơi trong khoảng 30 phút; sau đó, được vò bằng tay và ủ bằng lá dáy rừng để hút bớt các chất nhựa chát trong chè, trước khi đưa ra phơi khô dưới nắng tự nhiên.

Bà Hà Thị Thảo, (SN 1969) một trong những người trồng chè ở bản Phụn, xã Trung Xuân cho biết: “Chè Tán ma có từ rất lâu rồi, chúng tôi thường trồng ở quanh vườn gần nhà tiện cho việc hái uống. Số ít được vò tay, phơi khô để dành đãi khách quý. Tuy nhiên, do số lượng ít, người dân cũng chưa biết buôn bán nên chè tán ma đã dần bị mai một”.

Từ khi triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các hộ dân ở bản Phụn xã Trung Xuân đã mở rộng diện tích trồng chè. Chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, chú trọng các khâu chế biến, và bắt đầu đưa ra thị trường. Cũng từ đó, thương hiệu của cây chè cổ đã dần được xây dựng.

Đặc biệt, năm 2019, Hội phụ nữ xã Trung Xuân hỗ trợ thành lập nhóm hộ sản xuất chè tán ma do phụ nữ làm chủ, với 30 thành viên, tổng diện tích 5 ha. Trong đó có 2 ha trồng cũ và 3ha trồng được hơn 1 năm.  Tuy diện tích chè đang ít, sản lượng cũng chưa nhiều, nhưng kết quả bước đầu trong khôi phục chè tán ma, đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại xã Trung Xuân, đặc biệt nhiều hộ dân đã có thu nhập khá từ trồng chè tán ma.

tan-ma-2-1720362424.jpg
Sau khi hái về, chè để héo khoảng 30 phút rồi dùng tay vò sau mới đem phơi.

Ông Trương Công Khẩn, Trưởng bản Phụn xã Trung Xuân cho biết: “Từ khi thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, cây chè tán ma của người dân đã từng bước được khôi phục, phát triển trên diện rộng. Tuy nhiên do địa chất khách nhau nên đến nay chúng tôi mới chỉ trồng được 5ha. Tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu, mở rộng thêm diện tích để xây dựng chè tán ma thành sản phẩm OCOP của bản”.

Cũng theo ông Khẩn, sau khi được khôi phục vào năm 2020, chè tán ma bắt đầu trở thành hàng hóa bán ra thị trường với giá từ 80 đến 100 nghìn đồng/kg. Từ đó, bà con nhân dân đều phấn khởi, tích cực mở rộng diện tích trồng chè.

Nhằm phát triển cây chè cổ của đồng bào nơi đây trở thành sản phẩm OCOP, lãnh đạo các ban ngành huyện Quan Sơn đã tích cực hỗ trợ để để người dân mở rộng diện tích, xây dựng mẫu mã cho sản phẩm để bán ra thị trường. Từ đó tạo thêm thu nhập cho người dân.

Theo số liệu thống kê của phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn, toàn huyện hiện có trên 100ha chè tán ma, tập trung tại các xã Trung Xuân, Tam Thanh, Sơn Thủy, Trung Thượng... trong đó xã Trung Xuân có trên 35ha được trồng tại bản Phụn, bản Phú Nam. Riêng ở bản Phụn, hiện có 30 hộ trồng chè tán ma với diện tích 5ha trồng tập trung.

Với mục tiêu đưa chè tán ma trở thành một sản phẩm OCOP, huyện Quan Sơn đang phối hợp cơ quan liên quan từng bước xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng chè tán ma tại các xã có tiềm năng. Chú trọng hoàn thiện sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại.

Bên cạnh đó, hoàn thiện việc thiết kế bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc an toàn vệ sinh thực phẩm… Triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, quản lý chất lượng theo chương trình OCOP; hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay việc quy hoạch vùng nguyên liệu cũng đang gặp nhiều khó khăn, do chè trồng rải rác, không tập trung. Nên cần thêm thời gian để vùng chè được mở rộng, trở thành sản phẩm OCOP tiềm năng của bản vùng cao./.

Hà Khải