Tỉnh Vĩnh Phúc triển khai toàn diện, hiệu quả công tác cải cách hành chính

Trong thời gian qua, tỉnh vĩnh phúc luôn quan tâm, chỉ đạo triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế nhằm nâng cao công tác cải cách hành chính trong toàn tỉnh. Với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện chỉ số cải cách hành chính theo hướng bền vững, dài hạn; tất cả các thủ tục hành chính được giải quyết sớm, đúng thời gian quy định; xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, thống nhất.
z5529145230792-76e4c40947ada670efa821c61108251e-1718107957.jpg
HĐND tỉnh giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật trong cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

Để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị tăng cường Lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch cải cách hành chính hàng năm, trong đó giao rõ trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp của từng cơ quan, đơn vị, địa phương đối với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Do vậy, công việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh theo các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt, hiệu quả cao.

Công tác tuyên truyền về cải cách hành chính được triển hiệu quả bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng cụ thể, đã thực hiện trên 350 lượt tin, bài, ảnh đăng trên các báo, tạp chí. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã thực hiện 19 chuyên mục, 06 phóng sự; tổ chức  các cuộc thi trực tuyến, 09 cuộc tọa đàm; 03 tiểu phẩm, in ấn nhiều ấn phẩm đĩa phát cho cơ sở; biên tập in ấn các tài liệu là các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác cải cách hành, qua đó đã giúp người dân và doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách mới về cải cách hành chính, nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã đã áp dụng nhiều mô hình sáng kiến về cải cách hành chính đã được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao như sáng kiến: Thực hiện kiểm tra kiến thức chuyên môn đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; Thực hiện thi tuyển tập trung công chức khối đảng và khối quản lý nhà nước trong cùng một kỳ thi; Triển khai phần mềm Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã được Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao; xây dựng ghép, gộp 13 TTHC trong Lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường; Triển khai thực hiện mô hình “Ngày không hẹn” tại bộ phận Một cửa của UBND xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch. Thông qua các sáng kiến về công tác cải cách hành chính đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình làm việc với các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh; giúp tổ chức, cá nhân tiết kiệm thời gian, chi phí trong quá trình giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính.

Về cải cách thủ tục hành chính được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Từ 15/7/2021 đến 31/3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký 142 Quyết định công bố 1.995 danh mục thủ tục hành chính. Trong đó: Công bố mới 417 thủ tục hành chính, thay thế, sửa đổi, bổ sung 1.386 thủ tục hành chính và bãi bỏ 192 thủ tục hành chính. Đến nay, tổng số thủ tục hành chính đang còn hiệu lực áp dụng trên địa bàn tỉnh là 1.840 thủ tục hành chính. Trong đó: 1.379 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 315 thủ tục hành chính cấp huyện và 146 thủ tục hành chính cấp xã. 100% thủ tục hành chính, danh mục thủ tục hành chính sau khi công bố đều được cập nhật trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, niêm yết, công khai Cổng thông tin giao tiếp điện tử của tỉnh, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và đều xây dựng, phê duyệt quy trình nội bộ, quy trình điện tử để tiếp nhận- giải quyết- trả kết quả thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định.

Từ 1/1/2022 - 31/3/2024, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn thực hiện qua Bộ phận một cửa các sở, ban, ngành đạt 90,88%, tại cấp huyện và cấp xã đạt tỷ lệ 98,17%. Toàn tỉnh hiện đang cung cấp 1.474 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, toàn tỉnh đã rà soát cắt, giảm thời hạn giải quyết đối với 825 thủ tục hành chính với tổng số ngày cắt giảm được 4.998 ngày so với quy định; thực hiện gộp, ghép 26 thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thành 13 thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Công tác xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số cũng được chú trọng. Từ năm 2021 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh triển khai xây dựng, phát triển các nền tảng, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong nội bộ cơ quan nhà nước. Nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP) tỉnh Vĩnh Phúc được xây dựng hoàn thành trong năm 2022, cài đặt, vận hành tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh, kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) và Trục liên thông văn bản Quốc gia, bảo đảm sẵn sàng kết nối đến các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành đến 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã; thực hiện liên thông với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành qua Trục liên thông văn bản quốc gia, tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, đáp ứng quy trình gửi, nhận văn bản điện tử tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

z5529157315697-b73582d025101647fde3ad0bb22bd85d-1718107972.jpg
Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vũ Việt Văn đánh giá những kết quả đã đạt được trong công tác cải cách hành.

Kết quả đạt được về cải cách hành chính đã góp phần cải thiện các chỉ số của tỉnh luôn thuộc nhóm các địa phương có kết quả cao, như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS).

Phát huy những kết quả tích cực trong công tác cải cách hành chính, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể Cải cách hành chính Nhà nước của Chính phủ giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số PAR INDEX, chi số SIPAS, Chỉ số PCI nhằm góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra./.

Kim Bằng