IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt gần 6% trong năm 2024

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 26/6 cho biết tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến đạt gần 6% trong năm 2024, được hỗ trợ bởi nhu cầu quốc tế mạnh, đầu tư nước ngoài ổn định và các chính sách điều tiết.

IMF nhận định xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế - có thể yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng.

tang-truong-kinh-te-viet-nam-3-1719409405.jpg
Số liệu từ Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa)

Theo IMF, những vấn đề của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng. Với chính sách tiền tệ nới lỏng, áp lực tỷ giá hối đoái kéo dài lâu hơn sẽ tác động tới lạm phát trong nước.

Cũng theo IMF, tăng năng suất, đầu tư nhiều hơn vào nguồn vốn con người và vốn vật chất, đồng thời khuyến khích đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo có ý nghĩa then chốt đối với Việt Nam.

Đánh giá về nội dung chính sách tài khóa của Việt Nam, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kiến nghị cần tiếp tục củng cố khuôn khổ tài khóa, tăng cường kỷ luật tài khóa, nâng cấp khuôn khổ tài chính trung hạn.

tang-truong-kinh-te-viet-nam-1-1719409480.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã có buổi tiếp và làm việc với ông Paulo Medas, Trưởng Đoàn tham vấn Điều khoản IV của Quỹ Tiền tệ quốc tế, ngày 26/6. (Ảnh BTC)

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, ngày 26/6, ông Paulo Medas, Trưởng Đoàn tham vấn Điều khoản IV của IMF cho biết Đoàn tham vấn đã khảo sát và đánh giá cao những nỗ lực và thành quả mà Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng đã đạt được trong việc hoàn thiện và cải cách các chính sách, thể chế quản lý tài chính công nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông cũng chia sẻ các thông tin, nhận định ban đầu của Đoàn về tình hình kinh tế vĩ mô, các thuận lợi và thách thức đối với kinh tế Việt Nam và cho biết năm 2024, chính sách tài khóa của Việt Nam dự kiến sẽ vẫn hỗ trợ nhưng ở mức độ thấp hơn.

Trước đó, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Vụ Ngân sách Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) và đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những trao đổi, thông tin với IMF về các nội dung liên quan đến nợ công, trái phiếu Chính phủ và minh bạch Ngân sách nhà nước.

Các kết quả phân tích của IMF cho thấy triển vọng tài khóa của Việt Nam tương đối ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so với các quốc gia mới nổi khác. Qua đó, nợ công trong trung hạn của Việt Nam vẫn trong phạm vi kiểm soát.

tang-truong-kinh-te-viet-nam-2-1719409512.jpg
Ông Paulo Medas, Trưởng Đoàn tham vấn Điều khoản IV của IMF. (Ảnh BTC)

Ông Paulo Medas chỉ ra trong thời gian qua, do chịu ảnh hưởng của một vài cú sốc, mức nợ công của hầu hết các quốc gia của khu vực châu Á tương đối cao, một số quốc gia đã tăng gấp đôi và hơn gấp đôi mức nợ. Tuy vậy, Việt Nam là một trong số trường hợp ngoại lệ khi duy trì được mức nợ bền vững và tương đối thấp so với một số quốc gia khác trong khu vực. Vì vậy, một số khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang gặp phải là xu hướng chung và khá phổ biến ở châu Á.

Một vấn đề đặc biệt quan trọng được ông Paulo Medas chỉ ra là nguồn thu từ thuế tại Việt Nam rất thấp so với các nước trên thế giới. Cộng thêm, tình trạng già hóa dân số cũng làm gia tăng áp lực lên chi tiêu công của Chính phủ…

Báo cáo của Đoàn khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục tăng cường huy động nguồn thu nhằm đảo ngược xu hướng xói mòn cơ sở thuế, tạo dư địa để củng cố lưới an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đẩy mạnh Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 và cải thiện chức năng của thị trường vốn…/.

Bình Châu