Tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của Krông Bông

Với khoảng 100 loại nông sản đặc trưng tiêu biểu, trong đó có nhiều sản phẩm được sản xuất theo hướng sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP, Krông Bông có lợi thế đẩy mạnh quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
lanh-dao-huyen-krong-bong-tham-quan-gian-hang-trung-bay-gioi-thieu-san-pham-nong-nghiep-nong-thon-cua-huyen-1713262769.jpg
Lãnh đạo huyện Krông Bông tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, nông thôn của huyện.

Năm 2020, khi triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Krông Bông (NN&PTNT) đã được huyện giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh định hình ý tưởng và phát triển sản phẩm dựa trên những thế mạnh của địa phương mình. Từ đó, tăng quy mô sản xuất, cải tiến về chất lượng, tiêu chuẩn để chinh phục thị hiếu và nhu cầu của thị trường.

Song song đó, Phòng NN&PTNT còn có nhiệm vụ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh cũng như hoàn thiện kiểu dáng bao bì, nhãn mác sản phẩm theo đúng quy định cho các DN, HTX… Sau ba năm triển khai (2020 – 2023), huyện Krông Bông có 9 sản phẩm OCOP, 1 sản phẩm 4 sao và 8 sản phẩm 3 sao.

Ông Võ Tấn Trực - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Krông Bông cho biết dự kiến kiến trong năm 2024, huyện Krông Bông sẽ có thêm 5 sản phẩm được công nhận OCOP. “Huyện đang có hơn 20 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có tiềm năng và ưu thế vượt trội. Phòng NN&PTNT huyện đang phối hợp với UBND các xã, thị trấn hỗ trợ các chủ thể phát triển ý tưởng sản phẩm, hoàn thiện chất lượng, đẩy mạnh quy mô và nâng cấp mô hình tổ chức quản lý … để đưa lên thành sản phẩm OCOP” - ông Trực khẳng định.

ong-vo-tan-truc-truong-phong-nnptnt-huyen-krong-bong-ben-trai-1713262824.jpg
Ông Võ Tấn Trực - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Bông (bên trái).

Công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ cũng được huyện quan tâm sau khi đã có những sản phẩm đạt chất lượng. Huyện tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm và hội nghị kết nối giao thương do các sở ngành của tỉnh tổ chức. Từ đây, các DN, cơ sở sản xuất và HTX có cơ hội tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác phù hợp. Mặt khác, nâng cao khả năng quảng bá sản phẩm, kỹ năng tiếp thị của mình tốt hơn nữa.

Huyện Krông Bông đã xây dựng Điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, nông thôn – sản phẩm OCOP. Điểm trưng bày này được HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình quản lý và vận hành. Hiện có tới 30 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: gạo sạch, nấm linh chi, trà thảo mộc, măng khô, chả giò, nếp tím than, dầu đậu phộng… Tất cả sản phẩm đều đạt tiêu chí OCOP, có chứng nhận VietGAP hoặc được sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ. 

Thông qua sự hỗ trợ của huyện, nhiều DN, HTX, cơ sở sản xuất - kinh doanh đã đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ. Huyện còn tổ chức có hiệu quả Chương trình trưng bày sản phẩm nông nghiệp, nông thôn để các cơ sở sản xuất có cơ hội trao đổi với người tiêu dùng và tiếp cận thị trường tại địa phương. 

chu-tich-ubnd-huyen-krong-bong-le-van-long-giua-tham-quan-gian-hang-trung-bay-san-pham-cua-xa-cu-pui-1713262876.jpg
Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long (giữa) tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của xã Cư Pui.

Tiêu biểu Cơ sở Đông y Minh Tâm (thị trấn Krông Kmar) - một đơn vị sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ dược liệu, thảo mộc. Dưới sự hướng dẫn Phòng NN&PTNT Krông Bông, trong năm 2022 và 2023 cơ sở đã đầu tư nâng cấp hệ thống nhà xưởng, máy móc, thiết bị rang xay, đóng gói sản phẩm để hoàn thiện quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, cơ sở được tư vấn, hỗ trợ thiết kế lại kiểu dáng, mẫu mã, bao bì sản phẩm hàng hóa. Đến nay Đông y Minh Tâm đã có ba sản phẩm là trà thảo mộc Dưỡng Tâm, trà thảo mộc Thấp Bảo Vương và viên nghệ mật ong đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Ông Võ Hoài Minh - Chủ Cơ sở Đông y Minh Tâm cho biết các sản phẩm của đơn vị được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng từ khi được công nhận OCOP. Ngoài ra, việc được tham gia các hội chợ triển lãm, chương trình kết nối giao thương, hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh, … đã tạo điều kiện cho cơ sở kết nối hiệu quả với một số đơn vị, nhà phân phối hàng hóa tại TP. HCM.

cac-dai-bieu-tham-quan-gian-hang-trung-bay-san-pham-nong-nghiep-nong-thon-huyen-krong-bong-nam-2023-1713262923.jpg
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp, nông thôn huyện Krông Bông năm 2023.

Một cơ sở khác là hộ kinh doanh Trần Văn Sắc (buôn Cư Nun A, xã Dang Kang) cũng đang được nhiều người tiêu dùng tin tưởng đón nhận. Sản phẩm của hộ này này là  cà phê rang xay nguyên chất Ngọc Trâm và dầu đậu phộng Ông Sắc. Ông Sắc cho biết trước đây sản phẩm mình làm ra chỉ bán cho khách hàng thân thiết trong vùng. Nay được huyện hỗ trợ đạt chứng nhận OCOP, được trưng bày, quảng bá nên sức tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng lên.

“Đến nay, hai sản phẩm này đã được xuất đi các tỉnh thành khác như Đắk Nông, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Bình quân mỗi tháng cho ra thị trường khoảng 300 lít dầu đậu phộng và 400 kg cà phê, gấp 3-4 lần so với trước”, ông Sắc phấn khởi.

Ông Võ Tấn Trực, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Krông Bông còn cho biết trong thời gian tới huyện tập trung hỗ trợ người dân, DN ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể là xây dựng website, đăng ký bán hàng qua các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, huyện cũng sẽ triển khai liên kết chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tăng cường hoạt động kết nối với các DN ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương./.

Kiến Giang