Bài 2 loạt bài: Nhà văn vượt lên bệnh tật, xây dựng 2 mô hình kinh tế xanh

Lời tòa soạn: Hơn 20 năm kiên trì vượt lên bệnh tật, nhà văn Nguyễn Đức Lợi – người đàn ông trụ cột của gia đình nhỏ đã “hồi sinh”, kiên cường, sắt đá với niềm tin sống mãnh liệt phá bỏ “cánh cửa đen tối cuộc đời” để rồi xây dựng và thành công với 2 mô hình kinh tế xanh vang danh huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên.

Bài 2 (bài cuối): Dựng lên Khu du lịch sinh thái Đào Viên Sơn từ ý tưởng tri ân thiên nhiên

Viết văn, làm báo được đi nhiều nơi, trải nghiệm văn hóa nhiều khiến nhà văn Nguyễn Đức Lợi ham thích làm du lịch. Thế nhưng, điều thôi thúc anh dựng lên Khu du lịch sinh thái Đào Viên Sơn (bản Bua, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) phải kể đến câu chuyện tri ân 2 gốc đào “cứu mạng” anh năm xưa, cũng là tri ân thiên nhiên…

Tri ân những gốc đào

Chuyện xảy ra vào tháng 3/2004, ngày ấy, xe anh Lợi đi lấy mật ong ở Hưng Yên về tới đây bị mất phanh, đâm đổ bức tường bao của Cung giao thông Vườn Đào, rồi tiếp tục lao xuống vực, đâm đổ gốc đào cổ thụ thứ nhất, đến gốc thứ 2 thì xe dừng lại. May nhờ những gốc đào này mà anh thoát chết, trước khi ra về, anh ngồi xuống gần 2 gốc đào và nói: “Mình sẽ tri ân đào, đào ạ!”.

2 năm sau, khi mua được 7ha đất trồng cà phê (khu đất Đào Viên Sơn bây giờ), anh Lợi quay lại Pha Đin, thật may là vườn đào đó, 2 gốc đào trước đây với sức sống phi thường vẫn xanh tốt, dù cây nằm, cây “quỳ”. Anh Lợi thuê người dân xung quanh lấy được gần 30kg hạt ở vườn đào đó, mang về anh tự tay cùng công nhân (những người chăm sóc cà phê thuê cho anh Lợi-PV) ươm và trồng trên 1.300 cây đào, và đó chính là nhân tố cấu thành Đào Viên Sơn hôm nay.

Ít ai biết, để bảo vệ vườn đào, có lúc anh phải vay lãi, mua hàng trăm triệu tiền lưới B40 về rào vườn, quây từng gốc đào chống lợn rừng bóc vỏ, xới rễ từng cây lên nhai. Hay như có thời điểm vì nhiều điều kiện khách quan (không chăm sóc hết, vài vùng đất cần quy hoạch việc khác, bí vốn đầu tư…) mà anh phải chuyển giao vài trăm gốc đào vốn coi như máu thịt. “Tiếc và xót. Suốt hơn chục năm qua, không biết bao tốp lái đào từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… mỗi dịp Tết lên đàm phán mua cành đào. Có những cành họ sẵn sàng trả tới hơn chục triệu; có những gốc họ trả vài chục triệu nhưng mình cố giữ không bán”, anh tâm sự.

gia-dinh-nha-van-nguyen-duc-loi-1660500645.jpg
Gia đình nhà văn Nguyễn Đức Lợi quây quần hạnh phúc bên một gốc đào tại Khu du lịch Đào Viên Sơn. Anh Nguyễn Đức Lợi - chủ Khu du lịch Đào Viên Sơn có một tình yêu say đắm với thiên nhiên (Ảnh: Nhân vật cung cấp - NVCC).

Xây dựng Khu du lịch sinh thái Đào Viên Sơn

Như đã nêu ở bài viết trước, thời điểm cà phê rớt giá thê thảm, đẩy anh Lợi vào nợ nần chồng chất. Nếu bán trang trại chẳng đủ trả nợ, nguy cơ trắng tay… đã buộc anh phải xoay xở. Rồi may mắn, anh biết đến tảo, sau đó mày mò nghiên cứu và khởi nghiệp “khai sinh” trang trại trồng, chế xuất tảo xoắn không tanh. Vực lại kinh tế từ tảo xoắn anh mới dám hiện thực hóa “giấc mơ làm du lịch”.

Bắt đầu từ năm 2018, với số vốn chưa đầy 100 triệu đồng, anh Lợi bắt tay vào xây dựng Đào Viên Sơn. Sau đó, anh gột vạt, nhặt nhạnh thu nhập từ tất cả những gì còn sót lại trên trang trại cũ như cà phê, trồng thêm mấy trăm cây mắc ca, bảo tồn thành công giống hoa chuối đỏ rừng đã tuyệt chủng trong khu vực, trồng sim… với phương châm “trứng nhiều ổ”, tức là không dồn vào một việc, mà làm thật nhiều thứ, mỗi thứ đem lại thu nhập vài chục triệu/năm như: Lợn rừng, gà đồi, các sản phẩm tảo, nấu cơm thuê. Cố gắng làm lụng, chắt chiu từng ngày nhưng cũng chỉ để ra được khoảng 1 tỷ đồng (chiếm 1/6 tiền xây dựng Đào Viên Sơn), phải nợ tiền vật liệu, nợ công thợ… may được người thân quen giúp đỡ cho vay 3 tỷ (có trả lãi), anh tiếp tục đầu tư xây dựng khu du lịch.

xay-dung-dao-vien-son-1-1660503435.jpg
xay-dung-dao-vien-son-1660503448.jpg
Nhà văn Nguyễn Đức Lợi tận tâm xây dựng Đào Viên Sơn (Ảnh: NVCC).

Hồi tưởng ký ức thời gian này, nhà văn kiêm “lão nông” bảo, hoàn cảnh lúc này vô cùng cơ cực. Hầu như anh lầm lũi xây dựng một mình. Bởi từ năm 2013, anh đã tạm bỏ công việc khá ổn là viết văn, viết báo để làm nông dân lao động hùng hục ở trang trại nhưng thất bại liên tục khiến niềm tin của người thân về anh phai theo. Anh cứ lầm lũi thiết kế, lầm lũi đào, cuốc, xây, vẽ… 100% các ý tưởng thiết kế trong Khu du lịch do anh sáng tạo. “Phương châm là tốt, đẹp, chắc chắn, an toàn nhưng phải tiết kiệm tối đa. Cái gì không tự làm được, không làm xuể mới thuê, còn thì lao tâm lao lực, có thời điểm cả tháng anh làm xuyên đêm đến sáng cho kịp tiến độ… thất bại thì làm lại, làm cho đến khi thành công mới thôi. Làm bằng sức, mất sức chứ tiền thì phải tiết kiệm hết mức… Ngày nắng anh ra công trình, mưa gió không làm được gì anh tự học ươm, ghép cây. Mỗi năm ghép đến hàng ngàn cây khác nhau cho khu du lịch, không phải đi mua”, anh kể.

Gần một năm trôi qua, 4ha cà phê kèm theo đó là vài ha chuối đã trổ buồng được đánh gốc mang đi, đồi núi san sửa trả lại nguyên trạng như ngày chưa khai hoang. Nhà văn kiêm “lão nông” đã cải tạo lại diện tích Ðào Viên Sơn, gồm: Vài nghìn cây chuối rừng; hơn 1.000 cây đào ta, ươm từ giống đào Pha Ðin; 1.000 cây sim mua từ Thanh Hóa, quê hương nhà thơ Hữu Loan; hàng nghìn cây hoa mua; trồng thêm 1,5ha cỏ ba lá; 0,5ha lau; 1.000 gốc hồng nội, ngoại; nhiều loại cây trong rừng; tạo tác các tác phẩm nghệ thuật và trồng hơn 3ha cà phê để chế biến, phục vụ đồ uống nguyên chất…

dao-vien-son-chup-tu-tren-cao-1660501013.jpg
Khu du lịch Đào Viên Sơn chụp từ trên cao (Ảnh: NVCC).
ve-dep-dao-vien-son1-1660503132.jpg
dao-vien-son-1-1660504192.jpg
ve-dep-dao-vien-son-3-1660504263.jpg

ve-dep-dao-vien-son-4-1660504282.jpg

Một số cảnh đẹp khác tại Đào Viên Sơn (Ảnh: NVCC).

ve-dep-dao-vien-son-9-1660504306.jpg
Du khách khám phá cảnh đẹp Đào Viên Sơn (Ảnh: NVCC).
ve-dep-dao-vien-son-10-1660504321.jpg
Vẻ đẹp độc đáo của thiên nhiên và phong cảnh nơi đây (Ảnh: NVCC).

Cuối cùng thì ngày 28/12/2018, Khu du lịch sinh thái Đào Viên Sơn của anh cũng mở cửa đón khách. Đó là một “mốc son” nữa trên hành trình làm kinh tế xanh của “nhà văn – lão nông họ Nguyễn”.

Khu du lịch “lạ lùng như chính chủ nhân”

Đào Viên Sơn lạ lùng, độc đáo từ cách chủ nhân của nó chọn cây hay vật liệu xây dựng. Điển hình như các gian nhà bằng gianh, tre, gỗ… thể hiện sự cầu kỳ, trân quý giá trị văn hóa bản địa.

Nhà văn Nguyễn Đức Lợi thuê thợ xây dựng nhưng bản thân anh tự thiết kế, giám sát và trực tiếp lao động. Với tâm niệm tri ân thiên nhiên, anh xót xa khi thuê người dân đi kiếm các loại cây cỏ trên rừng về trồng, họ không có kỹ thuật đánh gốc nên 10 cây chết đến 7, 8; anh thao thức nhiều ngày tháng hoàn thiện các ý tưởng làm các mô hình, tiểu cảnh độc lạ.

xay-dung-dao-vien-son2-1660503570.jpg
Bằng đôi tay tài hoa, trí tưởng tượng, sáng tạo phong phú, nhà văn Nguyễn Đức Lợi đã tạo tác lên những con vật vô cùng độc đáo (Ảnh: NVCC).

Chủ nhân của Đào Viên Sơn đã tái hiện biểu tượng văn hóa các dân tộc tiêu biểu ở Điện Biên như: Con “trâu thần” trong tích truyện dân gian Thái đen Tây Bắc “Ải Lậc Cậc”; đôi ủng vàng khổng lồ của Ải; “ngôi nhà nghèo” khoét vào núi như tri ân các “thành hoàng bản”; hay Khèn Mông khổng lồ… Cho đến xây dựng các tiểu cảnh độc lạ là: Trái tim vỡ, vá lại bằng dây thừng; thang lên trời; cây trưởng bản; cây nông dân, cây học trò và cả cây nhà văn.

con-trau-than-1660501712.jpg
Con "trâu thần" trong tích truyện dân gian Thái đen Tây Bắc “Ải Lậc Cậc” được nhà văn Nguyễn Đức Lợi tái hiện (Ảnh: NVCC).
khen-mong-khong-lo-1660501728.jpg
Du khách chụp ảnh bên mô hình "Khèn Mông khổng lồ" (Ảnh: NVCC).
cau-tinh-yeu-1660501757.jpg
Cầu tình yêu (Ảnh: NVCC).
thang-len-troi-1660502091.jpg
Thang lên trời - một tác phẩm nghệ thuật khác của nhà văn Nguyễn Đức Lợi (Ảnh: NVCC).

Khi Đào Viên Sơn mở cửa được gần 2 năm thì nổ ra dịch Covid-19. Khoảng thời gian đóng cửa phòng dịch (3 tháng, từ tháng 5 đến hết tháng 7/2020), ông chủ “lạ lùng” của Đào Viên Sơn đã dành toàn bộ tâm huyết chế tác hơn 200 con vật các loại từ phế liệu để trang trí cho khu du lịch. Nguyên liệu vốn là số cuốc xẻng, sắt thép phế liệu chất đống không bán qua 15 năm làm trang trại, ai cũng bảo anh là hâm, cứ mỗi lần chị gọi hàng đồng nát đến bán thì anh lại xua tay đuổi về. Anh chia sẻ: “Khi đóng cửa phòng Covid mới có thời gian chế tác, không thì mãi mãi vứt đống phế liệu đấy và trở thành hâm thật”.

Kỳ thú, từ cái cuốc, cái xẻng, cà lê, mỏ lết cho đến những đoạn ống nhựa, cái “xe rùa”, con ốc vít hay cái đinh gỉ vô tri… Những phế liệu ấy qua bàn tay tài hoa của nhà văn của bản Bua đã trở thành những tác phẩm sống động, có hồn cốt, thần thái vô cùng ấn tượng. Đó là những động vật hoang dã, những chú bồ nông, gà tây, chim cú, chim gõ kiến hay những chú cò đang rỉa lông trong nắng chiều... đẹp nao lòng. Nguyễn Đức Lợi thổ lộ, mục đích lớn nhất khi chế tác những con vật này, anh muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã và kêu gọi hạn chế rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa… vì một “Việt Nam Xanh”.

mo-hinh1-1660501914.jpg
Mô hình một tổ chim vô cùng sống động (Ảnh: NVCC).
mo-hinh-3-1660502203.jpg
Đàn gà Tây sặc sỡ, cuốn hút - tác phẩm của nhà văn kiêm "lão nông" ở bản Bua.
chuon-chuon-go-1660504711.jpg
Nhà văn tài hoa bên những con chuồn chuồn gỗ do anh chế tạo (Ảnh: NVCC).

Đặt chân đến Đào Viên Sơn, du khách phải lùng sục, mò mẫm và khám phá mới biết hết ngóc ngách, biết hết ý đồ sáng tạo của chủ nhân nơi này. Nếu chỉ đi loanh quanh vài km đường đá thì chỉ thấy được cầu tình yêu, thang lên trời, con "trâu thần", khèn Mông khổng lồ, đôi ủng khổng lồ của Ải, cửa Doremon, sàn hạn khuống, cầu gỗ, cầu dây… mà bỏ qua nhiều góc sáng tạo giàu nghệ thuật nằm len lỏi trong các con đường hoa, khu vườn trong khu du lịch rộng lớn, đầy nắng gió và hoa cỏ.

Có thể nói, người thiết kế khu du lịch luôn có “ý đồ” ép du khách phải tự tìm tòi, phải hòa đồng, thấu cảm với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá… Ở nơi này, có những tác phẩm hàm nghĩa triết lý nhân sinh, ý thức trách nhiệm với xã hội, với thiên nhiên.

ve-dep-dao-vien-son-11-1660504459.jpg
Niềm vui trẻ thơ khi vui đùa giữa thiên nhiên ở Đào Viên Sơn (Ảnh: NVCC).

“Trái ngọt”...

Được biết, Đào Viên Sơn có phục vụ đồ ăn nhanh cho đến đặt bàn cơm. Nguyên liệu chế biến món ăn là sản phẩm hữu cơ do trang trại tự cung tự cấp. Nổi tiếng nhất là gà Mông nướng, cá nướng, thịt lợn ba chỉ dân băm rau cải đắng nướng, sườn lợn dân nướng và các món khác… Đặc biệt, phải kể đến các sản phẩm từ tảo xoắn như sữa chua tảo xoắn, thạch tảo xoắn, sinh tố tảo xoắn.

Về dịch vụ giải trí, du khách có nhiều lựa chọn như: Hát karaoke ngoài trời (hát cho nhau nghe); đu cáp Zipline dài gần 300m (cao hơn 20m), lễ tết sẽ lắp đặt thêm các trò khác, tùy thuộc vào nhu cầu người chơi như: Bịt mắt bắt vịt, kéo co, chọi cù, múa sạp… phục vụ xe gỗ trượt cỏ trẻ em; Cây đu quan họ, bập bênh xoay, cầu cây thăng bằng… trải nghiệm cảm giác mạnh khi lái xe địa hình ATV trên đường đèo dốc…

luu-niem1-1660502400.jpg
luu-niem-2-1660502414.jpg
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Đào Viên Sơn (Ảnh: NVCC).

Chịu ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19, nhưng với nỗ lực vượt bậc không nản chí… kiên định vượt qua giai đoạn khó khăn, đến nay, Đào Viên Sơn đã dần đông khách trở lại. Ngày cao điểm có hàng nghìn du khách, ít thì vài chục người. Cộng hưởng nhiều nguồn thu từ bán vé, bán sản phẩm từ tảo xoắn, dịch vụ trò chơi, dịch vụ lưu trú khách, khu du lịch của nhà văn Nguyễn Đức Lợi đang đi vào quỹ đạo hoạt động ổn định, duy trì việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Về giá trị, Đào Viên Sơn được giới buôn bất động sản ước tính có giá lên trên 20 tỉ đồng… Chưa dừng lại, nhà văn bản Bua đang tiếp tục nỗ lực xây dựng Đào Viên Sơn xanh đẹp, hấp dẫn hơn trong thời gian tới…

* Bài dự thi Cuộc thi viết “Vì Việt Nam Xanh”.

Đăng Trình