Bài 1: “Khai sinh” trang trại trồng tảo biển trên núi
Nhà văn Nguyễn Đức Lợi (Sinh năm 1972, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam) vốn bị căn bệnh thiếu oxy lên não đeo đẳng nhiều năm liền vô cùng khổ sở. Năm 2012, tình cờ anh được tặng một ít tảo Nhật, quá trình uống sức khỏe của anh cải thiện rõ rệt. Một thứ kích thích kỳ lạ nảy sinh khiến anh tìm hiểu các kiến thức, thông tin liên quan đến tảo, nghiên cứu để rồi mang tảo trồng trên núi…
“Cánh cửa đen tối” mang tên bệnh tật và thất bại
7 năm đấu tranh cho sự sống, 7 năm khôi phục lại trí nhớ, 7 năm mở ra hi vọng, mở ra lộ trình niềm tin của cuộc đời là những dấu mốc trên hành trình chống lại bệnh tật, vươn lên phát triển kinh tế của nhà văn Nguyễn Đức Lợi (bản Bua, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) bộc bạch.
Sinh ra và lớn lên ở Sơn La nhưng như sự đưa đẩy của số phận, Nguyễn Đức Lợi lập nghiệp và mưu sinh ở Điện Biên. Là người nông dân chăm chỉ, cần cù vậy mà bệnh tật và thất bại liên tiếp vây bủa lấy anh. Anh bị căn bệnh thiếu oxy lên não hành hạ nhiều năm liền. Đặc biệt, năm 1999, anh bị tai biến do thiếu oxy não gây lên kéo theo những ngày tháng vật vã “chiến đấu” chống lại bệnh tật…
Quyết tâm và nỗ lực vượt lên khi tất cả tiền của dành dụm đã đổ vào chữa bệnh, vốn liếng chỉ còn là ý chí. Năm thứ 2 sau tai biến, các cơn co giật dày hơn cả giấc ngủ, mà người nông dân ấy vẫn miệt mài học viết báo. Những lá thư gửi đi các tòa soạn, có bài đăng được khoản nhuận bút nào anh gom góp đầu tư nuôi 5 đàn ong mật (với giá 1 triệu đồng/đàn). Tuy nhiên, do không hợp khí hậu và thiếu kinh nghiệm nuôi số ong này chết sạch. “Lúc này, tôi trở thành kỹ sư nuôi ong, hệ tự đào tạo. Nghiên cứu tập tính sinh tồn, phát triển của ong và là người nhân 1 đàn ong giống lên 12 đàn/năm (1.200%). Thậm chí, soạn thuê giáo án dạy nghề ong, viết cả chục bài báo về ong và mở mấy chục khóa tập huấn cho người dân có nhu cầu… Nhưng nghiệt ngã số phận chưa chịu buông tha. 7 năm làm nghề, từ trại ong 3-4 trăm đàn, thu mỗi năm hoa 3-4 tấn mật, nửa tấn phấn hoa… chỉ để đắp đống quanh nhà, nợ chồng lên nợ”, anh Lợi hồi tưởng.
Thảm cảnh thất bại liên tiếp 5-7 lần, có lúc đến viên thuốc Umitol cầm cự với bệnh thiếu oxy não anh cũng không mua nổi nữa. Tất cả hiếu hỷ, lễ lạt, ốm đau… đều trông cả vào đồng lương ít ỏi của vợ. Thế là ngày ngày, anh cầy cật chạy xe ôm, tối nấu rượu… và viết văn, viết báo để trả nợ phá sản trại ong và bước tiếp khởi nghiệp. Anh giấu vợ mua chịu một quả đồi hoang. Rồi lại xoay xở, nợ kệ nợ trồng nên một đồi cà phê.
Anh kể, song song đó, anh mua lợn rừng giống về nuôi. Thời gian 2 năm đầu, cứ nuôi lợn lại chết vì bệnh, không nản anh gom góp tiền làm lại. Và người nông dân ấy lại lên đèo Pha Đin lấy hạt giống đào phai - nơi mà 2 gốc đào đã “cứu mạng anh” ngày trước khi anh đi xe ong thu mật nhãn ở Hưng Yên trở về bị mất phanh, lao xuống vực. “Tôi như được sinh ra lần 2, nên lấy giống đào ấy về tri ân”, anh tâm sự.
Rồi giá cà phê lao dốc, ngày mới trồng giá 1kg thuê được 2 công lao động, 10 năm tiếp theo giá bán 5kg không đủ thuê một công thu hái. Khi này, “nhà văn nông dân” gánh thêm khoản nợ lớn. Lo nghĩ nhiều, bệnh tật tái phát, anh rơi vào stress bỏ bê không quan tâm sức khỏe. Anh rơi vào nghiện lang thang một mình trong bóng tối nơi rừng núi. Nhớ lại quãng thời gian này, anh bảo, nỗ lực đến kiệt quệ rồi, dường như tưới cả máu vào cải tổ, thay đổi rồi. Trở về từ trang trại như rừng hoang, tâm trạng rơi tự do, người anh như cái lá khô héo mỗi ngày…
“Khai sinh” trang trại trồng tảo trên núi…
Vào năm 2012, tình cờ anh Lợi được người quen tặng một ít tảo Nhật - tảo Spirulina – loại thực phẩm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe tốt nhất của loài người trong thế kỷ 21”. Quá trình uống sức khỏe anh cải thiện rõ rệt. Một thứ kích thích kỳ lạ nảy sinh khiến anh tìm hiểu kiến thức, thông tin về tảo nhưng không có nhiều thông tin.
Đến năm 2015, trong chuyến đi Thái Lan anh biết được có loại tảo tươi, tảo tươi tốt hơn tảo bột, tảo viên nang, đặc biệt tảo tươi có thể nuôi được… “Học mới biết thuật ngữ “không tanh không phải là tảo” là sai. Tảo chỉ tanh khi phân hủy, hoặc lẫn tạp. Trong nước đã có các mô hình nuôi tảo nhưng là hệ nuôi hở sẽ không cho ra tảo nguyên chất. Vậy thì Thái Lan họ làm như thế nào? Câu hỏi cứ thôi thúc tôi tìm lời giải. Cả năm trôi qua trong nỗi thèm thuồng thông tin về tảo, tôi lao vào đọc và học. Không đơn giản. Ở Việt Nam người ta không bán giống tảo gốc, chỉ bán giống cấp 1, nuôi 1 lần. Vậy thì phải sở hữu tảo gốc! Phải học phân lập tảo… Ngày có đủ tiền vé quay lại Thái Lan cũng là ngày thất vọng bởi ở đó là “bí mật công nghệ!” không thể với tới”, anh nhớ lại.
Không nản chí, anh tự nhủ, “bộ não tật nguyền” không được phép ngơi nghỉ, phải kiên trì bước tiếp. Năm 2017, anh gom bòn tiền, vay mượn, đi về Hà Nội như con thoi để mua kính hiển vi, bút đo PH, ống nghiệm, đèn cồn, pipet, đĩa petri, bột genlatin, hàng chục máy móc… nhằm nghiên cứu, phân lập tảo gốc từ đám tảo nhiễm tạp với mục đích sở hữu “giống gốc”.
Sau 35 ngày “ăn ngủ với tảo”, anh nghiên cứu thành công thu về 10ml tảo gốc sạch, thuần chủng đầu tiên. Giây phút đó anh đã bật khóc trong niềm vui sướng, cảm động. Từ một người không có chuyên môn khoa học, nhà văn tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nuôi trồng và tìm ra “công nghệ nuôi kín” ưu việt, sử dụng bể kính đậy kính đặt trong nhà kính để hạn chế sự xâm nhập của tảo dại, tảo độc… mà tảo nuôi hệ hở mắc phải.
Nói về kỹ thuật nuôi tảo, người nông ấy say mê, phân tích thông tin chính xác như nhà khoa học thực thụ: “Bể kính chống lại sự ăn mòn nước biển (Môi trường Zarour là môi trường kiềm - nước biển), chống lại quy trình thải độc từ vật liệu nuôi vào tảo như bể xi măng, bể bạt, thùng nhựa… Kết quả là các chỉ số xét nghiệm hóa sinh cực kì tốt. Hàm lượng dưỡng chất, chất đạm… trong tảo rất cao, không có hóa chất độc hại, kim loại nặng và đặc biệt là tảo dại. Tuy nhiên, đòi hỏi đầu tư rất lớn”, anh nói.
Hơn 2 năm dày công nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình trồng và chế xuất, sang năm thứ 3, sản phẩm tảo xoắn không tanh Đức Lợi được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, cấp Chứng nhận sản phẩm an toàn. Cần mẫn khởi nghiệp để rồi anh xây dựng lên khu trang trại trồng, chế xuất tảo hiện đại trên núi; thực hiện Bảo hộ thương hiệu độc quyền.
Nuôi và chế xuất tảo thành công, nhà văn Nguyễn Đức Lợi lại đối mặt với bài toán “đầu ra” cho sản phẩm. Thời gian đầu, anh viết bài quảng bá trên mạng xã hội, lang thang các con phố phát tờ rơi để giới thiệu sản phẩm. Cho đến thuê người phát tờ rơi ở Hà Nội và một số tỉnh thành khác. Đồng thời, tham gia các hội chợ, hội thảo, các chương trình giao lưu, kỉ niệm… của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được mời hoặc anh chủ động xin được tham gia… để được nói, quảng bá về giá trị của tảo… Có khách hàng, có nguồn thu, anh tiếp tục nghiên cứu chế ra các sản phẩm: Mặt nạ tảo xoắn chăm sóc sắc đẹp, kem tảo xoắn, caramen tảo xoắn, thạch tảo xoắn, sữa chua tảo xoắn, xà phòng tảo xoắn…
Thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19, mạng lưới phân phối tảo xoắn tươi cao cấp không tanh Đức Lợi hiện diện ở hầu khắp các tỉnh, thành từ miền Trung ra Bắc. Sau dịch Covid-19, phạm vi phân phối thu hẹp khoảng 50% bởi các yếu tố khó khăn do dịch bệnh.
Hiện nay, khả năng phục hồi thị trường đang tốt dần lên, là sản phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng đa dạng, chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ, giảm hàm lượng triglycerid và cholesterol có hại, hỗ trợ điều trị ung thư. Đặc biệt, tảo xoắn mang lại nhiều lợi ích đối với sự phát triển của não bộ nhờ hàm lượng DHA gấp 4,5 lần dầu cá, bổ sung siêu dinh dưỡng cho các phụ nữ mang bầu, sau sinh, trẻ em, người già, người bệnh nặng… tảo còn giải quyết tăng ngay bạch cầu (kháng thể) cho người bệnh, tăng ngay khả năng hô hấp, lực cơ, vận động, cải thiện giấc ngủ… được nhiều người ưa chuộng sử dụng. Trung bình trang trại của nhà văn Nguyễn Đức Lợi cung cấp cho thị trường khoảng 500kg tảo tươi/tháng và tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương… Ngày ngày, “nhà văn nông dân” vẫn cần mẫn như con ong chăm chỉ, quán xuyến, chăm chút cho trang trại nuôi tảo ngày một “vươn xa”…
* Bài dự thi Cuộc thi viết Vì Việt Nam Xanh...
Mời quý độc giả đón đọc Bài 2: Dựng lên Khu du lịch sinh thái Đào Viên Sơn từ ý tưởng tri ân thiên nhiên