Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu mắc ca của Việt Nam đạt 136,8 triệu USD với khối lượng đạt gần 5.400 tấn nhân và 25.500 tấn mắc ca nguyên vỏ.
Cũng trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu mắc ca của Việt Nam đạt 59,6 triệu USD với khối lượng trên 3.000 tấn nhân và 390 tấn mắc ca nguyên vỏ. Mắc ca của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 21 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có Thái Lan, Đức, Malaysia, Hồng Kông, Hà Lan, Hoa Kỳ…Sản phẩm mắc ca tại Việt Nam chủ yếu là hạt sấy khô, nhân. Các sản phẩm được chế biến từ mắc ca như sữa, cà phê, dầu ăn, dầu gội... bước đầu đã được chấp nhận và tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Phát triển mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững là mục tiêu đặt ra tại đề án "Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" vừa được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký tại Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022.
Đề án đặt mục tiêu phấn đấu sản lượng mắc ca qua chế biến đạt khoảng 130.000 tấn hạt vào năm 2030, khoảng 500.000 tấn hạt vào năm 2050. Giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm mắc ca đạt khoảng 400 triệu USD vào năm 2030, khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2050, trong đó tỷ lệ sản phẩm mắc ca nguyên vỏ không vượt quá 40%.
Tính đến tháng 5/2021, cả nước hiện có 65 cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca và chủ yếu tập trung tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk. Tổng công suất tiêu thụ nguyên liệu là 7.315 tấn hạt. Về quy mô, các cơ sở chế biến không đồng đều, công suất từ 10 tấn/năm đến trên 1.000 tấn/năm.
Mặc dù bước đầu đã có một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất sản phẩm sữa mắc ca, tuy nhiên việc chế biến và tiêu thụ luôn là bài toán nan giải nhất nếu đạt được sản lượng lớn. Do đó, Tổng cục Lâm nghiệp khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca gắn với vùng trồng nguyên liệu tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên là cần thiết.
Đồng thời, cần nâng cấp 65 cơ sở sơ chế, chế biến hiện có, xây dựng mới khoảng 300 - 400 cơ sở sơ chế, chế biến, công suất mỗi cơ sở từ 100 - 200 tấn hạt/năm. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 8 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm mắc ca có giá trị cao, công suất mỗi cơ sở từ 10.000 - 15.000 tấn hạt tươi/năm tại những địa phương có điều kiện thuận lợi.
Đối với thị trường phát triển mắc ca trong nước, các địa phương cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca, gắn với chỉ dẫn địa lý; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm mắc ca.
Còn tại thị trường xuất khẩu các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ rào cản thương mại. Tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nhân và hạt mắc ca nguyên vỏ, các sản phẩm mắc ca chế biến sâu vào thị trường các nước.
Hạt mắc ca được thị trường ưa chuộng, nên rất dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, cây mắc ca phải trải qua chu kỳ từ 5-7 năm mới cho ra trái. Để giúp người dân nâng cao hiệu quả từ cây trồng này, Tổng cục Lâm nghiệp đã xây dựng kế hoạch triển khai hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả. Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế và bảo quản mắc ca, tiêu chuẩn giống cây trồng mắc ca...
Cho tới nay, sản lượng mắc ca trên toàn thế giới mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu trong khi tốc độ tăng trưởng của thị trường bình quân khoảng 15%/năm. Theo dự báo của Hiệp hội Quả khô thế giới (INC), đến năm 2030 lượng cung hạt mắc ca mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ. Quy mô ngành hàng mắc ca ở Việt Nam chưa lớn, đây chính là cơ hội để Việt Nam đi theo cách làm bài bản ngay từ đầu, tránh tình trạng phát triển ồ ạt nhưng manh mún, tự phát như một số nông sản khác.