Đến Lào Cai vào thời điểm này, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của những thửa ruộng bậc thang ngả màu vàng óng mà còn được thưởng thức vị ngọt thanh mát, thơm giòn của quả hồng không hạt.
Hồng giòn không hạt được trồng ở một số huyện vùng cao của Lào Cai, tập trung lớn nhất ở huyện Mường Khương. Đặc biệt, cây hồng ngâm không hạt không kén đất, có thể trồng tập trung hoặc phân tán ở chân đồi, ven ao, suối hay các chân ruộng cạn.
Trong quá trình chăm sóc, người dân chỉ cần bón phân, phát dọn cỏ, không cần cắt tỉa, vin cành tạo tán mà cây vẫn cho quả đều. Nếu thời tiết thuận lợi, cây đậu quả nhiều thì người dân có nguồn thu nhập ổn định bởi quả hồng giòn không hạt khi chín, ruột chuyển màu vàng đậm, vị ngọt thanh, thơm, ăn giòn nên được nhiều người ưa thích.
Xác định hồng không hạt là cây trồng chủ lực, hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua, Mường Khương đã có những giải pháp tích cực để mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng quả, đồng thời tập trung xúc tiến, xây dựng thương hiệu cho loại cây này.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mường Khương, cho biết đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Mường Khương đã có gần 100 ha cây hồng giòn và 20 ha đã bước đầu cho thu hoạch. Loại cây này hứa hẹn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ 100-200 triệu đồng/ha, cao gấp từ 4-5 lần so với trồng ngô và sẽ là loại cây mang lại triển vọng xóa đói, giảm nghèo bền vững của địa phương.
Hiện tại, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Khương đang nỗ lực hỗ trợ người dân từng bước xây dựng thương hiệu hồng giòn, phát triển, liên kết thị trường tiêu thụ ổn định lâu dài để nâng cao đời sống, thu nhập cho bà con.