Lào Cai: Đưa nông sản Bát Xát lên sàn thương mại điện tử

Sàn thương mại điện tử (TMĐT) với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản. Huyện Bát Xát đã và đang hợp tác, nỗ lực hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT nhằm giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
bs1-1674695810.jpg
Nhiều sản phẩm nông sản của Bát Xát được đưa lên sàn TMĐT

Hiện huyện Bát Xát có 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên và rất nhiều nông sản đang được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Tuy nhiên hiện nay, do hạn chế về tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực công nghệ cao, điều kiện tiếp cận công nghệ... nên số HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất tham gia vào lĩnh vực chuyển đổi số, đưa nông sản lên sàn TMĐT chưa nhiều. Các sản phẩm được lựa chọn hầu hết đã đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP, có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các sàn TMĐT như: Postmart.vn, Voso.vn.

Trong những năm gần đây, công tác chuyển đổi số tại huyện Bát Xát đang được các cấp, các ngành triển khai một cách toàn diện, có hệ thống, trong đó nội dung trọng tâm là Chuyển đổi số, chính quyền số và cải cách hành chính phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn huyện. Đến thời điểm hiện tại toàn huyện có 18.826 địa điểm được gắn địa chỉ số. Trong đó 17.696 hộ gia đình; 1.130 địa chỉ tại các cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, các khu dân cư, chợ dân sinh... Những kết quả trên góp phần không nhỏ trong việc làm thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp, hộ sản xuất về phương thức kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ gắn với phát triển công nghệ số trong nông nghiệp, nông thôn.

Nắm bắt nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, HTX Miến đao Minh Phúc đã lựa chọn phương thức bán hàng trên các sàn TMĐT và các kênh bán hàng trực tuyến khác. So với các phương thức bán hàng truyền thống, rõ ràng kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn TMĐT không những mở thêm cơ hội mới, giúp HTX có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản cho người dân được thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá.

bs2-1674695858.jpg
Đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT ngày càng chuyên nghiệp

Sử dụng sàn TMĐT, mạng xã hội để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cũng là cách mà HTX Tiên Phong, Mường Vi đang thực hiện rất có hiệu quả. Đưa sản phẩn lên sàn TMĐT Postmart.vn từ năm 2018. Giờ đây, người tiêu dùng chỉ cần vào mạng, gõ tên: “http://www.tabadasa.com.vn” và tìm kiếm, ngay lập tức các sản phẩm sẽ hiện ra với đầy đủ thông tin về giá, xuất xứ sản phẩm... Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, mở rộng thị trường và kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các sàn TMĐT, trong năm qua, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều HTX vẫn tiếp tục được duy trì, mở rộng.

Ông Cao Xuân Diễn - Giám đốc HTX Tiên Phong, Mường Vi chia sẻ: “Trước kia sản phẩm của chúng tôi chỉ bán qua kênh truyền thống, khi có sàn TMĐT chúng tôi đã đưa 3 dòng sản phẩm của mình lên sàn TMĐT Postmart.vn và trang Web của HTX. Chúng tôi cũng thấy rằng sản phẩm khi đưa lên sàn TMĐT Postmart đã tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Khách hàng sử dụng trực tiếp không qua kênh phân phối, đại lý thì giá thành khi đến tay khách hàng phù hợp hơn và sản phẩm phát triển nhiều hơn so với khi chưa tiếp cận với sàn TMĐT”

Huyện Bát Xát có rất nhiều sản phẩm đặc trưng như: Lê Tai nung, Hoàng Sin Cô, rượu thóc men lá, các loại dược liệu,… Trong đó, nhiều sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, một số đã đạt chứng nhận OCOP. Đây là sự bảo chứng về chất lượng để có thể đưa sản phẩm lên sàn TMĐT tiếp cận với đa dạng khách hàng trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do hạn chế về trình độ công nghệ nên hiện người dân mới chỉ tiếp cận bán hàng qua mạng xã hội Facebook, Zalo...  đến thời điểm hiện tại nhiều sản phẩm nông sản an toàn của Bát Xát vẫn chưa được người dân đưa lên bán trên kênh sàn TMĐT.

Anh Vàng Văn Sưởng - Giám đốc HTX Mường Kim, xã Mường Vi cho biết: “Đơn vị HTX chúng tôi đực thành lập từ năm 2016 liên kết với bà con chủ yếu sản xuất, chế biến, chiết xuất các loại tinh dầu thảo dược. Trước đây, sản phẩm của HTX chỉ bán cho các đối tác quen biết và các công ty dược đặt hàng, đầu ra chưa ổn định. Được các phòng, ban của huyện hướng dẫn tiếp cận với sàn TMĐT và sau khi sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT cũng mong muốn được tiếp cận với nhiều khách hàng hơn, sản phẩm được bán rộng rãi không những trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài”

Trong những năm gần đây, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh trên tay, “cả thế giới mở ra trước mắt”, nhất là đối với một số hộ nông dân, chuyển đổi số đã giúp họ áp dụng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Tuy nhiên để giải quyết bài toán về tiêu thụ nông sản cho nông dân cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, cần sớm phối hợp triển khai công tác đào tạo, hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp từ cách thức nuôi trồng để tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng đến việc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, internet, nền tảng TMĐT... để nông dân sớm làm chủ được hình thức bán hàng mới trên các sàn giao dịch TMĐT.

Ông Châu Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Kim cho biết: “Trong thời gian vừa qua người dân trên địa bàn xã đã tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất từ đó nâng chất lượng sản phẩm nông sản của địa phương. Cấp ủy, chính quyền xã cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách thực hiện đăng tin, bài quảng bá các sản phẩm trên các trang mạng và sàn TMĐT. Đồng thời chúng tôi cũng đã tuyên truyền trên các phương tiện như: Loa truyền thanh, hội nghị tuyên vận, họp thôn... chính vì vậy người dân đã dần tiếp cận và đưa được các sản phẩm của mình lên sàn TMĐT thúc đẩy bán hàng và đưa sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng hơn”

Hiệu quả từ chuyển đổi số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã được minh chứng. Để thực hiện mục tiêu năm 2023 100% sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử. 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình có sản phẩm OCOP được tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử... Huyện Bát Xát đã triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp.

Tăng cường hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã nông nghiệp, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn huyện đăng ký tham gia các sàn TMĐT, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời phối hợp với các bên liên quan và các sàn TMĐT tổ chức đào tạo, tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng trên sàn cho các hộ sản xuất, kinh doanh.

Ông Phạm Văn Tâm - Trưởng Phòng Văn hóa, thông tin huyện Bát Xát khẳng định: “Phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, Phòng Văn hóa, thông tin huyện tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện, Ban chỉ đạo chuyển đổi số của huyện triển khai những nội dung theo kế hoạch, định hướng do tỉnh ban hành cũng như Sở Thông tin - Truyền thông hướng dẫn. Trong đó trọng tâm là tăng cường năng lực chuyển đổi số cho các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ công nghệ số cộng đồng. Chú trọng hướng đến các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh các sản phẩm nông sản để kết nối các sản phẩm OCOP, các sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng lên sàn TMĐT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”

Thực tế cho thấy, so với các phương thức tiêu thụ truyền thống, rõ ràng kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn TMĐT không những mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong thời đại công nghệ 4.0.

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở, sự chủ động của các chủ thể trong việc tăng cường cơ sở vật chất, các điều kiện để giao dịch, bán hàng trên các nền tảng số, các sàn TMĐT... là điều kiện thuận lợi để xây dựng thị trường nông sản Bát Xát phát triển bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương./.

Quang Phấn