Vào chiều ngày 24/01/2024, UBND huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm năm 2024. Đến dự hội nghị, về phía Trung ương có các ông: Lê Hoàng Anh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội; Đinh Ngọc Qúy, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Xã hội của Quốc hội; Nguyễn Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang Trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam. Về phía tỉnh có Đại tá Lê Kim Giàu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; ông Nguyễn Hữu Quế, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan cùng 200 doanh nhân, nhà đầu tư trên mọi miền đất nước, cán bộ các huyện bạn, cán bộ huyện Đức Cơ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Vũ Mạnh Định, Phó bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ nhấn mạnh: “Đức Cơ là một huyện nằm ở phía Tây tỉnh Gia Lai, có vị trí quan trọng trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào- Campuchia; với Quốc lộ 19 là trục giao thông chiến lược gắn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Quốc lộ 14C với tuyến hành lang biên giới Việt Nam - Campuchia. Huyện Đức Cơ nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 50km, là cửa ngõ quan trọng của hành lang kinh tế phía Tây tỉnh Gia Lai. Đây là điều kiện quan trọng để phát triển thông thương với các tỉnh của nước bạn lân cận, các huyện phía Tây tỉnh, thuận lợi khai thác tiềm năng về kinh tế - xã hội và giao lưu quốc tế thông qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh…
Với lợi thế là huyện nông nghiệp, có diện tích đất sản xuất nông nghiệp rộng lớn và màu mỡ, khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả nhiệt đới hiện đang có diện tích và sản lượng lớn của tỉnh, như: cây cao su 13.000 ha, cây điều 26.000 ha, cây cà phê 9.000 ha, sầu riêng gần 1.000 ha, hồ tiêu 680 ha; ngành chăn nuôi của huyện cũng phát triển ổn định với các mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo quy mô vừa, lớn, nhất là ngành nghề dẫn dụ và gây nuôi chim yến đang hình thành và phát triển nhanh về số lượng nhà yến cũng như sản lượng, chất lượng tổ yến thô khai thác hàng năm. Trên địa bàn huyện đã có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao và 23 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.
Ngoài tiềm năng về phát triển nông nghiệp, để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, trong thời gian qua, huyện đặc biệt chú trọng đến việc phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Hiện nay, UBND huyện đã xây dựng phương án phát triển Cụm công nghiệp huyện Đức Cơ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với diện tích 75 ha tại thôn Ia Kăm, xã Ia Kriêng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung của tỉnh. Sau khi Cụm công nghiệp huyện được thành lập sẽ ưu tiên phát triển các nhóm ngành nghề như: chế biến nông lâm sản; thực phẩm; sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; vật liệu xây dựng; thủ công mỹ nghệ…; sản xuất sản phẩm cơ khí, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc nông cụ, thiết bị phục vụ nông nghiệp nông thôn; Các ngành công nghiệp phụ trợ …
Ngoài ra, huyện Đức Cơ có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, khai thác hợp lý, có hiệu quả các di tích lịch sử văn hóa của địa phương như: Khu di tích lịch sử chiến thắng Chư Ty, chiến thắng Chư Bồ; các danh lam thắng cảnh: Thác Ông Đồng, Suối Đôi, Cây đa di sản làng Ghè ... và các địa danh khác trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng, phát triển các loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường....”
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, UBND huyện phải làm tốt việc đền bù, giải phóng mặt bằng các Dự án đề hỗ trợ nhà đầu tư. Sớm hình thành Khu công nghiệp để thu hút nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách huyện và tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Tập trung nguồn lực, thuê các nhà tư vấn giỏi quy hoạch huyện với phương châm bám sát quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức nhiều Hội chợ để tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện.
Với vai trò Phó chủ tịch Hiệp hội Trang Trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Dũng cho biết: Hiệp hội sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai sớm thành lập Hiệp hội Cà phê và Hiệp hội yến sào của tỉnh để tạo ra sản lượng lớn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Châu Âu. Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử của Viện nghiên cứu Sức khỏe và Phát triển Giáo dục Tây Nguyên. Tôn vinh các doanh nghiệp nông nghiệp và chủ trang trại trong cả nước. Cập nhật hoạt động của các doanh nghiệp để kết nối đầu tư, mở rộng xuất khẩu…
Sau khi giới thiệu danh mục các Dự án trọng tâm kêu gọi đầu tư trên đại bàn huyện Đức Cơ giai đoạn 2021-2025, trong đó có 16 Dự án thuộc lĩnh vực xây dựng, nhà ở, thương mại, dịch vụ; 06 D ự án thuộc lĩnh vực giáo dục, văn hóa và du lịch… lãnh đạo UBND huyện Đức Cơ đã ký kết và trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 10 Dự án trong các lĩnh vực hạ tầng, y tế, nông - lâm nghiệp. UBND huyện cũng tặng Giấy khen cho 14 tập thể và 5 cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế năm 2023.
Sau hội nghị, các đại biểu đã tham dự Hội chợ triển lãm sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 60 gian hàng và ngày Hội văn hóa các dân tộc huyện Đức Cơ lần thứ nhất năm 2024.
Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện Đức Cơ là dịp giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế của huyện đến các nhà đầu tư trong và ngoài huyện. Ngoài ra, đây là dịp để các nhà đầu tư trong và ngoài huyện đến tìm hiều đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội tại huyện, nhất là đầu tư tại các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn của huyện. Thông qua đó, tạo cơ hội việc làm, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và dịch vụ; đầu tư cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương./.