Chương trình cũng đã tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đặc trưng của từng địa phương.
Thông qua việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn; ứng dụng công nghệ cao; xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm… nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương, hết năm 2020, có 3.843 sản phẩm OCOP (Chương trình "mỗi xã một sản phẩm") được 61 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án. So với kế hoạch con số ấy vượt gần 1,6 lần so với mục tiêu 2.400 sản phẩm. Tuy nhiên, hiện việc tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn gặp nhiều khó khăn, tình trạng được mùa rớt giá, có nơi ứ đọng... nên rất cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp...
Rất nhiều địa phương đã đưa sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh đăng ký tham gia chương trình thẩm định. Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP nhiều địa phương đã xếp hạng công nhận và cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt chuẩn.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân thành công là mục tiêu phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững với những cách làm phù hợp.
Các cấp, chính quyền chú trọng phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể; vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, huy động nguồn lực phù hợp để từ đó kịp thời động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tạo động lực phát triển phong trào OCOP ngày càng mạnh mẽ.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm đặc biệt các sản phẩm đã được xếp hạng đạt chuẩn OCOP gắn với du lịch; ứng dụng thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, truy suất nguồn gốc sản phẩm...
Cùng với đó, các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện trọng tâm chương trình là phát triển và tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Các cơ quan hữu trách tăng cường công tác quản lý nhà nước trong quản lý và phát triển sản phẩm OCOP; thực hiện thanh tra, kiểm tra các sản phẩm, hàng hóa, nhãn hiệu, logo của tổ chức cá nhân đã được công nhận sản phẩm OCOP nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách mạnh, phù hợp để huy động nguồn lực xã hội, ưu tiên đầu tư nguồn kinh phí hỗ trợ cho phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh, quốc gia gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; khơi dậy, thúc đẩy tính sáng tạo từ chủ thể, doanh nghiệp, HTX, làng nghề tham gia chương trình OCOP.
Tuy nhiên nhiều sản phẩm OCOP vẫn loay hoay tìm nơi tiêu thụ, đầu ra chưa vững chắc nên hạn chế tới sự phát triển. Hiện nay rất cần một cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị bền vững…
Ðẩy mạnh hoạt động kết nối Với tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ Chính phủ, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" đã và đang được khai thác hiệu quả theo thế mạnh của mỗi địa phương.
Ðể xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, nhiều địa phương đã có những bước đi cụ thể, linh hoạt, để thực hiện các nội dung: tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; in tem, nhãn, QR code; in bao bì... Nhiều doanh nghiệp, HTX chỉ mới lấy chứng nhận OCOP mà chưa thật sự quan tâm đưa sản phẩm vào siêu thị, cửa hàng và các điểm “hàng sạch” để tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Do đó, nhiều nơi đã và đang nỗ lực thực hiện các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất hàng OCOP… từ sản xuất đến việc đưa vào hệ thống phân phối hiện đại, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu để tiêu thụ. Ðồng thời hoàn thiện những khâu cuối cùng về hồ sơ, thủ tục phát triển để đưa thêm các sản phẩm OCOP vào hệ thống bán buôn, bán lẻ tiếp cận với người tiêu dùng trên địa bàn rộng.
Hiệp hội Đầu tư Xây dựng và dịch vụ Nông Lâm nghiệp Việt Nam đang lập kế hoạch giới thiệu, quảng bá đồng thời kết nối sản phẩm OCOP các vùng miền, trước mắt chủ động tiêu thụ trong nội địa sau đó lựa chọn các sản phẩm tiềm năng phục vụ xuất khẩu./.