Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo kết nối tiêu thụ sản phẩm

Để sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành hàng tiêu dùng và thực phẩm có thể kết nối vào kênh bán lẻ hiện đại, nguồn cung hàng hoá cần phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng, qua đó dần hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững.

Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Kết nối sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào siêu thị và các kênh phân phối” do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 18/11 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Giải pháp quan trọng

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009 đã đạt kết quả ấn tượng sau 12 năm triển khai thực hiện.

Là một trong những đơn vị nòng cốt trong việc triển khai cuộc vận động, trong hơn 10 năm qua, Bộ Công Thương đã luôn đồng hành với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để vận động mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội ưu tiên dùng hàng Việt Nam và tích cực đầu tư, sản xuất, cung ứng sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao thông qua các kênh phân phối bán lẻ trong và ngoài nước; trong đó, kết nối cung cầu hàng hóa là một trong các giải pháp quan trọng, góp phần không nhỏ vào thành công của cuộc vận động.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thông qua các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa từ Trung ương đến địa phương, từ cấp vùng miền, quốc gia đến cơ sở, đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng cao, lên đến 90% tại các siêu thị trong nước và trên 70% tại các siêu thị của các doanh nghiệp FDI.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam đang ngày một lớn mạnh; trong đó, ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm, tuy còn mới mẻ, nhưng không ít tiềm năng bởi đây là vấn đề được cả xã hội quan tâm.

Những dự án trong lĩnh vực thực phẩm đã góp phần đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cộng đồng; đồng thời, góp phần cung cấp nguồn cung dồi dào cho các kênh phân phối. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay đã có nhiều startup thành công, đưa ra thị trường sản phẩm thực phẩm an toàn, có chất lượng, bước đầu nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng và thâm nhập được vào hệ thống phân phối hiện đại như: MM Mega Market, Lotte, Vinmart, Coopmart…

Thực tế cho thấy, việc tham gia vào chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại là việc không dễ dàng do các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được những tiêu chí cơ bản như: giấy tờ pháp lý, chứng nhận chất lượng, bao bì mẫu mã.

Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng nhận định: lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh với quy mô thị trường có thể đạt tới 180 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Cùng với đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay có thể đưa hàng hóa vào siêu thị và các kênh phân phối chủ yếu ở doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh và thực phẩm.

Tuy nhiên, để có được thị phần là chuyện không dễ dàng, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp ngành hàng tiêu dùng và thực phẩm muốn tìm một chỗ đứng trong kênh bán lẻ hiện đại – siêu thị. Thứ trưởng Trần Văn Tùng kỳ vọng, hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam giao lưu, học hỏi, tiếp cận và kết nối, phát triển thị trường tại các kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước. Qua đó, có những điều chỉnh kịp thời về cơ cấu và năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Ông Đào Trọng Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, những năm qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các bên liên quan triển khai rất nhiều hoạt động trong phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước được phân công tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật An toàn thực phẩm và Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Đây đã và đang thực hiện vai trò định hướng, xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp được hoạt động sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm, hàng hóa.

Mặt khác, ở góc độ doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khi sản xuất, sáng tạo ra sản phẩm, hàng hóa cần chủ động nắm bắt các thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kết nối với cơ quan quản lý nhà nước khi cần thiết để đảm bảo hàng hóa được lưu thông trên thị trường, bao gồm tại các hệ thống siêu thị, kênh phân phối, bán lẻ được thuận lợi.

Hướng đi bền vững

11775978726882282780860928108438265161167056n-15979204273811328588905-1637309381.jpg
Thúc đẩy kết nối doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm

Chia sẻ về sự cấp thiết của xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững tại doanh nghiệp, bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại MM Mega Market cho rằng, đây sẽ là giải pháp ổn định đối với người nông dân giúp hàng hoá được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, tư vấn về mặt kỹ thuật để yên tâm sản xuất.

Đối với doanh nghiệp, có thể chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý cũng như giải quyết bài toán về chất lượng nông sản, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng nông sản trong nước, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường. Từ đó, hướng đến phát triển thị trường xuất khẩu.

Theo bà Trần Kim Nga, MM Mega Market luôn nỗ lực và chủ động liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp để tìm và phát triển nguồn hàng; tổ chức hội chợ  Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hội chợ nông sản, ký kết Biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương, các tỉnh, cam kết tiêu thụ sản phẩm chủ động; xây dựng hệ thống các trạm trung chuyển khắp cả nước. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết với nông dân từ những bước đầu tiên và phát triển quy trình quản lý chất lượng đạt chuẩn vì người tiêu dùng.

Ông Majima Fumihiro, Giám đốc khối Kinh doanh Công ty CP Acecook Việt Nam cho hay, khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị, doanh nghiệp cần có định hướng cụ thể về đối tượng khách hàng, đặc tính của sản phẩm; chú ý đến mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm, định hướng hoạt động marketing phát triển sản phẩm; theo dõi phản hồi của khách hàng để kịp thời có những cải tiến, thay đổi phù hợp với nhu cầu thị trường…

Còn theo ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Phát triển Đối tác Kinh doanh của Lazada Việt Nam, trong bối cảnh người dùng các sản phẩm kỹ thuật số tăng mạnh như hiện nay, thương mại điện tử cũng là hướng đi bền vững cho chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới. Đây là hoạt động mà các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng nên tập trung phát triển để khai mở tiềm năng, tăng trưởng doanh thu, mở rộng thị trường.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Bộ Công Thương đã liên tục tổ chức các chương trình kết nối, tăng cường xúc tiến thương mại, truyền thông và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, phát triển thị trường tại các kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước, qua đó có những điều chỉnh kịp thời về cơ cấu và năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kết nối cung cầu hàng hoá của các doanh nghiệp vào siêu thị và các kênh phân phối và tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ nhận thức về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hàng hoá đến với các doanh nghiệp nhằm đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm tuân thủ quy chuẩn, chất lượng tốt nhất./.