Lào Cai phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững, đến năm 2030 cơ bản không có hộ nghèo

Tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2025 nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ tháng 01 và cả năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh: Lào Cai phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững, đến năm 2030 cơ bản không có hộ nghèo.
lao-cai-dnktx-1735984437.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong (giữa) thăm mô hình trồng chè tại xã Bản Sen (huyện Mường Khương). (Ảnh CTV)

Tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2024 ước đạt 7,38%

Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương và Tỉnh ủy; sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả giữa HĐND tỉnh và UBND tỉnh; cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế... kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được một số kết quả tích cực:  Tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2024 ước đạt 7,38%, cao hơn mức tăng 5,18% của năm 2023, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước khoảng 7%, xếp thứ 9/14 tỉnh TDMNPB và xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố.

Tuy chưa đạt như kỳ vọng và mục tiêu KH đặt ra, nhưng trong đó vẫn có những điểm sáng như: Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) tỉnh Lào Cai đạt 77.223,08 tỷ đồng, tăng 11,76% so với năm 2023, xếp thứ 4/14 tỉnh TDMN và xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố. GRDP bình quân đầu người đạt 97,48 triệu/người/năm, tăng 8,88 triệu đồng/người/năm so với năm 2023. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp ước tính cả năm 2024 tăng 9,64% so với năm trước, đóng góp 2,46 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung (năm 2023 tăng trưởng âm -2,74%); khu vực dịch vụ vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt đạt 8,47%; khu vực xây dựng tăng trưởng khá với mức tăng 7,81%.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13,27%; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 39,02%; ngành dịch vụ chiếm 38,13%; thuế sản phẩm 9,82%. (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ 2022 là 12,8%; 41,1%; 36,2% và 10,2%). Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù chịu ảnh hưởng của bão số 3, nhưng các chỉ tiêu kế hoạch cơ bản hoàn thành. Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm ước đạt 322.725 tấn, bằng 98,5% KH.

Đàn vật nuôi phát triển ổn định, các sản phẩm chăn nuôi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Diện tích nuôi trồng thủy sản được duy trì và ổn định, sản lượng thủy sản năm 2024 ước thực hiện 12.700 tấn, đạt 100% KH năm và bằng 103,25% cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tuy vẫn gặp phải một số khó khăn, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 đạt 84,3% KH nhưng tăng 3,4% so CK năm 2023. Hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,1% KH năm, tăng 8,5% so với cùng kỳ (CK). 

Du lịch tiếp tục phát huy vai trò mũi nhọn của nền kinh tế. Lượng khách tới các điểm tham quan du lịch tăng mạnh, ước đạt 8 triệu lượt khách, bằng 94% KH, tăng 10% so CK. Tổng thu từ khách du lịch đạt 26.700 tỷ đồng, bằng 98% so với kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt, tỉnh Lào Cai luôn nằm trong nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm, đặc biệt là hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đến thời điểm hiện tại UBMTTQ tỉnh đã phân bổ 220 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ của tỉnh để các huyện chủ động kinh phí khắc phục thiệt hại về nhà ở. Tổng số các hộ có nhà ở bị sập, đổ, trôi hoàn toàn hoặc hư hỏng không thể ở được được hỗ trợ làm mới là 696 nhà (trong đó số hộ có nhu cầu xây mới là 685 nhà, 11 nhà còn lại không có nhu cầu xây mới).

Tính đến ngày 14/12/2024 đã khởi công 640 nhà (đã hoàn thành 188 nhà), chưa khởi công 45 nhà. Công tác giáo dục đạt nhiều thành tích nổi bật: Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh; xây dựng xã hội học tập; Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được chú trọng đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa.

Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên từng bước nâng cao chất lượng, tâm huyết và trách nhiệm, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên sáng tạo, đi đầu trong đổi mới, căn bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Công tác y tế tiếp tục được tập trung hoàn thiện hạ tầng tuyến tỉnh đến cơ sở, nhằm đảm bảo việc khám chữa bệnh cho người dân, tiếp tục kiểm soát tốt tình hình các dịch bệnh mới phát sinh trên địa bàn tỉnh. Các sự kiện văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế được tổ chức thành công (Vòng 2 bảng nữ Giải vô địch Bóng quốc gia cúp hoá chất Đức Giang năm 2024; Giải đua xe đạp Một đường đua hai quốc gia…), góp phần tích cực quảng bá hình ảnh Lào Cai tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định. Công tác cải cách hành chính triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, kịp thời tạo nhiều chuyển biến tích cực.

Các chỉ số xếp hạng của tỉnh so với các tỉnh, thành phố trong cả nước được cải thiện: Chỉ số (PAR INDEX) của tỉnh Lào Cai đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2022; Chỉ số SIPAS đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2022; Chỉ số quản trị hành chính công PAPI đứng thứ 33/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tặng 19 bậc so với năm 2022; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, tỉnh Lào Cai đạt 67,38 điểm, thuộc nhóm 30 tỉnh, thành phố đạt chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố, giảm 15 bậc so với năm 2022 (11/63). Quốc phòng, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Quan hệ đối ngoại được mở rộng.

Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, tình hình kinh tế xã hội tỉnh Lào Cai trong tháng  còn một số vướng mắc, khó khăn: Thiên tai tiết diễn biến phức tạp, dông lốc, mưa đá, nắng nóng và hạn hán và đặc biệt là cơn bão số 3 vừa xảy ra đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là khu vực vùng cao; đồng thời gây thiệt hại nặng nề về người và của, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình đến sản xuất, kinh doanh của các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh. Hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.

Đối với các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, phần lớn các đơn vị đều gặp khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý về đất đai ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh…

lao-cai-dnktx1-1735984551.jpg
Cây lê được xác định là cây thoát nghèo ở Lào Cai, ảnh CTV

Phát triển kinh tế - xã hội theo hướng “Số - Xanh - Hạnh phúc”

Trên cơ sở kết quả tăng trưởng GRDP năm 2024 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh lựa chọn mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm 2025 là trên 10% (đây là mục tiêu rất khó khăn khi đặt trong bối cảnh thuận lợi ít, khó khăn nhiều của tình hình thế giới nói chung và trong nước nói riêng), theo đó các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp được giao tại Quyết định số 3268/QĐ-UBND ngày 10/12/2024 của UBND tỉnh rất cao, đòi hỏi các cấp, các ngành tổ chức thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt ngay từ các tuần đầu, tháng đầu của năm 2025 mới đảm bảo hoàn thành được mục tiêu trên. Do vậy, đối với kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức đối với mục tiêu tăng trưởng trên 10%.

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh: Mục tiêu phấn đấu của tỉnh Lào Cai là cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và ASEAN với vùng Tây Nam của Trung Quốc; phải có tốc độ tăng trưởng trên hai con số; giảm nghèo nhanh và bền vững để đến năm 2030 cơ bản không có hộ nghèo.

Để thực hiện được các mục tiêu trên cần chủ động, tích cực, thực hiện sớm tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, tới đây sẽ thực hiện sáp nhập, sắp xếp một số Sở, đơn vị trước; phòng, chống lãng phí; tiếp tục nghiên cứu chi thường xuyên, cơ cấu lại chi thường xuyên, phấn đấu tiết kiệm chi, qui chuẩn hóa trong công tác quản trị nhằm huy động nguồn lực rất lớn cho đầu tư phát triển kinh tế. Ưu tiên tối đa nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là nguồn lực tài chính, giải phóng mặt bằng, các qui hoạch. Phải nhận diện được “cơ hội” và “thách thức”, cơ cấu lại đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số; đẩy mạnh hoạt động các đơn vị sự nghiệp.

Phát triển kinh tế - xã hội theo hướng “Số - Xanh - Hạnh phúc”, cụ thể: “Số” là phải toàn diện giữa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phải toàn diện các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội, toàn diện từ tỉnh đến thôn. “Số” phải có trọng tâm trọng điểm, bình dân học vụ, cách thức triển khai, “Xã hội số” phải đảm bảo 3 mục tiêu là thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận, tạo khí thế thi đua. “Kinh tế số” có 3 nội dung là chỉ số đóng góp kinh tế số phải tăng, chỉ số thương mại điện tử tăng, doanh nghiệp phải vào cuộc.

“Chính phủ số” phải xây dựng hạ tầng trong đó có viễn thông, tiện ích số, nền tảng số điều hành, phải có kết quả, sản phẩm trong năm 2025...;  “Xanh” phải có các dự án xanh, du lịch, công nghiệp, khu công nghiệp xanh, cụm công nghiệp xanh thì phải tìm được nhà đầu tư xanh, tìm các dự án thiết thực như công viên xanh; “Hạnh phúc” xây dựng các chỉ số hạnh phúc theo các tiêu chí...

Về tinh thần triển khai nhiệm vụ công tác, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Phải lăn xả vào việc, tinh thần chủ động cao, người tìm việc chứ không để việc tìm người; làm việc bất kể ngày đêm, sớm tối”. Tỉnh đang và sẽ tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh cho cơ sở song việc triển khai cần hết sức nghiêm túc, không cục bộ, tiêu cực, có các yếu tố kìm hãm phát triển.

“Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng doanh nghiệp là anh em, họ hàng của lãnh đạo các địa phương, ngành, đơn vị tham gia tư vấn, giám sát, thi công dự án, công trình. Phải tăng cường công khai, minh bạch và tích cực kiểm tra, giám sát”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Giải pháp cần tập trung vào 10 nhiệm vụ trọng tâm: Thu ngân sách nhà nước; Giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình MTQG; Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp; Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Xây dựng nông thôn mới; Nhà ở;  Đẩy mạnh thực hiện Đề án 86 về tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai; đồng thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người dân; Cải cách hành chính và chuyển đổi số; Quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội; vấn đề cấp bách, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại./.

Trần Minh