Những rào cản trước mắt mà doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nhìn nhận
Trong khuôn khổ Ngày hội, tại chuỗi phiên toạ đàm “Hành trình chuyển đổi xanh và thách thức với doanh nghiệp SME” và “Sử dụng AI và tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế để vào thị trường nước ngoài”, đã mang đến những giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao tính bền vững trong hoạt động. Đồng thời, kết hợp với các câu chuyện thực hành ESG từ những doanh nghiệp tiên phong, đạt được hiệu quả tốt nhất.
Đề cập đến ESG, ông Nguyễn Nguyễn Công Minh Bảo - Nhà đồng sáng lập Green Transition Consulting & Training cho biết, những doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của ESG và sẵn sàng hành động, khó khăn lớn nhất lại nằm ở nguồn nhân lực. Cụ thể, nhân sự thiếu sự am hiểu về cả ba khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị, điều này khiến cho cho doanh nghiệp không tránh khỏi sự bối rối và chưa vạch rõ được chiến lược của mình.
Theo ông Bảo, các doanh nghiệp vội vàng triển khai các hoạt động ESG mà không làm khảo sát ban đầu để đánh giá hiện trạng là sai lầm khá phổ biến. Điều này, dẫn đến việc các giải pháp không hiệu quả và thậm chí gây ra những hậu quả không mong muốn.
Đại diện đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, ông Trương Anh Hải - Phó Tổng Giám đốc phụ trách An toàn, Sức khoẻ, Môi trường & Cộng đồng - NS BlueScope Việt Nam cho rằng, để cân bằng giữa lợi nhuận ngắn hạn và mục tiêu phát triển bền vững dài hạn, NS BlueScope đã xây dựng một chiến lược ESG toàn diện.
“Nói đến phát triển bền vững là nói đến mục tiêu dài hạn. Vì vậy, các đầu tư hiện tại sẽ mang lại kết quả cụ thể trong tương lai”, ông Hải khẳng định.
Chính vì vậy, chỉ cần thay đổi một số quy trình nhỏ hoặc áp dụng công nghiệp mới, doanh nghiệp đã có thể tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu tác động đến với môi trường.
Doanh nghiệp tạo bước đà tích cực, hướng đến tương lai xanh bền vững
Với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ông Nguyễn Thế Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Sinh thái Trang trại Nữ Hoàng (Queen Farm) cho biết, có bốn áp lực buộc doanh nghiệp phải triển khai nông nghiệp bền vững, cụ thể là áp lực từ yêu cầu của thị trường quốc tế, từ biến đổi khí hậu, từ xu hướng tiêu dùng xanh và từ các quy định quản trị minh bạch.
Phương châm canh tác của Queen Farm là cam kết sản xuất sầu riêng “ngon” và “sạch”, xuất khẩu chính ngạch ra thị trường quốc tế ở phân khúc khách hàng cao cấp.
Điển hình, tại Queen Farm, doanh nghiệp áp dụng mô hình nông lâm nghiệp kết hợp, xen cây nông nghiệp giá trị cao canh tác theo tiểu chuẩn toàn cầu cùng với gần 7.000 cây lâm nghiệp có giá trị lâm sản cao, góp phần vừa chắn gió, vừa bảo vệ nguồn nước ngầm, đồng thời là nơi trú ngụ cho các loại động vật hoang dã,
Queen Farm cũng tạo hồ nhân tạo trữ nước và áp dụng phương pháp thuỷ lợi tiết kiệm, tiến hành xử lý chất thải, chuyển hoá phế phạm thành phần hữu cơ, giảm tác hại môi trường.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thế Tùng cho rằng, việc xây dựng nền nông nghiệp xanh cần dựa trên điều kiện diện tích canh tác lớn để tận dụng hiệu quả các ứng dụng khoa học công nghệ. Do đó, Việt Nam nên thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết trong nông nghiệp, phát triển kinh tế theo hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác để người nông dân tự liên kết, đầu từ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh.
Với ngành dịch vụ, điển hình là xu hướng chuyển đổi xanh trong hoạt động phát triển du lịch cộng đồng của C2T. Theo ông Võ Văn Phong - Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch C2T chia sẻ, C2T đã theo đuổi mô hình “du lịch xanh tác động thấp”, hướng tới mục tiêu giảm thiểu lượng không khí thải carbon phát sinh từ các hoạt động du lịch.
Đặc biệt, doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để giảm thiểu việc sử dụng điện lưới, đồng thời khuyến khích du khách mang theo chai nước tái sử dụng, thực hiện phân loại rác và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Theo đó, bà Trương Thị Ái Nhi - giảng viên trường Đại học Văn Lang, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) cũng cho rằng, để tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh, bên cạnh những giải pháp cứng và cần nhiều chi phí như công nghệ, những giải pháp mềm về mạng lưới và các mô hình hợp tác - kinh doanh được thúc đẩy thông qua những sáng kiến doanh nghiệp sẽ là cơ hội để tiếp cận dần với năm xu hướng thị trường, củng cố tính bền vững và khả năng chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp.
Nhìn chung, “Trong chuyển đổi xanh, năng lượng, công nghệ - nông nghiệp và giao thông vận tải là ba thành tố quan trọng cấu thành nên huyết mạch kinh tế xanh tại Việt Nam. Các thành tố này sẽ chỉ đóng góp vào chuyển đổi xanh khi gắn liền năm xu thế về chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ xanh, tài chính xanh và nhân lực xanh”, bà Nhi nhận định./.