Cải cách hành chính và chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2024, Bộ Tài chính đã triển khai hoàn tất 146 nhiệm vụ theo kế hoạch cải cách hành chính (CCHC), đạt 100% tiến độ đề ra. Bộ đã bãi bỏ 68 thủ tục hành chính (TTHC), sửa đổi 54 TTHC và ban hành mới 22 TTHC, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh doanh và quản lý nhà nước.
Đáng chú ý, tất cả các TTHC đã được cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo tính minh bạch và dễ dàng truy cập. Đồng thời, các phương án đơn giản hóa quy định, như việc phân cấp và cải tiến các TTHC nội bộ, cũng được thực thi mạnh mẽ, góp phần rút ngắn thời gian xử lý và giảm chi phí hành chính cho cả cơ quan quản lý và người dân. Nhờ những nỗ lực không ngừng, Bộ Tài chính tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trong Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2023, đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp nằm trong nhóm dẫn đầu.
Bộ Tài chính đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tái cấu trúc bộ máy quản lý, đảm bảo tinh gọn và hoạt động hiệu quả. Trong giai đoạn 2024-2026, Bộ đặt mục tiêu giảm 5% biên chế công chức so với năm 2022, tương đương với việc cắt giảm hơn 3.300 vị trí. Các biện pháp tinh giản biên chế không chỉ giúp giảm bớt nấc trung gian mà còn tập trung nguồn lực vào các đơn vị tác nghiệp trực tiếp, nâng cao chất lượng phục vụ. Bộ cũng đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) để chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời thúc đẩy hiện đại hóa hành chính.
Nhằm góp phần chuyển đổi số và xây dựng chính phủ điện tử, trong năm 2024, Bộ Tài chính đã cung cấp 747 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó có 347 DVCTT toàn trình. Đặc biệt, 284 dịch vụ đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Trong đó, riêng lĩnh vực thuế đã có hơn 99,93% doanh nghiệp đã sử dụng hệ thống khai thuế điện tử, xử lý hơn 15 triệu hồ sơ. Các dịch vụ nộp thuế điện tử được triển khai tại 57 ngân hàng với 4,7 triệu giao dịch, tổng số tiền nộp đạt gần 900 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, hệ thống hóa đơn điện tử đạt 11,5 tỷ hóa đơn được xử lý, và hơn 91,5 nghìn doanh nghiệp sử dụng hóa đơn có mã cơ quan thuế.
Thủ tục hải quan điện tử đã được triển khai trên toàn quốc thông qua hệ thống VNACSS/VCIS. Hơn 75,4 nghìn doanh nghiệp tham gia thực hiện 250 thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia. Việt Nam cũng đã kết nối với các nước ASEAN và nhiều đối tác quốc tế như Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á - Âu, thúc đẩy giao dịch và trao đổi thông tin xuyên biên giới.
Về hoạt động Kho bạc Nhà nước, tất cả thủ tục trong lĩnh vực này đã được cung cấp trực tuyến toàn trình, giúp đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện giao dịch dễ dàng.
Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến, như ứng dụng eTax Mobile để hỗ trợ nộp thuế qua thiết bị di động và kết nối dữ liệu thuế với hệ thống định danh điện tử quốc gia. Đặc biệt, thanh toán nghĩa vụ tài chính qua Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt hơn 354 nghìn giao dịch với tổng giá trị trên 2,7 nghìn tỷ đồng, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc số hóa tài chính công.
Hướng đến thị trường tài chính hiện đại, bền vững
Trong năm qua, Bộ Tài chính đã tập trung cải thiện khung pháp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Chỉ số VNIndex tăng 12,9% so với cuối năm 2023, đạt 1.275,14 điểm, trong khi mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tương đương 70,4% GDP.
Trong năm, Bộ đã tập trung hoàn thiện khung pháp lý, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, qua đó tạo điều kiện phát triển bền vững cho thị trường chứng khoán; đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 sửa đổi, bổ sung quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, nhằm tháo gỡ các vướng mắc tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức xếp hạng quốc tế.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với các tổ chức quốc tế và các Bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam trong năm 2025; xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài để quảng bá và thu hút mạnh mẽ hơn sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, thao túng giá,... nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường, góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng có sự tăng trưởng đáng kể, với tổng khối lượng phát hành đạt 396,7 nghìn tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ.
Năm 2024, có 96 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ với với khối lượng 396,7 nghìn tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2023; khối lượng mua lại trước hạn là 187 nghìn tỷ đồng (giảm 24,7% so với cùng kỳ năm 2023); có 1.431 mã trái phiếu của 326 tổ chức phát hành đã thực hiện đăng ký giao dịch. Tổng giá trị giao dịch TPDN đạt 1.026,6 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 4.224,8 tỷ đồng/phiên.
Ngành bảo hiểm ghi nhận mức tăng trưởng ổn định, với tổng tài sản đạt 1.007 nghìn tỷ đồng (tăng 10,9% so với năm trước) và đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 850 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính đã hoàn thiện nhiều quy định pháp lý để đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch và an toàn hơn, từ đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư và người dân.
Theo Bộ Tài chính, những nỗ lực cải cách hành chính, chuyển đổi số và hiện đại hóa quản lý nhà nước của Bộ Tài chính trong năm 2024 không chỉ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng một chính phủ điện tử hiện đại, minh bạch và đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội./.
Thông tin tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính-ngân sách nhà nước năm 2024, triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2025, Bộ Tài chính cho biết: Trong năm 2024 đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước vừa đảm bảo nguồn thanh toán các khoản chi theo dự toán, kịp thời trả các khoản nợ gốc đến hạn.
Trong năm, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; quyết liệt công tác thu, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi thường xuyên NSNN để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển
Các giải pháp chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được ban hành, thực hiện trong năm 2024 và năm 2025 với quy mô hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã phát huy hiệu quả tích cực, hỗ trợ kịp thời các hoạt động sản xuất – kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy thu NSNN.
Theo đó, thu NSNN năm 2024 ước đạt 2.025,4 nghìn tỷ đồng, bằng 119,1% (tăng 324,4 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, tăng 15,5% so với thực hiện năm 2023 (thu ngân sách Trung ương ước đạt 123,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 114,4% dự toán); tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 17,8%GDP, riêng thuế, phí đạt 14,2%GDP.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tập trung triển khai quyết liệt công tác thu trong những ngày cuối năm, đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh, các khoản thu đã hết thời gian được gia hạn theo quy định, các khoản phải thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước.
Đồng thời, tăng cường thu nợ đọng thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, thất thu ngân sách, góp phần tạo nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương, xử lý các vấn đề quan trọng, cấp bách đột xuất phát sinh, tăng chi đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội.
Năm 2024 đã phát hành được 330.400 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 82,59% kế hoạch đầu năm, kỳ hạn bình quân 11,12 năm, lãi suất bình quân 2,52%/năm.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nợ công cũng là điểm sáng trong năm qua. Theo đó, ngành Tài chính đã kiểm soát hiệu quả nợ công, tái cơ cấu danh mục nợ theo hướng an toàn, bền vững.
Đến cuối năm 2024, chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN khoảng 20-21%, thấp hơn mức trần Quốc hội cho phép.
Cả 3 tổ chức đều tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức tích cực, bền vững trong đó, S&P, Fitch đánh giá đều ở mức BB+, Moody’s đánh giá ở mức Ba2, triển vọng Ổn định.
Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam tiếp tục được củng cố nhờ thành công trong điều hành phát triển kinh tế, tăng trưởng mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, nợ công được kiểm soát ở mức thấp.
Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp cung cấp thông tin, báo cáo cho 3 Tổ chức S&P, Fitch, Moody’s và S&P xếp hạng tín nhiệm về tình hình kinh tế - xã hội, NSNN,… làm căn cứ đánh giá, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.