Hoa Kỳ khởi xướng điều tra tự vệ xơ sợi staple nhân tạo và nỗ lực 'vượt sóng' của dệt may Việt Nam

Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) khởi xướng điều tra tự vệ toàn cầu với sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo từ polyeste. Theo số liệu của USITC, trong giai đoạn 2021-2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam sang Hoa Kỳ xấp xỉ 5,9 triệu USD. Hiện Việt Nam quốc gia xuất khẩu xơ sợi đứng thứ 6 thế giới đồng thời là nhà xuất khẩu hàng dệt may thứ 3 thế giới.
xuat-khau-so-soi-03-1710388477.jpg
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu xơ sợi đứng thứ 6 thế giới. (Ảnh minh họa)

Hoa Kỳ khởi xướng điều tra tự vệ xơ sợi staple nhân tạo

Đại diện Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) thông tin vừa nhận được thông báo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) khởi xướng điều tra tự vệ toàn cầu với sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo từ polyeste (Fine Denier Polyester Staple Fiber) có mã HS. 5503.20.0025.

Vụ việc được USITC khởi xướng điều tra ngày 28/02/2024 theo đơn đề nghị từ các nhà sản xuất sợi staple nhân tạo từ polyester của Hoa Kỳ, bao gồm Fiber Industries LLC d/b/a Darling Fibers; Nan Ya Plastics Corp, America và Sun Fiber LLC. Nguyên đơn cáo buộc việc nhập khẩu xơ sợi staple nhân tạo từ polyester đã tăng mạnh so với sản xuất và tiêu thụ nội địa, gây ra thiệt hại nghiêm trọng và ảnh hưởng tới ngành sản xuất trong nước.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, theo thông báo của USITC, các bên có 21 ngày (kể từ ngày đăng công báo Liên bang) để đăng ký tham gia và nhận thông tin về vụ việc. USITC dự kiến sẽ tổ chức 1 phiên tham vấn về thiệt hại và 1 phiên tham vấn về biện pháp áp dụng.

Đối với phiên tham vấn về thiệt hại (dự kiến tổ chức ngày 4 tháng 6 năm 2024), thời hạn để đăng ký tham gia là ngày 24 tháng 5 năm 2024, thời hạn nộp bình luận về nội dung là ngày 28 tháng 5 năm 2024. Đối với phiên tham vấn về biện pháp áp dụng (dự kiến tổ chức ngày 23 tháng 7 năm 2024), thời hạn để đăng ký tham gia là ngày 17 tháng 7 năm 2024 và thời hạn nộp bình luận về nội dung này là ngày 16 tháng 7 năm 2024.

Nếu không đăng ký tham gia, các bên vẫn có thể nộp bình luận về thiệt hại trước ngày 11 tháng 6 năm 2024 và về biện pháp áp dụng trước ngày 29 tháng 7 năm 2024.

xuat-khau-so-soi-01-1710388544.jpg
Hoạt động sản xuất tại nhà máy xơ sợi Đình Vũ. (Ảnh minh họa - Nguồn TTXVN)

Thông tin thêm, Cục Phòng vệ thương mại cho hay, USITC dự kiến sẽ ban hành kết luận về thiệt hại vào ngày 9 tháng 7 năm 2024 và sẽ báo cáo lên Tổng thống xem xét, quyết định trong vòng 180 ngày kể từ ngày nộp đơn, dự kiến vào ngày 26 tháng 8 năm 2024.

Theo số liệu của USITC, trong giai đoạn 2021-2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam sang Hoa Kỳ xấp xỉ 5,9 triệu USD (riêng năm 2023 là 5,2 triệu USD, đứng thứ 8 trong số các nước xuất khẩu sang Hoa Kỳ và chiếm 3% tổng thị phần nhập khẩu vào Hoa Kỳ).

Trước đó, theo Cục Phòng vệ thương mại, năm 2017, sản phẩm này đã bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá với Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam; điều tra chống trợ cấp với Trung Quốc và Ấn Độ; nhưng sau đó Việt Nam được loại trừ khỏi phạm vi điều tra theo đề nghị của nguyên đơn. Hiện nay, sản phẩm từ các nước/vùng lãnh thổ nói trên (trừ Việt Nam) vẫn đang bị áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp.

Mảng sơ sợi "đứng mũi chịu sào" trước áp lực xuất khẩu 2024

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu xơ sợi đứng thứ 6 thế giới đồng thời là nhà xuất khẩu hàng dệt may thứ 3 thế giới – chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh. Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 40 tỷ USD, thấp hơn gần 10% so với năm 2022.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC (DSC), nguyên nhân ngành dệt may có sự sụt giảm do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU bị lạm phát, kéo theo sức mua yếu dẫn đến đối tác cắt giảm đơn hàng từ nửa cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh lớn với các đối thủ khác trên trường quốc tế, trong đó có Bangladesh. Chi phí sản xuất tại Bangladesh thấp hơn đáng kể đã tác động không nhỏ đến sự sụt giảm của ngành dệt may Việt Nam trong năm qua.

DSC nhận định rằng, hàng may mặc là sản phẩm không thiết yếu, chỉ khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu về các sản phẩm dệt may mới có thể tăng trưởng mạnh trở lại.

Đồng quan điểm trên, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, triển vọng phục hồi của xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2024 vẫn chưa thật sự khởi sắc.

Với việc nằm ở vị trí thượng nguồn trong chuỗi giá trị ngành dệt may tại Việt Nam, mảng sợi sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên khi ngành dệt may suy thoái và cũng là mảng được kỳ vọng sẽ phát tín hiệu phục hồi sớm nhất.

Mảng sợi sẽ hồi phục mạnh hơn vào cuối quý 1/2024 khi nhu cầu tiêu thụ sợi sẽ gia tăng để bù đắp cho lượng hàng tồn kho đã suy giảm sau mùa mua sắm vào cuối năm 2023.

xuat-khau-so-soi-04-1710388496.jpg
Trong năm 2024, ngành dệt may đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD. (Ảnh minh họa)

Số lượng đơn và giá bán sản phẩm dệt may xuất khẩu của các công ty dệt may Việt Nam vẫn duy trì ở mức thấp trong quý 1/2024. Từ nửa cuối năm 2024, ngành dệt may mới có sự hồi phục mạnh mẽ.

Liên quan đến công tác phát triển ngành dệt may trong thời gian tới, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng thì tiêu chí phát triển bền vững cần được các doanh nghiệp dệt may chú ý hơn. Đặc biệt là tại các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.

Theo ông Giang, các nhà nhập khẩu lớn yêu cầu cao về các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường). Đơn cử như những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, ngành dệt may cần trú trọng vào phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Doanh nghiệp cần đầu tư cải tạo nhà máy bằng việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi từ than sang điện… Chiến lược chuyển đổi số gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro... cũng cần được quan tâm hơn nữa.

Để vượt qua những khó khăn và nhanh chóng hồi phục, phát triển, các doanh nghiệp dệt may cũng cần giải quyết các vấn đề như: Cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ liên quan ngành; đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung…

Các chuyên gia kỳ vọng rằng, với sự nỗ lực của toàn ngành, trong năm 2024, ngành dệt may sẽ đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD (tăng 9,2% so với 2023) như đã đề ra./.

Trọng Bình