Động lực để dệt may Việt Nam chuyển mình, ứng dụng công nghệ theo hướng sản xuất xanh

Để bắt nhịp với xu thế phát triển, ngành dệt may phải chuyển đổi dần sang khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị của ngành. Các doanh nghiệp cũng tiếp cận được công nghệ mới ở Châu Âu, Mỹ giúp cho chuyển đổi số đạt các mục tiêu về sản xuất xanh.

Đây là một trong những vấn đề được thảo luận tại Triển lãm Quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt may Việt Nam 2024 (VIATT 2024) diễn ra từ ngày 28/2 đến 1/3 tại TP.HCM. Triển lãm do Bộ Công Thương chủ trì giao Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Tập đoàn Messe Frankfurt (Đức) tổ chức.

trien-lam-det-may-01-1709168804.jpg
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm VIATT 2024. (Ảnh BTC)

Ngành dệt may cần chuyển mình phát triển xanh

VIATT 2024 có quy mô trên 500 gian hàng trưng bày trên tổng diện tích 15.000 m2 của hơn 400 doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Phát biểu tại Triển lãm, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thị trường xuất khẩu của ngành dệt may đã có khởi sắc. Đến giữa tháng 2 năm nay, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đã đạt 4,9 tỉ USD, tăng 17 % so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn khó khăn.

Vì vậy,  doanh nghiệp dệt may cần chủ động tìm kiếm thị trường, tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt là tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như: thiết kế, sản xuất nguyên liệu đầu vào...

Theo ông Detlef Braun, Ủy viên Ban điều hành, Tập đoàn Messe Frankfurt, sở dĩ triển lãm thu hút đông đảo doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt các thương hiệu dệt may lớn đến từ Anh, Đức, Ý, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc… là do tiềm năng phát triển ngành này tại Việt Nam rất lớn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị và thương mại quốc tế đang có nhiều biến động, mức tồn kho cao, nhu cầu hàng hóa nói chung, sản phẩm dệt may nói riêng sụt giảm nghiêm trọng, chi phí nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang gặp một số khó khăn trong việc tìm kiếm và duy trì thị trường, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu.

trien-lam-det-may-02-1709168836.jpg
Ngay ngày đầu tiên VIATT 2024 đã thu hút đông đảo khách tham quan, tìm hiểu sản phẩm. (Ảnh BTC)

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, VIATT tập hợp những nhà triển lãm, người mua bán hàng lớn trên thế giới từ sản phẩm đầu vào đến sản phẩm cuối, thiết kế, công nghệ… Qua đây có thể hình thành liên kết xuyên chuỗi giá trị từ khâu sản xuất nguyên liệu, phụ liệu đến sản phẩm cuối cùng. Các doanh nghiệp cũng tiếp cận được công nghệ mới ở Châu Âu, Mỹ giúp cho chuyển đổi số đạt các mục tiêu về sản xuất xanh.

“Bộ Công Thương cũng có rất nhiều chính sách, chỉ đạo từ Bộ đến ngành dệt may để vừa  yêu cầu và hỗ trợ doanh nghiệp có thể chuyển đổi xanh, chuyển đổi số mạnh mẽ, cạnh tranh với đối thủ của mình. Bên cạnh đó, ngành dệt may phải chuyển đổi dần sang khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị của ngành” - ông Vũ Bá Phú nói.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may tìm kiếm khách hàng, thị trường, trong năm 2024, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các Hiệp hội của ngành dệt may trong việc xây dựng kế hoạch phát triển bền vững ngành dệt may - da giầy. Trong đó sẽ có đề xuất các chính sách để giúp các doanh nghiệp dệt may để chuyển đổi sản xuất sang mô hình xanh và bền vững.

Cơ hội kết nối giao thương nâng tầm dệt may Việt Nam

Lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, VIATT 2024 được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam tham gia kết nối giao thương với các doanh nghiệp quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất của các hãng dệt may toàn cầu, hình thành liên kết xuyên suốt chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên, phụ liệu đến sản phẩm cuối cùng, đồng thời khuyến khích các thương hiệu lớn trên thế giới chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý và tham gia vào quá trình phát triển nguồn cung nguyên, phụ liệu hình thành chuỗi cung ứng trong nước.

Ngành dệt may cũng sẽ có điều kiện tiếp cận công nghệ hiện đại và tiên tiến của EU, cũng như thu hút đầu tư, các dự án hỗ trợ để đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU. Từ đó, đáp ứng quy tắc xuất xứ đòi hỏi của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam phát triển theo xu hướng xanh và bền vững trên thế giới.

trien-lam-det-may-04-1709168789.jpg
Nhiều máy móc công nghệ hiện đại hội tụ tại VIATT 2024. (Ảnh BTC)

Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục đối diện với hàng loạt khó khăn, chịu tác động bởi kinh tế thế giới và trong nước dẫn đến nhu cầu sản phẩm giảm. Bên cạnh đó là hàng loạt các chi phí đầu vào tăng như giá điện, giá cước vận tải, lương tối thiểu cùng các quy định mới từ thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024, tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2023.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tính hội nhập sâu rộng và toàn diện của các nền thương mại, tạo ra vấn đề cạnh tranh thị trường thương mại toàn cầu của một số nền công nghiệp dệt may. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngoài việc ngành phải giải quyết một số vấn đề lớn là tiếp tục đa dạng hóa thị trường, khách hàng và mặt hàng, cần nhận diện và có giải pháp đối với những yếu tố tác động trong cạnh tranh thương mại, không chỉ cho ngành dệt may mà còn cho tất cả các ngành công nghiệp khác.

“Ngành dệt may đặt ra mục tiêu phát triển bền vững, đi đôi với phát triển thích ứng với đòi hỏi của thị trường toàn cầu về vấn đề phát triển xanh hóa, giảm phát thải khí nhà kính… Do vậy, cần đầu tư về công nghệ, tự động hóa và dây chuyền thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ, chất lượng cao. Tập trung cho giải pháp công nghiệp thời trang, cụ thể là quy hoạch các khu công nghiệp đạt chuẩn mực về môi trường để thu hút đầu tư tại một số khu vực, địa phương”, ông Giang cho biết.

VIATT 2024 là dịp tốt để doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, nhà cung cấp uy tín, thúc đẩy mối quan hệ giao thương, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, chủ động đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước, đáp ứng quy tắc xuất xứ đòi hỏi của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam phát triển theo xu hướng xanh và bền vững trên thế giới./.

Bình Châu