Nghệ An: Nông dân ứng phó với tình trạng chanh bị thoái hóa, chết do sâu bệnh

Hiện nay, nông dân trồng chanh ở một số xã tại huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên đang tập trung cải tạo, chăm sóc cây chanh sau thu hoạch để chanh ra quả trái vụ, cho năng suất cao bù lại chi phí. Đồng thời, ứng phó với tình trạng chanh bị thoái hóa, chết do sâu bệnh gây thiệt hại.

8-1659619059.jpg

Mất mùa chanh, nông dân Hưng Yên Nam thất thu. Ảnh: Mỹ Hà.

Theo kinh nghiệm của người dân trồng chanh lâu năm, để chanh sai quả trái vụ thì phải để chanh “chết héo” tạm thời bằng cách trước khi lập thu 15-20 ngày thì tiến hành cào rễ, xới gốc và phơi gốc. Sau đó, khi có mưa thu thì tiến hành bón phân chuồng, đạm tổng hợp và ka-li, vùn gốc để chanh thẩm thấu chất dinh dưỡng, nuôi cây và ra hoa, kết trái. Với cách làm này, chanh trái vụ sẽ sai quả, quả to và mọng nước, bán với giá cao gấp 3-4 lần so với chanh chính vụ.

3-1659619061.jpg

Giá thu mua chanh cao gấp 3 năm 2021 nhưng người dân không có chanh để bán. Ảnh: Mỹ Hà.

Không chỉ mất mùa chanh mà hiện nay, rất nhiều đồi chanh ở các xã Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc thoái hoá, cây chết khô khá nhiều. Trong 300 gốc chanh của gia đình bà Nguyễn Thị Hoa thì có đến gần 150 gốc vừa trồng mới, đang trên đà phát triển và phải 2 năm nữa mới cho thu hoạch. Bà Hoa cho biết: “Bắt đầu từ năm 2018, bắt đầu có hiện tượng khô thân, chết rũ. Hầu hết bị bệnh chảy nhựa cây và sâu đục thân phá hoại. Năm 2019, diện tích chanh chết lên đến 60-70%, số nữa cũng thoái hoá khi vòng đời của cây chanh cũng đã hết niên hạn. Năm đó, gia đình tôi đã đầu tư trồng mới diện tích chanh bị chết. Mặc dù mới trồng mới, cây chanh đang trong giai đoạn sung sức nhưng hàng năm, vẫn xuất hiện hiện tượng chết cây lẻ tẻ, hàng năm vẫn phải trồng dặm”.

1a-1659620982.jpg

Nhiều vườn chanh chết rũ. Ảnh: Mỹ Hà.

Gia đình bà Trần Thị Bá (xóm 2, Hưng Yên Bắc) cũng vừa phải trồng lại 100 gốc chanh khi năm 2020 toàn bộ diện tích chanh bị chết khô, sâu bệnh, còi cọc không cho quả. Bà Bá cho biết: “Hiện 100 gốc chanh cho ra quả bói. Gia đình cũng đã áp dụng các biện pháp chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật để cây chanh sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Bởi, đất đồi ở Hưng Yên Bắc không thể trồng gì ngoài chanh và so với các loại cây trồng khác thì cây chanh cho hiệu quả kinh tế cao nhất”.

17-1659619970.jpg

Vận động người dân trồng thay thế chanh đã chết. Ảnh: Mỹ Hà.

Không chỉ ở Hưng Yên Bắc mà tình trạng chanh thoái hoá giống, chanh bị sâu đục thân, chảy nhựa và chết diễn ra ở các địa phương khác như: Nghi Công Nam, Nghi Công Bắc, Nghi Mỹ (Nghi Lộc), Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc, Hưng Trung (Hưng Nguyên)… Hiện các vùng trồng chanh đang vận động người dân trồng dặm, thay thế gốc chanh đã chết; tiến hành cải tạo đất và khoan giếng để tưới cho chanh vào mùa hạn; đưa các giống chanh mới vào trồng thử nghiệm.

20-1659621128.jpg

Chăm sóc chanh vừa trồng. Ảnh; Mỹ Hà.

18-1659621273.jpg

Người dân khoan giếng để tưới chanh. Ảnh: Mỹ Hà.

Ông Hoàng Đức Chuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Yên Bắc cho biết: “Toàn xã có gần 200ha đất đồi trồng chanh. Đó là cây trồng chủ lực đem lại nguồn thu chính cho người dân địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây chanh bị thoái hoá khá nhiều, khoảng 30% diện tích chanh bị chết do sâu đục thân, bệnh chảy nhựa và phần nữa do chán đất, do thoái hoá giống. Do đó, năng suất, sản lượng chanh của địa phương cũng sụt giảm mạnh. Hiện, chúng tôi đang vận động người dân trồng dặm lại diện tích chanh đã chết; đồng thời thí điểm giống chanh tứ quý, chanh không hạt để nhân ra diện rộng”.

Mỹ Hà