Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình vừa tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền”.
Tại Diễn đàn, thông tin thêm về một số điểm mới và định hướng trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung trong nông nghiệp, bà Lê Thị Lệ Thu, Vụ Pháp chế, Bộ NN&PTNT cho biết, những hạn chế về hạn mức, giao đất, chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đang dần được tháo gỡ và cụ thể hóa tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp và Nhà nước có chính sách khuyến khích thông qua ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến việc tích tụ ruộng đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nông dân cải tạo đồng ruộng, đầu tư thâm canh, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Nga chia sẻ, từ năm 2015 - 2020, thông qua chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp đã tạo chuyển biến tích cực. Đến nay, Thái Bình hiện có 1.700 hộ có diện tích đất nông nghiệp từ 2ha trở lên, trong đó có những hộ có diện tích lớn nhất gần 70ha. Đáng chú ý là đang hình thành “Hội đại điền” thu hút gần 200 thành viên tham gia, qua đó đã hình thành các hợp tác xã với diện tích sản xuất lớn.
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tin tưởng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, nông dân và sự đồng hành của doanh nghiệp, chắc chắn mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền sẽ thành công.
Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang định hướng phát triển theo hướng hiện đại, đa giá trị, sinh thái, minh bạch... Do đó, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn là yếu tố phù hợp để định hướng này đi vào cuộc sống. Mô hình đại điền ra đời trong bối cảnh hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế, nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ.
Lực lượng lao động đang rút dần khỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn thì việc tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm chi phí, công lao động, tạo ra giá trị cao hơn là một hướng đi đúng đắn. Đây cũng được xem là nền móng vững chắc để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh./.