Theo Quyết định ngày 30 tháng 6 năm 1989 tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa VIII nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ba tỉnh này lại được tách ra như cũ, riêng tỉnh Thừa Thiên sau khi tách thì mang tên gọi mới: Thừa Thiên - Huế. Năm 2018, Thừa Thiên Huế là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 36 về số dân, xếp thứ 39 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 42 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 52 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1.163.500 người dân, GRDP đạt 47.428 tỉ Đồng (tương ứng với 2,0600 tỉ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 40,76 triệu đồng (tương ứng với 1.770 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,08%.
Diện tích của tỉnh là 4.902,4 km², dân số tính đến năm 2020 là 1.133.700 người. Thành phố Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế từng là kinh đô Phú Xuân thời kỳ cận đại của Việt Nam từ năm 1802 đến năm 1945 dưới triều Nguyễn. Trên thềm lục địa biển Đông ở về phía Đông Bắc cách mũi cửa Khém nơi gần nhất khoảng 600m có đảo Sơn Ca. Tuy diện tích đảo không lớn (khoảng 160 ha), nhưng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng đối với nước ta nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.
Thừa Thiên Huế nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc - Nam, trục hành lang Đông - Tây nối Thái Lan - Lào - Việt Nam theo đường 9. Thừa Thiên Huế ở vào vị trí trung độ của cả nước, nằm giữa thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm lớn của hai vùng kinh tế phát triển nhất nước ta. Thừa Thiên Huế cách Hà Nội 660 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.080 km. Bờ biển của tỉnh dài 120 km, có cảng Thuận An và cảng nước sâu Chân Mây với độ sâu 18 - 20 m đủ điều kiện để đón các tàu trọng tải lớn, có Sân bay quốc tế Phú Bài nằm trên đường Quốc lộ 1 và đường sắt xuyên Việt chạy dọc theo tỉnh.
Hiện nay, tỉnh đang xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc và bản sắc văn hoá Huế gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá truyền thống, là khâu đột phá để phát triển du lịch. Nghiên cứu, từng bước hoàn thiện bản sắc văn hoá Huế, đặc trưng văn hoá Huế để xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hoá đặc sắc của Việt Nam; xem đây là lợi thế so sánh lâu dài để phát triển Huế, làm cho Huế ngày càng đặc sắc, thúc đẩy các ngành du lịch, dịch vụ phát triển. Trong đó quy hoạch, xây dựng hệ thống công viên, tượng, các công trình văn hoá, trọng tâm là: Trung tâm hội nghị, Bảo tàng Lịch sử Cách mạng, Bảo tàng thiên nhiên các tỉnh Duyên hải miền Trung, Trung tâm Điện ảnh, Địa đạo Khu ủy Trị Thiên.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tập trung đầu tư hoàn thành cơ bản trùng tu Đại Nội và một số di tích quan trọng để xứng đáng là trung tâm du lịch đặc sắc của Việt Nam. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của các kỳ Festival Huế, các hoạt động đối ngoại để tăng cường quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam, văn hoá Huế, nhất là Nhã nhạc cung đình Huế, quần thể di tích Cố đô Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, vịnh đẹp Lăng Cô. Đến với Thừa Thiên Huế ta sẽ hiểu hơn về dặm dài lịch sử đất nước.
Xin mời bạn đọc và du khách chú thích bức ảnh đầu tiên./.