Bà Nguyễn Thị Hồng Nhạn – người sáng lập ra Dược liệu An Xuân chia sẻ, bà vốn được sinh ra ở Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị (trong chiến tranh chống Mỹ, Vĩnh Linh vốn được mệnh danh là "lũy thép anh hùng") và làm dâu ở Cam Lộ gần 30 năm – cũng chừng ấy năm công tác trong cơ quan nhà nước, đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng của địa phương... Nhiều năm về trước, bà không may mắc bệnh và phải điều trị thuốc tây dài ngày, quãng thời gian này thực sự khó khăn và mệt mỏi. Trong những đêm trằn trọc không ngủ được, bà suy nghĩ rất nhiều, nhận thấy không chỉ bản thân mà xung quanh cũng có rất nhiều người giống mình. Thế rồi, bà đã “tự nguyện khép lại sự nghiệp giấy tờ” để dành trọn thời gian cho cây cà gai leo trên vùng đất gò đồi đầy nắng gió Cam Lộ - Quảng Trị.
Và rồi cũng từ đây, thương hiệu Dược liệu An Xuân do bà Lê Hồng Nhạn "khai sinh". Đó chính là Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân (địa chỉ tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) hiện nay. Trong quá trình bắt đầu vừa trồng trọt vừa nghiên cứu tuy vất vả, khó khăn nhưng bà Nhạn may mắn gặp được nhiều người là thầy thuốc giỏi và những người là minh chứng sống "tiếp" thêm niềm tin và động lực để nghiên cứu ra nhiều sản phẩm có dược tính, chất lượng cao.
Chia sẻ về chặng hành trình đạt đến thành công như ngày hôm nay, bà Nhạn cho biết, cơ duyên trong lần gặp đầu tiên, bà Hồng Nhạn được vợ chồng TS. Đinh Đức Anh – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 17 và Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Liên – thầy thuốc ưu tú Bệnh viện Đà Năng chia sẻ rằng, “thảo dược lành tính, ít tác dụng phụ, công dụng trị bệnh rất hiệu quả. Quảng Trị quê mình khô cằn nắng gió, nhưng chính từ cái khắc nghiệt đó lại cho thảo dược chất lượng cao”.
Tiếp theo sau đó, bà Nhạn gặp được minh chứng sống đó là vợ chồng anh Thịnh, chị Lộc ở Đông Hà, Quảng Trị. Anh Thịnh không may bị mắc ung thư gan từ 6 năm trước, sau khi xạ trị, nhờ bà con ở quê mách bảo, chị Lộc đã tìm cây Cà gai leo sác cho anh Lộc uống. Không ngờ sức khỏe của anh được cải thiện rõ rệt. Từ chia sẻ của anh Thịnh, chị Lộc, bà Nhạn quyết tâm thực hiện canh tác, chế biến dược liệu. Để rồi, bà lặn lội đến Nghĩa Hành – Quảng Ngãi gặp Kỹ sư Nguyễn Đức Tuệ - Chuyên gia cà gai leo và may mắn được anh truyền lại tất cả kinh nghiệm trồng trọt loại dược liệu này.
Thêm một cơ duyên với nữa, trong quá trình bà khởi nghiệp, cô con gái đầu lòng của bà là Trần Lê Quỳnh Diễm (Giám đốc Công ty dược liệu An Xuân hiện nay), sau khi lấy bằng “Cử nhân kinh tế” và có thời gian trải nghiệm, rèn luyện ở Sài Gòn nhiều năm, đã tình nguyện về quê cùng mẹ thực hiện “Niềm đam mê dược liệu” với mong muốn đem đến “Món quà sức khỏe, giúp cuộc sống an lành, giữ mãi tuổi thanh xuân” cho mọi người.
“Vùng nguyên liệu cà gai leo với quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ, vi sinh trên diện tích đất đồi sỏi đá, nắng và gió của gia đình tôi được hình thành từ đó (2016). Năng suất thấp nhưng thảo dược được chắt chiu tinh túy của đất trời đã cho dược chất rất cao. Sau hơn 6 năm canh tác, An Xuân đã được cấp chứng nhận GACP – WHO”, bà Hồng Nhạn chia sẻ về vùng nguyên liệu sản xuất cây cà gai leo.
Cùng với sự giúp đỡ, hướng dẫn của các ngành chức năng tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị như ngành Nông nghiệp, Khoa học công nghệ, Công Thương, doanh nghiệp của bà Nhạn đã phát triển mạnh mẽ, giành nhiều giải thưởng, chứng nhận cao quý. Điển hình, nhờ tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, canh tác theo hướng hữu cơ vi sinh, các sản phẩm dược liệu cà gai leo được Chứng nhận Dược liệu đạt thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).
Ngoài chứng nhận Dược liệu đạt thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, Dược liệu An Xuân hiện có 8 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP hạng 4 sao cấp tỉnh năm 2023. Đặc biệt, sản phẩm OCOP hạng 4 sao Cao cà gai leo của doanh nghiệp này đang được tỉnh Quảng Trị đề xuất Trung ương nâng lên hạng 5 sao. Tổ chức QACS International đã công nhận Dược liệu An Xuân có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của tổ chức được đánh giá và phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 22000:2018 cho phạm vi Sơ chế, chế biến các loại thảo dược như: Cà gai leo, an xoa, chè vằng, tía tô..., năm 2021, doanh nghiệp này được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị cấp chứng nhận Doanh nghiệp khoa học và công nghệ...
Lại nói, năm 2022, là năm Dược liệu An Xuân gặt hái được nhiều thành công. Lần lượt các bộ sản phẩm cà gai leo được tỉnh Quảng Trị trao giải Nhất về sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Trong đó, bộ sản phẩm trà túi lọc được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh Quảng Trị; Bộ sản phẩm cà gai leo của doanh nghiệp được Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Và hiện nay các sản phẩm dược liệu Cà gai leo của An Xuân đang được Sở Công thương hướng dẫn hồ sơ trình Bộ Công thương xem xét công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia.
Để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao của thị trường, người sáng lập doanh nghiệp An Xuân cho biết, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng dược liệu cũng như đa dạng hóa sản phẩm thảo dược. “Tiếp tục tâm huyết và đam mê, chúng tôi đã liên kết với các hộ nông dân, đặc biệt là đồng bào thiểu số Bru – Vân Kiều (dân tộc thiểu số phổ biến ở vùng núi Quảng Trị) hướng dẫn họ canh tác, mở rộng các vùng dược liệu theo hướng hữu cơ, vi sinh và đầu tư chế biến đa dạng hóa các sản phẩm dược liệu, phục vụ nhu cầu khách hàng”, bà Lê Hồng Nhạn nói.