Hành trình 71 năm xây dựng kết cấu hạ tầng cho nền kinh tế

Sự vững mạnh của hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho nền kinh tế đã mang đến sức sống cho thị trường Việt Nam. Trải dài trên mảnh đất hình chữ S, hàng vạn công trình của các khu công nghiệp, khu công nghệ cao dựng xây lên, đang dần hiện thực hóa ước nguyện xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng của Bác Hồ, và cũng là giấc mơ, khát vọng của các thế hệ người Việt Nam.

Từ buổi đầu mới thành lập, ngay trong lòng các cuộc kháng chiến, vượt qua những trận càn của các Kế hoạch Rơve, Đờlát đơ Tátxinhi, Nava do quân đội Pháp tiến hành, vượt qua các chiến lược Chiến tranh Đặc biệt, Chiến tranh Cục bộ, Việt Nam hóa Chiến tranh của quân đội Mỹ, băng qua mưa bom bão đạn, các hoạt động công nghiệp, thương mại ở vùng tự do (thời kháng chiến chống Pháp) và vùng giải phóng (thời kháng chiến chống Mỹ) đã xây dựng nên những cơ sở ban đầu cho công nghiệp hóa, thúc đẩy các ngành kinh tế quốc dân phát triển, đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân, góp phần giải quyết hậu cần tại chỗ cho cuộc kháng chiến đi tới thắng lợi cuối cùng.

lo-cao-hai-van-1652496787.jpg
Di tích Lò cao kháng chiến Hải Vân - Ảnh: K.M.S

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ta đã xây dựng Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang) - cái nôi của ngành cơ khí Việt Nam; Lò cao NX3 - cái nôi của ngành luyện kim ở Thanh Hóa; bắt tay hình thành ngành công nghiệp khai khoáng với các hoạt động ở các mỏ than Làng Cẩm, Quán Triều, Khe Bố, Phấn Mễ, Minh Khai, Đầm Bùn, Khe Bố; các mỏ thiếc, mỏ chì - kẽm, mỏ apatit; sản xuất thành công nhiều loại hóa chất cơ bản, thiết yếu… đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, các hoạt động công nghiệp, thương mại ở vùng giải phóng, vùng tranh chấp tuy gặp nhiều khó khăn dưới sự đánh phá ác liệt, liên tục, nhưng đã hình thành hàng loạt cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại như cơ khí, chế biến nông sản, dệt may, chế biến gỗ, sản xuất giấy… Nhờ đó, tự túc được một phần đáng kể các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, cung cấp lượng lớn nông cụ, các loại vũ khí thô sơ cho quân đội.

bac-ho-tham-thiec-tinh-tuc-1958-1652496787.jpg
Bác Hồ thăm Nhà máy Thiếc Tĩnh Túc ở Cao Bằng năm 1958. Ảnh: TTXVN

Không chỉ xây dựng hạ tầng kinh tế-kỹ thuật, hàng vạn công nhân viên ngành Công Thương còn trực tiếp tham gia vào công cuộc giải phóng đất nước.

Trong những năm tháng leo thang ác liệt nhất trên bầu trời miền Bắc, không quân Mỹ  ném bom vào các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp và thương mại thì CBCNV ngành Công Thương phân tán về các địa phương, lấy đơn vị tỉnh làm địa bàn xây dựng công nghiệp, thương mại.

Địch nhằm vào các ngành công nghiệp nền tảng làm mục tiêu đánh phá ác liệt, thì cán bộ, công nhân ngành điện, ngành than, xăng dầu, luyện kim… nêu cao khẩu hiệu “giữ vững dòng điện như mạch máu”; “quý xăng như máu”, “chắc tay búa, vững tay súng”… Khắp các địa phương, xí nghiệp, nhà máy công trường dấy lên phong trào “tay búa, tay súng”;  “toàn dân chi viện chiến trường” “vì miền Nam ruột thịt”.

song-duyen-hai-1652496787.jpg
Trong công nghiệp và thủ công nghiệp có phong trào 'Sóng Duyên Hải', bắt đầu từ Nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng) với phong trào 'Người người thao diễn, ngành ngành thao diễn, đứng máy nào thao diễn máy ấy, dùng dụng cụ nào thao diễn dụng cụ ấy, sản xuất mặt hàng nào thao diễn mặt hàng ấy'. (Ảnh: TTXVN)

Hàng vạn cán bộ công nhân viên Ngành trực tiếp tham gia vào chiến trường miền Nam; riêng ngành Than có gần 2.000 thợ mỏ tập hợp thành Binh đoàn Than gồm ba tiểu đoàn 385, 386 và tiểu đoàn 9.

Trong những năm tháng chiến tranh, nhiều cán bộ, công nhân, người lao động ngành Công Thương đã anh dũng hy sinh. Tiêu biểu là Đội trưởng bảo vệ Trương Xuân Lợi, Đội phó bảo vệ Lê Xuân Ba của Tổng kho Xăng dầu Đức Giang; liệt sỹ Mạc Văn Cầu, liệt sỹ Nguyễn Văn Mậu của Tổng kho Xăng dầu Thượng Lý; Đại đội trưởng tự vệ, Anh hùng Lực lượng vũ trang, liệt sỹ Đặng Bá Hát của Than Hòn Gai...

Chiến tranh kết thúc, Công Thương cũng là ngành đi đầu trong khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, ngành Công Thương, với phương châm tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, dựa vào sức mình là chính, đã di chuyển nhiều cơ sở công nghiệp kháng chiến về địa điểm mới; tiếp quản khôi phục và mở rộng một số cơ sở công nghiệp cũ; và xây dựng nhiều nhà máy mới, mà những cái tên còn vang vọng đến giờ: Khu Công nghiệp Thượng Đình; Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Dệt Nam Định, Mỏ than Hòn Gai, mỏ thiếc Tĩnh Túc, Nhà máy Xi măng Hải phòng, Xí nghiệp sửa chữa xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Diêm Thống nhất, các nhà máy điện Nam Định, Hải Phòng, Cửa Ông… Từ đó, hình thành nền công nghiệp hiện đại với cơ cấu khá hoàn chỉnh, bao gồm các ngành công nghiệp chế tạo tư liệu và sản xuất hàng tiêu dùng.

khu-cong-nghiep-thuong-dinh-1652496787.jpg
Năm 1960, khu Thượng Đình đã có 3 nhà máy: Caosu Sao vàng, Thuốc lá Thăng Long và Xà phòng Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Khi chiến tranh phá hoại chấm dứt năm 1973, các cơ sở sản xuất điện, than, gang thép, chế tạo máy công cụ, phân bón, hóa chất, cao su, công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm… nhanh chóng được khôi phục và mở rộng, tiếp tục duy trì và phát triển nguồn lực của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho công cuộc thống nhất nước nhà.

Sau năm 1975, nhiệm vụ quan trọng nhất là hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, xây dựng đất nước “đàng hoàng, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác Hồ, ngành Công Thương đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước xác định những công trình trọng điểm nhằm hình thành một nền công nghiệp tự chủ, với cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, cơ cấu công nghiệp hoàn chỉnh hơn.

Điển hình là xúc tiến việc tìm kiếm và khai thác dầu mỏ trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, tiến tới hình thành một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, bao gồm cả thăm dò, khai thác, vận chuyển, lọc dầu, hóa dầu, cơ khí phục vụ ngành dầu khí; xây dựng tuyến đường dây 220 kV đầu tiên, bắt tay xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, xây dựng Tổng sơ đồ phát triển điện năng giai đoạn 1; khôi phục và mở rộng Nhà máy cơ khí Hà Nội, nhà máy Phân Đạm Hà Bắc, Supe Photphat Lâm Thao, thành lập Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng, Nhà máy cán thép Lưu Xá; khôi phục và mở rộng các nhà máy điện, xi măng, dệt may, da giày, hóa chất, chất tẩy rửa, chế biến thực phẩm… ở các tỉnh phía Nam.

thuy-dien-hoa-binh-1652496787.jpg
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thả viên đá tượng trưng, mở đầu cho ngày hội ngăn sông Đà để xây dựng Nhà máy thủy điện Hoà Bình (9/1/1986)

Thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, ngành Công Thương kịp thời điều chỉnh cơ cấu, hướng tới xây dựng một nền công nghiệp, thương mại, kinh tế đối ngoại độc lập, tự chủ; tập trung thể chế hóa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về quyền tự chủ của doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường trong nước và quốc tế; tham mưu và tổ chức xây dựng nhiều văn bản pháp luật, các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế.

cac-khu-cong-nghiep-o-ha-noi-1652496787.jpg
Trải dài trên mảnh đất hình chữ S, hàng vạn công trình của các khu công nghiệp, khu công nghệ cao do nhà nước, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước dựng xây lên.

Các quy hoạch, chiến lược không chỉ tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước theo hướng gắn công nghiệp hoá với hiện đại hoá, gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phát triển kinh tế tri thức, mà còn làm thay đổi căn bản công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại theo hướng chuyển mạnh sang chức năng thúc đẩy, phục vụ phát triển là chính, hạn chế tối đa sử dụng các biện pháp hành chính vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giảm dần các đầu mối quản lý ngành.

Sự vững mạnh của hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho nền kinh tế đã mang đến sức sống và sự cuốn hút của thị trường Việt Nam. Trải dài trên mảnh đất hình chữ S, hàng vạn công trình của các khu công nghiệp, khu công nghệ cao do nhà nước, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước dựng xây lên.

namconsond-1652496787.jpg
Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 là dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí, là hạ tầng quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng của nền công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn 2015, định hướng đến 2025.

Ánh sáng và tiếng máy giòn giã suốt ngày đêm không ngừng nghỉ của Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La, Đường ống khí Nam Côn Sơn, Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro, Nhà máy cơ khí Hà Nội… đang dần dần hiện thực hóa ước nguyện xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng của Bác Hồ, và cũng là giấc mơ, khát vọng của các thế hệ người Việt Nam chúng ta.

tang-truong-1652496788.jpg